Tỉnh duy nhất luôn lọt top 10 địa phương có năng lực điều hành kinh tế tốt nhất cả nước trong 15 năm

Chia sẻ Facebook
16/09/2022 10:53:10

Tỉnh duy nhất luôn lọt top 10 địa phương có năng lực điều hành kinh tế tốt nhất cả nước trong 15 năm

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Theo Báo cáo năm 2007, chỉ số PCI của Đồng Tháp xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố với 64,89 điểm và được xếp và được xếp vào nhóm điều hành tốt. Trong 14 năm tiếp theo, từ năm 2008 - 2021, Đồng Tháp luôn duy trì trong top 5 địa phương có chỉ số PCI tốt nhất.

Cụ thể, năm 2008, Đồng Tháp xếp thứ 5 với 66,64 điểm, tăng 4 bậc và 1,75 điểm so với năm 2007. Đến năm 2012, tỉnh vươn lên vị trí “quán quân”, đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và được xếp vào nhóm điều hành tốt. Trong đó, chỉ số tính năng động xếp thứ nhất với 7,17 điểm và chỉ số tiếp cận đất đai xếp thứ 2 với 8,5 điểm.

Nguồn: PCI Việt Nam


Tuy nhiên, năm 2013, thứ hạng của Đồng Tháp lại giảm đi 4 bậc so với năm trước với 63,35 điểm, giảm 0,44 điểm so với năm trước. Song những năm sau, thứ hạng PCI của địa phương có xu hướng tăng trở lại, duy trì trong top 3 từ năm 2014 - 2021.

Năm 2020, Đồng Tháp có chỉ số PCI cao nhất trong vòng 15 năm với 72,81 điểm, xếp thứ 2 trên cả nước và xếp thứ nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong báo cáo mới nhất được công báo vào tháng 4/2022, Đồng Tháp vẫn xếp thứ nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng xếp thứ 3 trên toàn quốc, giảm 1 bậc so với năm 2020.

Trong 10 chỉ số thành phần được sử dụng làm thước đo đánh giá PCI, Đồng Tháp có 3 chỉ số thành phần đứng top 5 cả nước là Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Chi phí không chính thức.

Đây cũng là 3 chỉ số thành phần tăng điểm so với kết quả của năm 2020. Đặc biệt, Chi phí không chính thức – một yếu tố được đánh giá gắt gao khi cân nhắc lựa chọn địa điểm đầu tư của Đồng Tháp được các doanh nghiệp đánh giá cao và xếp thứ 2 cả nước.

Trong khi đó, Chi phí thời gian, Tính năng động của chính quyền tỉnh, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự... là những chỉ số thành phần sụt giảm điểm nhiều và cần được cải thiện trong thời gian tới.

Theo báo cáo, ngoài sáng kiến “Cà phê doanh nhân” bắt đầu từ năm 2016, Đồng Tháp hiện nay còn mở rộng thêm nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và nâng cao năng lực quản trị của các hộ kinh doanh. Tỉnh Đồng Tháp cũng khuyến khích sự thành lập các hội quán và các hợp tác xã nhằm tăng cường kết nối giữa những cá nhân và các cơ sở sản xuất kinh doanh, qua đó cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ nhau lớn mạnh hơn trong hoạt động kinh doanh.

Đây cũng là một hình thức hiệu quả giúp kết nối chuỗi giá trị ở địa phương, đặc biệt là các chuỗi giá trị về nông sản.

Chia sẻ Facebook