Tin tức Đời sống 29/1: Sai lầm "oái oăm" khi chạy bộ

Chia sẻ Facebook
30/01/2024 04:40:28

Cập nhật tin tức đời sống ngày 29/1: Sai lầm "oái oăm" khi chạy bộ; Căn bệnh gây mụn nước lành tính nhưng dễ gây nguy hiểm...

Sai lầm "oái oăm" khi chạy bộ

Phân tích trên chuyên san khoa học The Conversation, các nhà nghiên cứu từ Đại học Angila Ruskin (Anh), dẫn đầu bởi PGS Dan Gordon, nhấn mạnh rằng việc quá chú tâm vào việc tăng tốc độ chạy bộ có thể là một sai lầm lớn.

Bởi lẽ, theo nhiều bằng chứng khoa học, tốc độ chạy bộ lý tưởng nhất cho việc đốt mỡ và tăng cường sức khỏe hệ tim mạch - hệ hô hấp có thể chậm hơn bạn tưởng rất nhiều.

Trên thực tế, khảo sát các vận động viên chạy bộ ưu tú nhất, người ta nhận ra họ dành khoảng 80% thời gian tập luyện để chạy ở "vùng 2" (zone 2).

Đây là vùng được xác định khi chúng ta chạy nhẹ nhàng hoặc thực hiện các bài tập tương tự khác với nhịp độ thoải mái, đòi hỏi thở sâu chỉ một chút và vẫn đủ sức để nói chuyện khi đang tập.

Tốc độ chạy khá chậm này đem lại nhiều lợi ích đáng ngạc nhiên.

Thứ nhất, khi tốc độ chạy bộ tăng lên, cơ thể càng phải chịu nhiều áp lực hơn. Cơ thể càng căng thẳng thì nguy cơ mắc bệnh, nhiễm trùng và chấn thương càng cao, có thể khiến bạn phải nghỉ vài buổi tập.

Thứ hai, chạy ở zone 2 lại tốt cho sức khỏe tim mạch - hô hấp hơn.

Với mức độ căng thẳng sinh lý tương đối thấp của zone 2, lượng máu được cung cấp oxy rời khỏi tim ở mỗi nhịp đập vẫn gần hoặc ở mức tối đa. Mặc dù khả năng bơm của tim thích ứng được với việc tập luyện nhưng cường độ cao hơn không giúp tăng ngưỡng này.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mức tăng VO2 tối đa (công suất oxy) và tốc độ khi chạy đua sẽ cao hơn khoảng 1% ở những vận động viên thường xuyên tập luyện ở tốc độ chậm.

Thứ ba, người chạy bộ chậm có thể giảm béo tốt hơn. Bởi lẽ, tốc độ chậm sẽ khiến cơ thể sử dụng chất béo dự trữ để làm năng lượng, trái ngược với việc huy động carbohydrate từ thực phẩm bạn ăn hằng ngày.

Trong quá trình này, đốt cháy chất béo về mặt trao đổi chất hiệu quả hơn nhiều so với huy động năng lượng từ carbohydrate. Bạn sẽ ít mệt mỏi hơn trong khi mỡ thừa tan biến nhanh hơn.

Cách đơn giản để biết mình có đang chạy ở zone 2 hay không là khi bạn chạy mà vẫn dễ dàng nói chuyện với bạn bè hoặc hát to cho chính mình nghe mà không thấy hụt hơi.

Nếu bạn chạy quá nhanh, ngoài cảm giác khó hát, nói chuyện, bạn cũng sẽ cảm thấy hai chân mình nặng nề. Điều này xảy ra khi tốc độ chạy vượt quá zone 2, đồng thời vượt ngưỡng lactate - một loại axit mà cơ thể tạo ra khi bắt đầu dùng đến carbohydrate để lấy năng lượng.

Căn bệnh gây mụn nước lành tính nhưng dễ gây nguy hiểm

Theo PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, tiếp xúc (giọt bắn, dịch tiết).

Người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nhảy mũi hoặc tiếp xúc dịch tiết, vùng da bị tổn thương của người mắc. Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc thủy đậu rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.

Người mắc thủy đậu thường có triệu chứng sốt nhẹ, da xuất hiện nhiều nốt phỏng toàn thân. Sau một tuần mắc bệnh, các nốt phỏng có thể tự vỡ hoặc xẹp xuống và thường không để lại sẹo.

Dù là bệnh lành tính tự khỏi, thủy đậu vẫn có thể gây nguy hiểm cho nhóm người có nguy cơ cao như suy giảm miễn dịch; mắc ung thư đang điều trị hóa chất; có bệnh nền (đái tháo đường, tim mạch...).

Nếu để bệnh phát triển nặng, người bệnh rất dễ gặp các biến chứng như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân có dấu hiệu nghi ngờ hoặc được chẩn đoán bị thuỷ đậu không nên tắm nước rạ. Trong rạ có đất, sình lầy mang vi khuẩn, khi tắm, các loại vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào vết thương, gây nhiễm trùng máu.

