Tin tức Đời sống 7/12: Cẩn trọng với bệnh Whitmore
Cập nhật tin tức đời sống ngày 7/12: Cẩn trọng với bệnh Whitmore; Bị cắt phổi vì thói quen hút thuốc nhiều năm...
Cẩn trọng với bệnh Whitmore
Thông tin từ Bệnh viện trung ương quân đội 108 cho biết, khoa Bệnh lây đường tiêu hóa của bệnh viện vừa thu dung và điều trị cho bệnh nhân A.D. (50 tuổi) nhập viện trong tình trạng sốt cao, tại vùng cổ trái có khối sưng đau. Sau thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán áp xe vùng cổ gáy trái, và lưng do mắc bệnh Whitmore.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được chích rạch ổ áp xe. Sau chích rạch ổ áp xe 1 ngày, bệnh nhân chuyển xuống khoa Bệnh Lây đường tiêu hóa trong tình trạng còn sốt nhẹ. Bệnh nhân được cách ly và điều trị tích cực với kháng sinh liều cao, bổ sung truyền khối hồng cầu, huyết tương tươi và đạm nuôi dưỡng. Hiện bệnh nhân còn sốt nhẹ, đỡ thiếu máu, không phù, không xuất huyết dưới da, không đau ngực, không khó thở, tại vị trí chích rạch cổ và lưng trái còn sung nề...
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng tiếp nhận bệnh nhân L.T.V. (nam, 38 tuổi) vào viện do sốt ngày thứ hai kèm theo đau khớp hai bên, mệt mỏi nhiều. Tình trạng người bệnh tiến triển rất nhanh, chỉ sốt 2 ngày nhưng ngay lúc vào viện đã sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan, suy hô hấp, suy tim, suy thận.
Bệnh nhân nhanh chóng được hồi sức tích cực bằng nhiều biện pháp tối ưu bao gồm truyền dịch, kháng sinh mạnh, thở máy, lọc máu liên tục. Mặc dù vậy, bệnh nhân đáp ứng rất kém với các biện pháp điều trị tích cực ban đầu, tình trạng nhiễm trùng tiến triển toàn thân. Kết quả cấy máu của bệnh nhân phát hiện vi khuẩn Burkholderia pseudomallei - vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Những ngày sau đó, bệnh nhân tiếp tục tình trạng sốc nặng hơn, suy hô hấp không đáp ứng với thở máy, bên cạnh những ổ áp xe toàn thân thì huyết khối bắt đầu hình thành ở chi dưới và động mạch phổi kèm theo sốc mất máu do chảy máu từ dạ dày.
BS Vũ Đình Hùng - Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết: Những trường hợp nhiễm Burkholderia pseudomallei có sốc nhiễm khuẩn thì tỷ lệ tử vong rất cao, vi khuẩn sẽ lan tràn khắp cơ thể tạo thành nhiều ổ áp xe toàn thân mà đáp ứng rất kém với kháng sinh. Cũng vì lý do đó mà Burkholderia pseudomallei được mệnh danh là vi khuẩn ăn thịt người.
Nhờ những cố gắng của các bác sĩ, sau 1 tháng rưỡi điều trị, bệnh nhân đã bỏ được máy thở. Hiện tại, bệnh nhân đã được chuyển về Bệnh viện tỉnh Sơn La để tiếp tục điều trị.
Bệnh Whitmore là bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn có trong đất và nước thuộc các vùng nhiệt đới, nhất là khu vực Đông Nam Á và bắc Úc. Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong các môi trường đất, nước, không khí (bụi) ở các điều kiện môi trường khác nhau. Cơ thể cảm thụ dễ mắc bệnh hơn trong các điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt như mưa, bão.
Bệnh lây chủ yếu qua đường da, niêm mạc xây xát khi tiếp xúc với vi khuẩn có trong đất, nước, chất bẩn khi tiếp xúc mà không có phương tiện bảo hộ (nông dân làm việc trên các đồng ruộng, những người tiếp xúc với môi trường đất, nước bẩn...). Qua hô hấp khi hít phải bụi có chứa vi khuẩn, qua tiêu hóa khi uống các nguồn nước nhiễm bẩn. Lây truyền trực tiếp giữa người với người, người với động vật hiếm khi xảy ra.
Đại tá, TS Nguyễn Đăng Mạnh - Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm lưu ý, bệnh Whitmore có đặc trưng là: Sốt, viêm phổi và áp-xe nhiều cơ quan, mức độ bệnh từ các nhiễm trùng nhẹ, khu trú cho đến nhiễm khuẩn huyết và tử vong nhanh chóng.
Bị cắt phổi vì thói quen hút thuốc nhiều năm
Giữa tháng 10/2023, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận bệnh nhân nam (64 tuổi, Long Biên) có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào trên 40 năm.
3 tuần trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện ho khạc đờm trắng lẫn màu nâu, có cảm giác sốt, không đau ngực, không khó thở, sau tự mua thuốc uống nhưng không đỡ. Bệnh nhân đi khám phát hiện u phổi trái và được nhập viện điều trị tại khoa Ung bướu.
Sau khi làm các xét nghiệm, chụp cắt lớp, sinh thiết..., bác sĩ phát hiện tế bào lạ nghi ngờ ác tính. Kết quả nội soi khí phế quản thấy khối u xâm lấn làm tắc hoàn toàn phế quản gốc bên trái. Kết quả chụp cắt lớp vi tính phổi, X-quang phổi cho thấy, khối u chiếm gần hết nhu mô phổi bên trái.
Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật cắt toàn bộ phổi trái kèm nạo vét hạch. Sau mổ ngày thứ 5, bệnh nhân tự ngồi dậy, tự thở không cần oxy hỗ trợ...
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Khoa Ngoại tổng hợp, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: "Mổ cắt cả phổi điều trị ung thư là một phẫu thuật lớn, nặng nề cả về mặt ngoại khoa và gây mê hồi sức. Đây cũng là ca cắt cả phổi đầu tiên được tiến hành tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang".
Một trường hợp khác là ông H (57 tuổi) có thói quen hút thuốc lá suốt 30 năm qua. Gần đây ông H hút mỗi ngày một bao, thường có cảm giác mệt, khó thở, tức ngực bên phải nhưng chỉ nghĩ là cảm lạnh thông thường. Khi triệu chứng nặng hơn, không thể ngủ ông mới đến viện kiểm tra. Tại một bệnh viện tư ở TP HCM, kết quả chụp CT cho thấy bệnh nhân bị tràn khí màng phổi bên phải lượng nhiều.
Dù được điều trị nhưng sau 3 ngày, khí ở phổi của bệnh nhân H vẫn xì ra liên tục, lượng nhiều kèm theo một phần phổi còn xẹp không nở hết. Vì vậy, bác sĩ phẫu thuật nội soi lồng ngực để xử trí tràn khí màng phổi.
Trong khi mổ, bác sĩ phát hiện một lỗ thủng đường kính khoảng 2 mm ở thùy trên phổi phải, xì rò liên tục. Lỗ thủng rất nhỏ nên khó phát hiện trên phim chụp CT phổi. Ê-kíp phẫu thuật sau đó đã vá lỗ thủng bằng dụng cụ nội soi chuyên dụng cho bệnh nhân.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cũng từng tiếp nhận bệnh nhân một bệnh nhân 63 tuổi đến khám do ho khan từng cơn kèm đau tức ngực. Tại một bệnh viện tuyến dưới, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối u ở phổi nên lập tức chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục điều trị.
Bệnh nhân cho biết đã hút thuốc lào gần 30 năm, không có bệnh lý kèm theo. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy, nhu mô thuỳ dưới phổi trái của người bệnh có khối u đường kính hơn 4cm.
Sau khi sinh thiết đánh giá, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư thuỳ dưới phổi trái, xâm lấn thuỳ trên phổi trái. Sau đó bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt u kết hợp hoá xạ trị để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
Tổn hại sức khỏe nặng nề vì mê tín
Ngày 7/12, Bệnh viện K cho biết, bệnh nhân Nông Thị Ch. (54 tuổi, quê tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, người dân tộc Tày) xuất hiện những cơn co giật nửa người, kèm theo có những đợt rối loạn trí nhớ, không nhớ việc đang định làm từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, thời điểm đó, gia đình hoang mang, cho rằng chị Ch. bị “ma bắt”, nên đã mời thầy cúng đến trừ tà ma nhưng không khỏi.
Sau những buổi “trừ tà ma”, tình trạng của bệnh nhân tiếp tục kéo dài và có phần nặng thêm. Không chịu nổi, chị Ch. đã đến thăm khám tại Bệnh viện K. Tại đây, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối tổn thương vùng não thái dương trái. Đây là nguyên nhân gây co giật, giảm trí nhớ. Các bác sĩ đã giải thích để bệnh nhân cùng gia đình quyết định phẫu thuật, không mê tín.
Các bác sĩ Bệnh viện K đã tiến hành vi phẫu thuật lấy bỏ khối u. Đồng thời, dùng ứng dụng ghi điện não đồ trong mổ để xác định vùng gây co giật (động kinh), nhằm cắt bỏ vùng gây động kinh cho người bệnh. Sau 4 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công, bệnh nhân tỉnh, chức năng ngôn ngữ và trí nhớ được bảo vệ toàn bộ.
TS.BS Nguyễn Đức Liên - Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện K lý giải: “Ở người trưởng thành khi có biểu hiện co giật, cần chụp phim cộng hưởng từ sọ não để loại trừ các nguyên nhân ở não. Trường hợp của chị Ch. được xác định co giật có nguyên nhân, tổn thương còn khu trú rõ ràng. Do vậy, việc cắt bỏ toàn bộ khối u và vùng gây động kinh giúp người bệnh khỏi cơn động kinh”.
Kết quả sau mổ là khối u máu ở trong não. Đây là khối u lành tính. Do đó, theo TS Liên, người bệnh không cần điều trị bổ trợ thêm, chỉ cần duy trì thuốc chống động kinh khoảng 1 - 2 năm.
Bệnh nhân được các chuyên gia đánh giá là khá may mắn. Bởi khối u được xác định là lành tính, ca mổ diễn ra thành công. Tuy nhiên, trường hợp này cũng là hồi chuông cảnh báo cho tất cả mọi người. Bởi lẽ, tình trạng mê tín, tin vào phương pháp bài trừ tà ma, uống thuốc Nam, thuốc Bắc không rõ nguồn gốc với hy vọng khỏi bệnh là vấn đề mà rất nhiều bác sĩ cùng các bệnh viện đã cảnh báo.
Các bác sĩ nhấn mạnh, những phương pháp chữa bệnh mê tín đều không dựa trên cơ sở khoa học nào. Bệnh nhân không những không hết bệnh, mà còn tốn tiền, tốn thời gian trong điều trị, thậm chí còn gây biến chứng nặng nề. Từ đó, ảnh hưởng nặng tới bệnh lý của bệnh nhân, có thể khiến bệnh nhẹ thành nặng.
T.M (tổng hợp)