Tỉnh đứng thứ tư về giá trị xuất khẩu, đứng đầu về tỷ lệ sở hữu ô tô
Cứ 10 hộ dân Thái Nguyên lại có hơn một hộ có ô tô. Tại trung tâm thành phố, các bãi đỗ xe ở vỉa hè kéo dài hàng km.
Tỉnh Thái Nguyên được coi là một trong những trung tâm kinh tế của khu vực Trung du miền núi phía bắc. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đứng thứ 6 nhưng có tỷ lệ người dân sở hữu ô tô nhiều nhất cả nhất cả nước. Trung bình cứ 10 hộ dân ở Thái Nguyên thì có hơn 1 hộ sở hữu ô tô.
Toàn tỉnh hiện có gần 100.000 phương tiện ô tô đang được quản lý. Trong đó, ô tô con chiếm gần 61%; ô tô tải chiếm hơn 33%; ô tô khách chiếm 3,34%, còn lại là xe sơ mi rơ moóc, chuyên dùng… Năm 2019, tổng số ô tô đăng ký mới trên địa bàn tỉnh là 6.266 xe; năm 2020 là 6.826 xe và năm 2021 là 7.335 xe.
Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Thái Nguyên), trong ba tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã có gần 1.800 xe ô tô được đăng ký mới, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 66% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19).
Nhiều tuyến đường thuộc khu vực trung tâm của thành phố Thái Nguyên, đặc biệt là quanh các trụ sở, trung tâm thương mại, lượng ô tô đỗ dưới đường kéo dài cả km, thậm chí đỗ kín cả vỉa hè.
Tuy tỷ lệ dân sở hữu ô tô cao nhưng mật độ giao thông tại Thái Nguyên không hề cao. Trong giờ cao điểm, các phương tiện vẫn có thể lưu thông bình thường. Chia sẻ với phóng viên anh Nguyễn Như Hoàng (32 tuổi) cho biết nhà anh cách trung tâm thành phố 20 km, hàng ngày anh di chuyển bằng ô tô vào thành phố làm việc chỉ mất hơn 20 phút. Việc đi lại rất thuận lợi, tiết kiệm thời gian và an toàn nên gia đình anh đã cố gắng tích góp để sở hữu một chiếc ô tô.
Cũng theo anh Hoàng, nhu cầu sở hữu ô tô cá nhân tại nơi anh sinh sống khá lớn, xung quanh hàng xóm, bạn bè hầu như nhà ai cũng có ít nhất là một xe, có gia đình còn sở hữu tới hai chiếc. Nắm bắt được thị hiếu khách hàng, các hãng xe lớn như Toyota, Honda, Ford… đều có đại lý phân phối chính hãng tại tỉnh này.
Việc tỷ lệ người dân sở hữu ô tô cao là một minh chứng rõ nét cho thành công của tỉnh Thái Nguyên sau 25 năm tái lập. Quy mô kinh tế của Thái Nguyên không ngừng mở rộng; giá trị xuất khẩu đứng thứ 4 cả nước, thu ngân sách đứng trong top 20 cả nước, thuộc top 15 tỉnh, thành phố có chỉ số cạnh tranh tốt nhất cả nước.
Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt 11,1%/năm; GRDP bình quân đầu người tăng từ 51 triệu đồng/người năm 2015 lên 90 triệu đồng/người năm 2020. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16,3%/năm, vươn lên đứng thứ 2 trong vùng Thủ đô Hà Nội, đứng đầu vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Năm 2021, tổng thu ngân sách tỉnh đạt 18.000 tỷ, 6 tháng đầu năm 2022 đạt trên 9.500 tỷ, đạt 129% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập nhập bình quân đầu người ước đạt 95,1 triệu đồng/người/năm, đứng thứ sáu cả nước.
Trong nhiều năm qua, Thái Nguyên là địa chỉ đỏ thu hút nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Năm 2021, Thái Nguyên đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 27 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn trên 1 tỷ USD nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực tại Thái Nguyên lên 170 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 9,67 tỷ USD.
7 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư FDI vào Thái Nguyên đạt 1,02 tỷ USD, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nổi bật là dự án Nhà máy điện tử Samsung - Thái Nguyên của tập đoàn Samsung Electronic (Hàn Quốc). Đầu năm 2022, tập đoàn Samsung đã quyết định chi thêm 920 triệu USD nâng tổng vốn đầu tư từ 1,35 tỷ USD lên 2,27 tỷ USD đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên.
Ngoài những con số ấn tượng về kinh tế, Thái Nguyên cũng được biết đến là một trung tâm giáo dục lớn của cả nước, quy tụ hàng chục trường cao đẳng, đại học. Tiêu biểu là Đại học Thái Nguyên (gồm 10 trường và đơn vị trực thuộc). Đại học Thái Nguyên được xếp vào nhóm đại học trọng điểm quốc gia, một trong 17 trường/nhóm trường đại học tốt nhất tại Việt Nam.