“Tính bản ác”, một khía cạnh của bạo lực
Những ngày này, dư luận xã hội vẫn chưa hết sửng sốt về hai vụ việc xảy ra gần đây, trong không gian học đường.
Việc thứ nhất: năm, sáu học sinh lớp 8 ở một trường phổ thông thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội đã giữ chặt một học sinh khác và thúc "vùng kín" bạn vào cột cờ ngay giữa sân trường, đã thế còn “cẩn thận” dùng điện thoại ghi lại hình ảnh.
Việc thứ hai, các học sinh lớp 7 ở một trường phổ thông thuộc huyện Sơn Dương, Tuyên Quang hùa vào nhốt cô giáo dạy nhạc trong phòng học, trêu chọc, thóa mạ, đánh đập cô, và việc này diễn ra không chỉ một lần.
Tôi chắc rằng lương tâm, lương tri của toàn xã hội và của mỗi người đều phải tự đặt câu hỏi trước những vụ việc kinh khủng này: “Điều gì đang xảy ra vậy, dưới mái trường của chúng ta, với những đứa học sinh mới 13, 14 tuổi nhưng đang ở tận cùng của cách hành xử tàn ác và mất dạy?”.
Theo dõi đài, báo và mạng xã hội, tôi thấy nhiều người đã cắt nghĩa bằng những vấn đề đầy tệ hại của việc giáo dục trẻ em hiện nay, trong nhà trường và ở gia đình, như sự nuông chiều con quá mức của các bậc cha mẹ, sự thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý của lãnh đạo nhà trường, hay những ảnh hưởng xấu của mạng xã hội đến kẻ vị thành niên. (Có người còn nói đến nguyên nhân sâu xa hơn, về sự đi xuống của hình ảnh người thầy trong mắt trẻ, khi mà “chuột chạy cùng sào mới thi vào sư phạm”, nghĩa là làm giáo viên thì lương thấp, nghèo, khó khăn, nên những hạt giống tốt nhất sẽ chọn các ngành theo, còn vào ngành đào tạo những người thầy sẽ chỉ là những hạt lép, làng nhàng, thậm chí cuối bảng cả về điểm số lẫn hạnh kiểm).
Những cắt nghĩa ấy đều có lý và dường như cũng đã đầy đủ. Nhưng tôi vẫn muốn nghĩ đến một khía cạnh khác của vấn đề bạo lực, bạo lực trong học đường, như hai vụ việc nêu trên. Đó là cái, nói như Tuân Tử, “tính bản ác” – cái tự nhiên gốc gác trong tính cách trời cho ở con người là ác - trong những học sinh phổ thông, cái lứa tuổi lẽ ra phải rất trong sáng, thiện lành. Đây là quan điểm về con người ngược với quan điểm của Khổng (hay Mạnh?) Tử, “nhân chi sơ tính bản thiện”.
Cả Khổng (Mạnh?) Tử và Tuân Tử đều đúng, nhưng đúng nhất có lẽ vẫn là ông già nhà văn hiền triết người Nga Lev Tolstoi khi ông cho rằng, đại ý: những con người như những dòng sông, nước ở các dòng sông khi trong khi đục, lúc hiền hòa lúc vô cùng dữ dội, thì con người cũng như thế, mỗi con người đều mang sẵn trong mình những mầm mống tính cách thiện ác của cả loài người, và tùy theo hoàn cảnh mà nó sẽ thể hiện ra là tốt hay là xấu.
Những học sinh phổ thông 13, 14 tuổi trong hai vụ việc bạo lực nêu trên là như vậy. Trong cái “tính” (tức cái tự nhiên, trời cho) của chúng có cả thiện lẫn ác. Nhưng ở những hoàn cảnh thuận lợi, cái ác – chứ không phải cái thiện – đã được kích hoạt và xổng ra để hoành hành, thể hiện thành những hành động tra tấn man rợ, vượt quá sự trêu chọc đùa nghịch bạn bè thông thường (nắm chặt tay chân, giộng hạ bộ bạn vào cột cờ), hoặc những hành động đại nghịch bất đạo, không thể chấp nhận được (nhốt, chửi, đánh cô giáo).
Về cả hai vụ việc, xét theo tâm lý học sẽ thấy khá giống với trường hợp những đứa trẻ con hành hạ các con vật: ghim bốn chân con ếch rồi mổ bụng, chọc mù mắt con mèo rồi treo lên, dội nước sôi xuống người con chó v.v..., không phải do thù ghét hay muốn tìm hiểu gì, mà chỉ để làm vui, để được thích thú chứng kiến sự giãy giụa và những tiếng kêu đau đớn của các con vật mà thôi.
Nhà tâm lý học người Đức Eric Fromm, trong công trình nghiên cứu có tên “Trốn thoát tự do” (Escape of Freedom) coi đó như là một biểu hiện của chứng bạo dâm, tức là thói quen tìm kiếm khoái cảm bằng việc cưỡng bách và hành hạ kẻ khác.
Còn nhà văn Pháp gốc Do Thái Irene Nemirovsky, trong tiểu thuyết “Bản giao hưởng Pháp”, lại kể về cái ác của trẻ con theo một cách khác, khá giống với vụ việc thứ hai nêu trên: khi nước Đức quốc xã tấn công Paris, ông linh mục Phillipe Pericand đã dẫn một đám trẻ con thành thị về nông thôn chạy giặc; trên đường đi ông hết lòng lo lắng bảo vệ cho chúng, nhưng điều đó lại khiến chúng khó chịu vì thấy như mình bị áp chế, bọn trẻ đã ném đá ông đến chết.
Cũng nên chú ý đến một chi tiết được lặp lại trong cả hai vụ việc ở Ứng Hòa, Hà Tây và ở Sơn Dương, Tuyên Quang: thủ ác không phải một cá nhân, mà là một tập thể học sinh. Hoàn toàn có thể cho rằng ở đây cái tâm lý đám đông, cái sự say máu đã được lây nhiễm, lan truyền từ đứa trẻ này sang đứa trẻ kia, biến chúng thành một khối bạo lực hoang dại, man rợ, không còn ý thức về tính mức độ của việc hành hạ (có thể đến chết) người khác. Hay nói cách khác, cái ác trong những đứa trẻ đã xổng chuồng .
Tất nhiên là cần phải lập lại trật tự, kỷ cương, trong những trường hợp này là lập lại trật tự kỷ cương với học sinh trong nhà trường phổ thông. Tôi cho rằng, lâu nay, cái sự tôn trọng đến mức sợ sệt đã biến nhiều thầy cô giáo và nhà trường trở thành những kẻ khiếp nhược trước học sinh phổ thông và các bậc cha mẹ của chúng. Khi cái quyền của người thầy bị, hoặc tự tước đoạt thì sẽ chẳng bao giờ có giáo dục tử tế.
Kỷ luật nghiêm, giám sát chặt chẽ và trừng phạt một cách hợp lý, ấy chính là cách tốt nhất để kìm giữ sự nổi loạn của “tính bản ác” trong học sinh, và khiến cho học đường trở nên là một không gian xã hội “đáng sống” một cách đúng nghĩa.