Tình cảnh khốn khổ của gần 1.200 công nhân bị sa thải khi Tết đã cận kề ở TP.HCM

Chia sẻ Facebook
16/11/2022 16:53:47

“Năm ngoái thì dịch bệnh, năm nay thì bị cho nghỉ việc”

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, gần 1.200 công nhân của công ty TNHH Tỷ Hùng sẽ chính thức mất việc làm. (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam)

Nước mắt người công nhân

Hơn 17 năm gắn bó, cô Hường dự tính sẽ làm công nhân thêm vài năm nữa để đủ tuổi về hưu, nhưng rồi khi Tết đã cận kề thì đùng một cái, công ty thông báo sa thải hàng loạt, gần 1.200 công nhân mất việc…

Đưa đôi tay quệt nước mắt, cô Đặng Thị Hường (51 tuổi) cho biết cô rời Nghệ An vào TP.HCM làm công nhân công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) hơn 17 năm qua, số tiền 7 – 8 triệu/tháng giúp cô trang trải sinh hoạt, gửi tiền về quê để chăm lo cho con cái, gia đình. Tuy cuộc sống không mấy khá giả nhưng có được công việc làm, đặc biệt ở tuổi ngoài 50 như cô đã là một điều may mắn.

Vậy mà giờ chỉ còn 3 tuần nữa, cô Hường cũng như gần 1.200 công nhân của công ty sẽ chính thức bị cho nghỉ việc vì doanh nghiệp gặp khó khăn, quyết định thu hẹp sản xuất do không có đơn hàng.

Sau buổi tan làm, cô Hường buồn bã trở về phòng trọ và chưa biết những ngày sắp tới cuộc sống sẽ ra sao?. (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam)

Ngày nhận được thông báo, cô Hường bật khóc. Về đến căn phòng trọ nhỏ của mình, đối diện với 4 bức tường trống, cô chẳng biết những ngày sắp tới mình sẽ sống ra sao. Chỉ còn vài năm nữa, cô sẽ có lương hưu, tuy không nhiều nhưng 2 – 3 triệu/tháng ở quê nhà giúp phần đời còn lại của cô bớt cơ cực. Mọi dự định đều tan vỡ khiến cô Hường chết lặng…


“Cô làm ở đây 17 năm mấy tháng rồi, còn mấy năm nữa là về hưu thôi mà giờ công ty không cho làm nữa, mình lớn tuổi rồi, có chỗ nào nhận đâu” , cô Hường nghẹn lời.

Cuộc sống chật vật

Cùng hoàn cảnh với cô Hường, chị La Thị Lệ Xuân (40 tuổi) dựa vào đồng tiền lương của công nhân để gồng gánh nuôi 2 đứa con nhỏ. Từ lúc nhận thông báo cho nghỉ, chị Xuân bàng hoàng, hụt hẫng và lo sợ khi nghĩ đến những ngày sắp tới, tiền học phí, tiền ăn uống, bánh sữa cho con không biết lấy đâu ra để lo liệu.


“30/11 công ty cho nghỉ, chị thất nghiệp chứ đâu có chỗ nào nhận đâu, gần Tết rồi, ai mà nhận người mới. Mọi năm có thưởng Tết, đỡ lắm, con mình còn có sữa uống. Giờ thì không có gì là chắc chắn nữa” , chị Xuân tâm sự.


Lặng ngồi một góc trước cửa phòng trọ, chị Võ Thị Phượng (44 tuổi) chua xót khi đây là lần đầu tiên trong suốt 18 năm qua, chị lo sợ phải tìm một công việc mới, nhất là khi bản thân đã lớn tuổi.
Chồng mất, chị Phượng rời vùng quê nghèo Trà Vinh lên TP.HCM để kiếm việc làm, phụ gia đình trang trải chi phí.

Thấm thoắt đã 18 năm 4 tháng, chị làm việc, gắn bó với công ty TNHH Tỷ Hùng. So với việc ở quê nhà không có đất đai, ruộng vườn, tiền lương mỗi tháng từ việc làm công nhân giúp chị Phượng lo đủ cho bản thân và gia đình mình. Nhưng chị không ngờ, công ty mà chị đã gắn bó hơn 18 năm ròng lại rơi vào tình cảnh khốn đốn, buộc phải sa thải hàng loạt công nhân.


“Nghe xong chị không dám tin, chỉ nghĩ đó là tin đồn thôi. Lúc công ty thông báo sẽ cho nghỉ, chị sửng sốt… Như chị 44 tuổi rồi, cũng khó xin việc làm, Tết thì cũng gần tới, đâu chỗ nào chịu nhận mình lúc này đâu. Chị ở quê lên, 18 năm chỉ biết gắn bó với công ty này, giờ đùng một cái, chả biết tính gì nữa cả… “ , chị Phượng thở dài.

