Tỉnh có trữ lượng bô xít lớn nhất cả nước liên tục được rót hàng tỷ USD đầu tư vào ngành công nghiệp mũi nhọn
Thời gian gần đây, tỉnh có trữ lượng bô xít lớn nhất cả nước liên tục được rót hàng tỷ USD đầu tư vào ngành công nghiệp Alumin – nhôm. Mới đây, tỉnh đã có buổi làm việc liên quan đến đầu tư vào dự án tổ hợp nhôm lên tới 57.000 tỷ đồng.
Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang tiến hành triển khai làm việc với các tập đoàn lớn liên quan đến việc nghiên cứu, khảo sát đầu tư vào tỉnh. Cụ thể, các tập đoàn lớn như Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Phương, Tập đoàn Hòa Phát và gần nhất là Công ty Cổ phần tập đoàn hoá chất Đức Giang đã có buổi làm việc với các lãnh đạo của tỉnh.
Vào tháng 4/2022, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông đã có buổi làm việc với Tập đoàn Hòa Phát về đề xuất khảo sát đầu tư các dự án của tập đoàn. Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư các dự án gồm: Dự án Alumin, công suất 2 triệu tấn Alumin /năm; nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, Tập đoàn Hoà Phát cũng đề xuất dự án Điện phân nhôm, công suất 0,5 triệu tấn/năm và dự án Nhà máy Điện gió Hòa Phát công suất 1.500 MW xây dựng tại huyện Đắk Song và Tuy Đức.
Tổng kinh phí đầu tư của tổ hợp các dự án là khoảng 4,3 tỷ USD. Nếu được tỉnh Đắk Nông chấp thuận đầu tư, Tập đoàn Hòa Phát cam kết tập trung nguồn lực mạnh nhất để khởi công xây dựng, sớm đưa các tổ hợp của dự án vào vận hành trong thời gian nhanh nhất.
Cùng với đó, cũng trong tháng 4/2022, CTCP Tập đoàn Việt Phương (thuộc Tập đoàn Việt Phương) đã báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông về 4 dự án đang trong quá trình khảo sát và xin chủ trương đầu tư tại tỉnh.
Dự án mà Tập đoàn Việt Phương muốn đầu tư vào tỉnh đó là: Dự án tổ hợp bô xít - alumin - nhôm Đắk Glong với diện tích 600 ha nằm trên địa bàn H.Đắk Glong, quy mô 2 triệu tấn alumin/năm; 7 dự án điện gió thuộc huyện Tuy Đức, huyện Đắk Song và huyện Đắk Glong, tổng công suất là 690 MW và dự án Khu công nghiệp Nhân Cơ 2 diện tích 400 ha tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 4.200 tỷ đồng.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông có buổi làm việc với CTCP Tập đoàn hoá chất Đức Giang để thống nhất một số nội dung liên quan đến đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh.
CTCP Tập đoàn hoá chất Đức Giang cho biết, đang nghiên cứu triển khai 2 dự án đầu tư tại Đắk Nông gồm: Tổ hợp nhôm Đức Giang - Đắk Nông và Nhà máy sản xuất phân bón Đức Giang - Đắk Nông. Tổng mức đầu tư của dự án tổ hợp nhôm là 57.000 tỷ đồng, khoảng 2,5 tỷ USD.
Đối với Dự án Tổ hợp nhôm đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu, khảo sát tại vị trí mỏ bô xít ở huyện Tuy Đức và Đắk Song, vị trí xây dựng Nhà máy chế biến Alumina tại xã Thuận Hà, Thuận Hạnh (Đắk Song).
Đắk Nông là tỉnh nằm ở phía Tây Nam vùng Tây Nguyên với tiềm năng thế mạnh trong nông, lâm nghiệp; năng lượng, khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản bô xít. Tiềm năng về khai thác bô xít là một lợi thế rất lớn để góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp.
Tỉnh có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, với 218 mỏ và điểm mỏ, gồm 16 loại khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao. Trong đó, theo UBND tỉnh Đắk Nông, tài nguyên lớn nhất của tỉnh là khoáng sản bô xít với trữ lượng chiếm 2/3 tổng trữ lượng cả nước trải rộng trên hầu hết diện tích của tỉnh.
Quặng bô xít của Đắk Nông được phân bổ ở thị xã Gia Nghĩa, các huyện Đắk G'Long, Đắk R'Lấp và Đắk Song, với trữ lượng dự đoán khoảng 5,4 tỷ tấn, trữ lượng thăm dò ước tính 2,6 tỷ tấn, hàm lượng bô xít nhôm đạt từ 35 - 40%.
Trước tiềm năng về bô xít lớn, tỉnh Đắk Nông xác định phát triển sản xuất công nghiệp Alumin, luyện nhôm và năng lượng gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tỉnh xác định tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn là công nghiệp Alumin – nhôm nhằm tạo động lực phát triển kinh tế.
Cùng với đó, tỉnh định hướng đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp Alumin, luyện nhôm, tạo động lực chính để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thu hẹp khoảng cách chênh lệch kinh tế so với các địa phương khác trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế, Đắk Nông đã phấn đấu phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân giai đoạn 2015 – 2020 là 9%/năm. Cùng với đó, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 44,3 triệu đồng/người/năm.
Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn giữ mức ổn định, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đắk Nông xếp thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 7 của cả nước.
Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn năm 2021 ước đạt trên 20.726 tỷ đồng, tăng 8,63% so với năm trước. Cùng với đó, GRDP bình quân đầu người đạt 52,1 triệu đồng/người.
Để xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã xác định: "Phát triển công nghiệp Alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo, xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế địa phương".