Tin tức Đời sống 5/4: Từ bỏ ngay thói quen ngồi bắt chéo chân vì những lý do này
Cập nhật tin tức đời sống ngày 5/4: Từ bỏ thói quen ngồi bắt chéo chân ngay hôm nay vì những lí do này; Cảnh giác đột quỵ ở trẻ nhỏ...
Từ bỏ thói quen ngồi bắt chéo chân ngay hôm nay vì những lí do này
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng ngồi bắt chéo chân làm tăng độ lệch của hông, khiến hông này cao hơn hông kia. Thêm nữa, nó cũng làm thay đổi tốc độ máu di chuyển qua các mạch máu ở chi dưới, làm tăng nguy cơ đông máu.
Hầu hết các nghiên cứu cho thấy việc bắt chéo đầu gối còn tệ hơn bắt chéo mắt cá chân. Thực tế, ngồi theo cách này có thể làm tăng huyết áp do máu dồn vào tĩnh mạch và tim bạn phải làm việc để chống lại điều này, dẫn đến tăng nguy cơ tổn thương mạch máu, đó là lý do tại sao khi đo huyết áp, bạn nên đặt chân phẳng trên sàn.
Bạn ngồi bắt chéo chân càng lâu và thường xuyên thì bạn càng có nhiều khả năng bị thay đổi lâu dài về chiều dài cơ và sự sắp xếp xương ở vùng chậu.
Việc bắt chéo chân cũng có thể gây ra tình trạng lệch cột sống và vai.
Vị trí đầu của bạn có thể bị mất thẳng hàng do những thay đổi ở xương cổ, vì cột sống sẽ bù đắp để giữ trọng tâm của bạn ở trên xương chậu.
Cổ của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng do một bên cơ thể yếu hơn bên kia. Sự mất cân bằng tương tự được nhìn thấy ở các cơ xương chậu và lưng dưới do tư thế sai và căng thẳng do ngồi bắt chéo chân.
Xương chậu cũng có thể bị lệch do cơ mông bị kéo căng ở một bên, nghĩa là chúng trở nên yếu hơn.
Ngồi bắt chéo chân trong thời gian dài làm tăng khả năng bị vẹo cột sống (cột sống không thẳng hàng) và các biến dạng khác.
Nó cũng có thể gây ra hội chứng đau chuyển vị nặng hơn, một tình trạng phổ biến và đau đớn ảnh hưởng đến mặt ngoài của hông và đùi.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngồi bắt chéo chân khiến dây thần kinh mác ở cẳng chân của bạn có nguy cơ bị chèn ép và chấn thương.
Cũng có bằng chứng cho thấy việc bắt chéo chân ảnh hưởng đến sản xuất tinh trùng ở nam giới. Điều này là do nhiệt độ của tinh hoàn cần thấp hơn nhiệt độ cơ thể tiêu chuẩn từ 2°C đến 6°C (35,6°F và 42,9°F).
Ngồi làm tăng nhiệt độ của tinh hoàn lên 2°C và bắt chéo chân có thể làm tăng nhiệt độ của tinh hoàn lên tới 3,5°C. Các nghiên cứu cho thấy rằng việc tăng nhiệt độ tinh hoàn có thể làm giảm cả số lượng và chất lượng tinh trùng.
Cũng cần lưu ý rằng do sự khác biệt về giải phẫu của nam và nữ, nên phụ nữ có thể ngồi bắt chéo chân dễ dàng hơn nhiều.
Ở một góc nhìn khác, một số nghiên cứu chỉ ra rằng ngồi bắt chéo chân có thể có lợi cho một số người.
Ví dụ, một nghiên cứu nhỏ từ năm 2016 cho thấy đối với những người có một chân dài hơn chân kia, việc ngồi bắt chéo chân giúp điều chỉnh độ cao của hai bên xương chậu, cải thiện sự liên kết.
Ngồi bắt chéo chân cũng có vẻ làm giảm hoạt động của một số cơ, đặc biệt là các cơ xiên (cơ nằm dưới da nơi bạn đặt tay lên hông) so với tư thế ngồi thông thường. Điều này có thể giúp thư giãn các cơ cốt lõi của bạn và ngăn ngừa gắng sức quá mức.
Tương tự, có bằng chứng cho thấy ngồi bắt chéo chân giúp cải thiện sự ổn định của khớp và vùng chậu (chịu trách nhiệm chuyển trọng lượng giữa cột sống và chân).