Hơn 18 năm gắn bó, chị Phượng không nghĩ rằng công ty của mình lại rơi vào tình cảnh khốn khổ như vậy. (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam)

Mọi năm, sau khi lĩnh tiền thưởng Tết, có hàng tăng ca nhiều, chị Phượng cũng có dư chút ít để về quê mua quà tặng gia đình, phụ lo cho mẹ già và con cái nuôi cháu. Giờ bất ngờ bị cho nghỉ việc, chị cũng như gần 1.200 công nhân hoang mang.


“Công ty cho nghỉ như vậy, xin việc ở đâu, người trẻ họ còn có cơ hội chứ như tụi chị, già rồi, ai mà mướn” , vừa nói chị Phượng vừa buồn bã nhìn chị Trần Thị Giúp (48 tuổi, quê Đồng Tháp), một công nhân khác cùng cảnh ngộ bị cho thôi việc.

Hơn ai hết, cả chị Phượng và chị Giúp hiểu rằng, bị công ty cho nghỉ lúc này chẳng khác nào gia đình các chị mất đi chiếc cần câu cơm.

Chị Phượng thì 18 năm gắn bó, chị Giúp cũng đã 17 năm, không ngại cực, sợ khó, họ vẫn mong có được một công việc ổn định để nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình.

Những ngày làm việc ít ỏi còn lại ở công ty, cả 2 chị biết rằng chẳng còn cơ hội hay phép màu nào để mình có thể thoát khỏi cảnh thất nghiệp.

Trong căn trọ xập xệ, những người phụ nữ lớn tuổi nhìn nhau, chẳng biết nói gì. Tiền trọ, tiền điện, tiền sinh hoạt mỗi tháng, tiền phụ nuôi mẹ già, chăm con…, tất cả như một mớ hỗn độn mà bản thân những người công nhân như chị Phượng, chị Xuân hay chị Giúp, cô Hường đang đối mặt.

Đau lòng cảnh cả xóm trọ túa đi tìm việc

Trước đó, trên nhiều phương tiện truyền thông, công ty Tỷ Hùng cho biết, do thiếu đơn hàng, công ty đã quyết định thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng lao động với gần 1.200 công nhân, bắt đầu từ ngày 1/12.

Nhưng không chỉ công nhân công ty Tỷ Hùng gặp khó khăn khi bị cho thôi việc mà các công nhân ở những doanh nghiệp khác trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương… cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.


Công ty TNHH May Sun Kyoung Việt Nam, 100% vốn Hàn Quốc, đầu tháng 11, cũng đã thông báo sẽ dừng hoạt động do đối tác bất ngờ cắt toàn bộ đơn hàng, đồng nghĩa với việc gần 830 người lâm vào cảnh mất việc. Gần chục ngày qua, mỗi khi gặp nhau các công nhân khu trọ đối diện nhà máy Sun Kyoung Việt Nam ở quận 12 lại hỏi “tìm được việc chưa” thay lời chào.

Người lao động đi xin việc vào dịp cuối năm ở Bình Dương. (Ảnh: VietNamNet)


Hơn 20 năm rời Bạc Liêu lên thành phố mưu sinh, chị Trần Thị Diện, 49 tuổi, có ba năm làm việc ở Sun Kyoung cho biết, chị “chưa bao giờ nghĩ đến cảnh một ngày cả xóm trọ túa đi tìm việc như hôm nay”, tìm được một công việc phù hợp giai đoạn này còn “mừng hơn trúng số”…

Theo chị Diện, nhiều đồng nghiệp của chị đã đóng cửa phòng trọ về quê. Một số khác tính chuyện đổi nghề vì lớn tuổi, khả năng quay lại nhà xưởng gần như bằng không.

Trong khi đó, do mất việc, bị giảm giờ làm vào dịp cuối năm, nhiều công nhân ở khu công nghiệp Bình Dương cũng phải tìm đường về quê sớm.

Nhiều người đứng chờ đón xe về quê sớm do mất việc. (Ảnh: VietNamNet)

Một người dân có nhà trên quốc lộ 13, đoạn qua Ngã tư Hòa Lân (phường Thuận Giao, TP. Thuận An) cho biết, trước đây bà chỉ thấy dòng người đứng chờ xe khách vào những ngày cận Tết với không khí nhộn nhịp, vui vẻ nhưng năm nay hình ảnh này xuất hiện sớm hơn. Trong dòng người đứng chờ xe, ai cũng mang nét mặt trầm tư.

Theo ngành chức năng, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang gặp khó do đơn hàng bị giảm sút, chỉ duy trì hoạt động từ 30 – 50% so với trước đây. Để giảm gánh nặng chi phí, doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Có doanh nghiệp không tăng ca, nghỉ ngày thứ 7 hoặc 1 tuần làm 3 ngày.


Xuân Hạ (t/h)

Từ Khóa :

Chia sẻ Facebook