Bệnh nhân thuỷ đậu phải tắm bằng nước sạch và hạn chế kỳ cọ để tránh vỡ các nốt đậu, giảm biến chứng nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu.

"Bệnh thủy đậu có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vaccine. Nhưng mọi người thường chủ quan và bỏ qua việc tiêm phòng", PGS Cường nhận định.

Do đó, PGS Cường khuyến cáo mọi người nên chủ động tiêm vaccine ngừa thủy đậu để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.

"Trẻ 1-12 tuổi nên được tiêm 2 liều. Liều thứ 2 được tiêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở lên hoặc trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm nguy cơ tái mắc bệnh", PGS Cường hướng dẫn.

Trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tốt nhất nên tiêm 2 liều cách nhau sau 6 tuần. Đặc biệt, nhóm người có nguy cơ cao cần phải tiêm phòng thủy đậu. Đối với trường hợp thủy đậu biến chứng, bệnh nhân cần phải được phát hiện và điều trị kịp thời để tăng khả năng điều trị.

Đừng bỏ qua yếu tố "mệt" của người già ngày lạnh

Bác sĩ Hà Vân Anh, Phụ trách Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, bệnh nhân N.V.T (Hà Nội) được đưa tới Bệnh viện Lão khoa Trung ương khám sau vài ngày mệt mỏi. Qua thăm khám, bác sĩ thấy huyết áp của cụ T. rất cao, gần 200/65 mmhg, thở nhanh và tim loạn nhịp.

"Sau khi làm một số chỉ định cận lâm sàng, chúng tôi phát hiện ngoài vấn đề về rung nhĩ, bệnh nhân còn có dấu hiệu báo động về suy tim rất rõ ràng, trên phim X-quang cho kết quả về tổn thương rất điển hình trên phổi… Tình trạng viêm phổi trên nền rung nhĩ, có nguy cơ đe dọa tính mạng nếu chậm điều trị", bác sĩ Vân Anh cho hay.

Điều đặc biệt là bệnh nhân này trước đây chưa từng phát hiện bị huyết áp cao, không có tiền sử tim mạch rõ ràng và đặc biệt không ho nhiều, không sốt, mà chỉ có mệt. Tuy nhiên khi khám lại có nhiều triệu chứng gây nguy hiểm đến tính mạng.

"Trường hợp này cho thấy các triệu chứng bệnh ở người cao tuổi không giống như người trẻ, dù bệnh trở nặng nhưng các dấu hiệu bệnh lại rất mờ nhạt. Nếu thấy sự thay đổi rất nhỏ ở người già, gia đình nên chủ động đưa đến cơ sở y tế thăm khám, tránh tình trạng nghĩ rằng các cụ mệt do thời tiết rồi chần chừ thăm khám...", bác sĩ Vân Anh khuyến cáo.

Theo chuyên gia này, trong thời điểm rét đậm như hiện nay, số bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng tăng nhưng không quá nhiều. Tuy nhiên, đáng lưu ý là số bệnh nhân nặng phải nhập viện lại tăng lên rõ rệt. Bình thường mỗi ngày, khoa khám bệnh tiếp nhận 8-10 bệnh nhân nhưng gần đây, con số này tăng gấp đôi, lên 18-20 bệnh nhân/ngày.

Bệnh nhân nhập viện do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu liên quan đến huyết áp dao động quá nhiều, đợt cấp của suy tim hoặc viêm phổi, đau xương khớp, đau thần kinh tọa, cột sống nhiều… Điểm khác biệt là trong đợt lạnh này, số bệnh nhân có vấn đề về tim mạch, xương khớp tăng hơn.

Tại khu vực Khoa Cấp cứu-Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương thường xuyên duy trì với khoảng 45-50 bệnh nhân.

Theo bác sĩ Bùi Tường Lân, Khoa Cấp cứu-Đột quỵ, 50% bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong những ngày rét đậm, rét hại vừa qua do đột quỵ. Riêng khu vực ICU với 12 giường thở máy thì có tới 8 ca đột quỵ.

Trong một tuần qua, lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương tăng khoảng 40% so với thời điểm trước, chủ yếu các bệnh lý về hô hấp, đột quỵ và tim mạch... Đáng lưu ý, nhiều bệnh nhân khi mới nhập viện chưa nặng nhưng sau đó trở nặng rất nhanh.

Bác sĩ Bùi Tường Lân cho hay, ở người cao tuổi có bệnh nền, cộng thêm thời tiết lạnh sâu khiến khả năng chống đỡ của cơ thể kém hơn. Sức đề kháng, khả năng mất bù và thích ứng với môi trường của người già cũng kém hơn… dẫn tới tình trạng bệnh nặng hơn nhiều.

Bác sĩ Lân khuyến cáo, để phòng tránh, người cao tuổi cần lưu ý việc giữ ấm, điều trị bệnh nền ổn định, đồng thời cẩn trọng với các dấu hiệu viêm nhiễm đường hô hấp trên, huyết áp tăng… và chủ động khám sớm để được điều trị tích cực ngay từ ban đầu.


T.M (tổng hợp)

Chia sẻ Facebook