Tất nhiên, tư thế yoga hoặc thiền nổi tiếng (tư thế hoa sen) cho thấy mọi người ngồi trên sàn với hai chân bắt chéo. Hiện tại có rất ít dữ liệu về việc liệu ngồi ở tư thế này trong thời gian dài có thể dẫn đến một số vấn đề xương khớp hay không.
Nhìn chung, tốt hơn hết bạn nên tránh ngồi bắt chéo chân bất cứ khi nào nếu có thể. Kể cả không bắt chéo chân, thói quen ngồi lâu cũng khiến bạn gặp các vấn đề tiềm ẩn khác về sức khỏe, chẳng hạn như béo phì.
Cảnh giác đột quỵ ở trẻ nhỏ
Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiến hành hội chẩn từ xa với Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ cấp cứu thành công bé trai 7 tuổi (ở huyện Tân Sơn, Phú Thọ) bị đột quỵ não. Trước đó, bé trai này xuất hiện triệu chứng yếu liệt tứ chi theo cơn ngắn, có tình trạng khó nói. Gia đình đã đưa bé tới khám tại trung tâm y tế huyện. Tại đây, trẻ được chỉ định chụp cắt lớp vi tính sọ não, nhưng không phát hiện bất thường nên được yêu cầu theo dõi tại nhà.
Về nhà, trẻ xuất hiện cơn yếu liệt tứ chi dài hơn (khoảng 15-20 phút) kèm theo khó nói, đại tiểu tiện không tự chủ. Tuy nhiên, khi hết cơn yếu liệt, trẻ vận động đi lại và nói chuyện bình thường. Đến tối, trẻ tiếp tục xuất hiện tình trạng yếu liệt tứ chi nhưng kéo dài kèm theo khó thở, khó nói, nên gia đình vội vàng đưa đến Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ.
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hội chẩn từ xa với Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ cứu chữa thành công một bé trai 7 tuổi bị đột quỵ.
Tại đây, kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não của trẻ cho thấy, hình ảnh tổn thương phía trước cầu não. Do đây là trường hợp bệnh lý hiếm gặp nên các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ) đã tiến hành hội chẩn với các chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất kết luận trẻ bị nhồi máu nhu mô não, cầu não và thân não. Tiếp đến, bệnh nhi được áp dụng phác đồ điều trị chống phù não và thuốc chống đông. Sau 20 ngày điều trị, trẻ đi lại được bình thường, nói rõ, ăn uống tốt, đại tiểu tiện tự chủ, không sốt, không nôn, không đau đầu.
Trước đó, Bệnh viện Nhi trung ương từng cấp cứu một bé gái 8 tuổi (ở tỉnh Phú Thọ) cũng bị đột quỵ. Theo mẹ cháu bé kể lại, bé gái này có tiền sử khỏe mạnh, đi học và sinh hoạt bình thường. Sau khi tắm vào buổi chiều tối xong, bé có biểu hiện không thể tự mặc quần áo và xuất hiện co giật. Ngay lập tức, bé gái được sơ cứu ban đầu tại trung tâm y tế huyện và được chẩn đoán theo dõi nhồi máu não nhân bèo trái, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải không rõ nguyên nhân. Sau đó, bé được chuyển thẳng đến Bệnh viện Nhi trung ương. Nhờ được cấp cứu và can thiệp kịp thời, bé gái đã phục hồi tốt.
Không may mắn như bé gái nói trên, một bệnh nhi 8 tuổi (ở tỉnh Bắc Giang) do đến bệnh viện muộn, quá “giờ vàng” cứu chữa của đột quỵ nên đã phải chịu di chứng nặng nề. Trước khi đến viện hơn 1 tháng, bệnh nhi này có biểu hiện đau đầu, chóng mặt thoáng qua. Thế nhưng, thời điểm đó, do gia đình không biết về bệnh đột quỵ nên không đưa trẻ đến bệnh viện. Vài ngày sau, bé xuất hiện triệu chứng liệt nửa người và hôn mê. Khi được đưa đến bệnh viện thì tình trạng của bé đã nặng.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Chi Viện, Khoa Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) - người trực tiếp điều trị cho cháu bé này cho biết, do đến cơ sở y tế muộn nên dù cứu được tính mạng nhưng để lại di chứng nặng nề trong vận động và nhận thức. Sau một thời gian được điều trị với một phác đồ toàn diện và tích cực bằng thuốc, phục hồi chức năng, tâm lý trị liệu, dinh dưỡng…, cháu bé đã có dấu hiệu tiến triển tốt hơn nhưng rất khó để có thể trở lại trạng thái bình thường như trước.
