Tỉnh duy nhất không có thu nhập bình quân cao nhưng liên tục lọt top mua nhiều ô tô nhất
(Tổ Quốc) - Trong top 5 địa phương có tỷ lệ người tiêu dùng mua xe cao nhất năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, duy nhất chỉ có Nghệ An không nằm trong nhóm địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng ô tô cá nhân từ 9 chỗ trở xuống, do người dân mua và đăng kiểm lần đầu tại Hà Nội, trong nửa đầu năm 2022 là 33.619 chiếc. Đứng thứ hai là TP. HCM với 24.892 chiếc; thứ ba là Đồng Nai với 7.992 chiếc; thứ tư là Bình Dương với 7.661 chiếc; thứ năm là Nghệ An với 7.497 chiếc.
Trước đó, vào năm 2021, số lượng ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống, được người tiêu dùng Việt Nam mua và đi đăng kiểm lần đầu tiên đạt 318.704 xe các loại. Hà Nội cũng là địa phương có tỷ lệ người tiêu dùng mua xe cao nhất năm 2021, với 50.928 xe. Theo sau đó lần lượt là TP. HCM, Hải Phòng, Nghệ An và Bình Dương.
Theo số liệu từ Kết quả Khảo sát mức sống dân cư 2021 của Tổng cục Thống kê, năm 2021, Bình Dương đang là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước với 7,12 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,8 lần mức bình quân chung của cả nước, tăng 1,71% so với năm 2020. Xếp ở vị trí thứ 2 là TP. HCM với 6,01 triệu đồng/người/tháng và Hà Nội ở vị trí thứ 3 với 6 triệu đồng/người/tháng. Đồng Nai xếp thứ tư với 5,75 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, Nghệ An chỉ có mức thu nhập bình quân 3,095 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn mức trung bình cả nước là 4,205 triệu đồng/người/tháng.
Một dữ liệu đáng chú ý khác là tỷ lệ sở hữu xe hơi ở các tỉnh thành. Nếu xét tỷ lệ này thì ta còn thấy nhiều tỉnh nghèo có tỷ lệ sở hữu ô tô cao hơn nữa.
Nếu tính chung cả thành thị và nông thôn thì các tỉnh thành có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu xe hơi cao nhất là Hà Nội (12%), Đà Nẵng (10,7%), Thái Nguyên (10,3%), Quảng Ninh (9,7%) và Vĩnh Phúc (9,5%).
Tuy nhiên, nếu tính riêng vùng thành thị ở các tỉnh, thì khu vực thành thị ở Lào Cai mới là nơi có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu xe hơi lớn nhất cả nước với tỷ lệ 19,3%. Sau đó là thành thị ở Bắc Giang (19,2%), Thái Nguyên (18,1%), Lạng Sơn (17,7%).
Đáng chú ý, tỷ lệ này sở hữu xe hơi ở đầu tàu kinh tế TP. HCM chỉ là 6,7%, nằm ngoài top 10. Thậm chí, tỷ lệ sở hữu xe hơi ở khu vực thành thị của TP. HCM (7,1%) còn thấp hơn vùng nông thôn ở Vĩnh Phúc (7,2%).
Lào Cai, đứng thứ 6 về tỷ lệ sở hữu xe hơi nhưng cũng chỉ đứng thứ 56 về thu nhập bình quân đầu người. Lạng Sơn, đứng thứ 9 về tỷ lệ sở hữu ô tô, đứng thứ 57 về thu nhập bình quân đầu người.