Tử vong do đột quỵ chiếm thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Theo công bố của Hội Đột quỵ Hoa Kỳ, cứ 10 bệnh nhân bị đột quỵ chỉ có 3 người có thể quay lại công việc trước đó. Ở Việt Nam mỗi năm có trên 200.000 trường hợp đột quỵ và ngày càng trẻ hóa, để lại di chứng rất nặng nề như: Liệt, các rối loạn về nhận thức, giao tiếp, sinh hoạt…
Đặc biệt, có khoảng 20% trong số các ca bệnh này tử vong do phát hiện trễ, điều trị muộn, xử lý không đúng quy trình. Khác với người lớn, đột quỵ ở trẻ đa phần là do bẩm sinh. Chính vì vậy, rất khó phòng, ngừa bệnh lý đột quỵ ở trẻ em.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh (Bệnh viện trung ương Quân đội 108), nếu như nguyên nhân gây đột quỵ ở người lớn chủ yếu liên quan đến xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim như rung nhĩ, tăng huyết áp, tiểu đường, thì ở trẻ em, thường liên quan đến các bệnh lý về tim mạch, mạch máu, hay gặp như bệnh lý bóc tách động mạch, dị dạng động mạch, viêm động mạch. Ngoài ra, còn có các bệnh lý về máu, có thể dẫn đến tình trạng tăng đông hoặc giảm đông máu, thậm chí liên quan đến gen… là những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng đột quỵ ở trẻ em.
Để nhận biết đột quỵ ở trẻ, các bác sĩ lưu ý, nếu như đột quỵ ở người lớn có các dấu hiệu ban đầu điển hình dễ nhận biết như: Miệng méo, nói ngọng, yếu liệt chân tay... thì ở trẻ em dấu hiệu ban đầu khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường như: Co giật, mất ý thức ngắn, viêm màng não... Do đó, việc phát hiện không dễ dàng và thường bị chậm so với “giờ vàng” điều trị đột quỵ.
Chính vì vậy, khi thấy trẻ có những biểu hiện như: Đau đầu, nôn ói bất thường, lơ mơ, không linh hoạt, co giật, yếu tay chân một bên, khó nói..., phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để khám, can thiệp và điều trị kịp thời.
Gia tăng tỉ lệ ly hôn trung niên
Trong những năm qua, hiện tượng “ly hôn xám”, tức những cuộc ly hôn ở tuổi trung niên, xế chiều đang gia tăng ở nhiều nước trên thế giới. Năm 2021, Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ công bố dữ liệu tỉ lệ ly hôn ở Mỹ là khoảng 34%. Đáng chú ý, người trưởng thành trong độ tuổi từ 55 - 64 có tỉ lệ ly hôn cao nhất so với mọi lứa tuổi, ở mức 43%. Theo New York Times, tỉ lệ “ly hôn xám” đã tăng từ 1/10 lên hơn 1/4 chỉ sau 20 năm. Số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc vào tháng 3/2022 cho thấy tỷ lệ ly hôn ở những người từ 60 tuổi trở lên tăng đáng kể. Số lượng các đôi vợ chồng muốn ly thân sau hơn 30 năm chung sống đã tăng 7,5% và hơn gấp đôi so với một thập kỷ trước đó. Số liệu của Tổng điều tra dân số toàn quốc Trung Quốc lần thứ 7 cho thấy, tỷ lệ ly hôn của người từ 60 tuổi trở lên là 1,32%. Trong đó 1,14% là phụ nữ trung niên ly hôn...
Còn tại Việt Nam, kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, dân số đã ly hôn hoặc ly thân chiếm 2,1% tổng dân số. Theo phân tích kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, các cặp vợ chồng ly hôn trong độ tuổi 40 - 50 chiếm khoảng 15%; các cặp vợ chồng ở độ tuổi trên 50 tuổi chiếm khoảng 9%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn trung niên, trong đó các nguyên nhân phổ biến là sự thiếu thấu hiểu lẫn nhau, sự nhàm chán trong hôn nhân lâu dài, sự thay đổi giá trị gia đình trong sự phát triển của xã hội, sự thay đổi về công nghệ và kinh tế... Trong số đó, không ít trường hợp là một trong hai người (chủ yếu là người vợ) tìm được ý nghĩa mới cho cuộc sống, coi ly hôn là sự “giải thoát” cho những gánh nặng.
Trong một chương trình nội dung về ly hôn tuổi xế chiều, bà T.M.K. (58 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Biết là ly hôn sẽ đối diện với tai tiếng người đời, rồi con cái, gia đình, họ hàng. Nhưng tôi đã suy nghĩ kĩ suốt nhiều năm rồi, chẳng lẽ mình phải sống một cuộc đời chịu đựng như vậy hoài. Ổng chỉ biết đi làm kiếm tiền, về nhà là thoải mái hưởng thụ, sai bảo vợ con, không bao giờ biết chia sẻ việc nhà cùng vợ, không bao giờ có một cử chỉ quan tâm, một món quà, một lời nói nhẹ nhàng. Sống chung 30 năm, ác cảm và sự so sánh trong lòng tôi tăng dần lên, đến mức không còn chịu nổi. Tôi quyết định ly hôn, thà sống không chồng, nhưng tự do, tự yêu thương lấy chính mình, còn hơn “có chồng cũng như không””.
Nhiều chuyên gia chung nhận định: một khi các cặp vợ chồng đến độ tuổi trung niên thì quyết định ly hôn đã đưa ra là rất khó hòa giải, đa phần các cuộc hòa giải đều bất thành.
Theo thống kê tại nhiều quốc gia, số nữ giới đưa ra đề nghị ly hôn nhiều hơn nam giới. Từ đó có ý kiến cho rằng, “ly hôn xám” cũng đánh dấu sự tiến bộ của xã hội, cho thấy phụ nữ đã hiểu về giá trị của bản thân hơn, ở độ tuổi trung niên đã thay đổi được quan niệm cũ về hạnh phúc, biết đóng cánh cửa hôn nhân mục ruỗng để đến với cuộc sống tự do nhiều hứa hẹn...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia xã hội học, việc ly hôn trung niên ngày một tăng cao không phải là chỉ số “đáng mừng” của nữ quyền, bình quyền, của việc phụ nữ biết đấu tranh cho hạnh phúc bản thân, mà là những dấu hiệu không hay cho sự rạn nứt giá trị bền vững của gia đình.
Thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên, công tác tại TAND TP Hồ Chí Minh là nữ thẩm phán có thâm niên xử các vụ ly hôn tuổi trung niên đã chia sẻ với báo chí, hầu hết các cặp vợ chồng đến toà với 3 vấn đề chính: tình cảm, tranh chấp nuôi con và phân chia tài sản. Thông qua đó có thể thấy, đã có ly hôn, tức có sự rạn vỡ, tranh chấp và tổn thương. Một cuộc hôn nhân thất bại là sự tan vỡ một gia đình êm ấm, sự xáo trộn trong đời sống của mỗi cá nhân trong gia đình, sự giảm sút về kinh tế, suy giảm khả năng lao động và sáng tạo. Cạnh đó, một mối lo khác là những tác động xấu tới sức khỏe tâm thần các cá nhân trong gia đình, đặc biệt là lứa tuổi trung niên sau cuộc ly hôn. Cảm giác cô đơn, sang chấn, trầm cảm là khó tránh khỏi, bởi càng lớn tuổi, sức khỏe tâm thần càng có nguy cơ suy giảm.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, một trong những nguyên nhân “người trong cuộc” thường đưa ra là hết khả năng chịu đựng nhau sau những năm dài đằng đẵng. Nhưng phân tích sâu mới thấy, để đến sự “hết chịu đựng nổi”, thì trong đó, rất nhiều trường hợp là cả hai người bạn đời đã không cùng nhau nỗ lực để vun bồi hôn nhân, không thay đổi chính mình, chỉ nhìn thấy cái lỗi của đối phương, thiếu sự bao dung cho nhau, để đến mức “không thể hàn gắn”. Trong khi đó, những rạn nứt xuất phát từ những giai đoạn đầu tiên của cuộc hôn nhân rất có thể sẽ được vá lành, không dẫn đến hậu quả khi về già, nếu từ đầu cả hai cùng nhau cố gắng.
T.M (tổng hợp)