Tin tức Đời sống 28/3: Điều bất ngờ nếu bạn uống 4 tách cà phê hoặc 2 tách trà mỗi ngày

Chia sẻ Facebook
29/03/2024 04:25:11

Cập nhật tin tức đời sống ngày 28/3: 4 tách cà phê hoặc 2 tách trà, giảm mạnh nguy cơ đột quỵ, ung thư; Suy gan do uống thuốc nam theo lời hàng xóm...

4 tách cà phê hoặc 2 tách trà, giảm mạnh nguy cơ đột quỵ, ung thư

Một nghiên cứu theo dõi gần 2.500 người gần 70 tuổi trong 11 năm cho thấy cà phê và trà có thể là "bí quyết trường sinh".

Nhóm khoa học gia từ Đại học Miami và Đại học Columbia (Mỹ) đã xem xét dữ liệu của gần 2.500 người với độ tuổi trung bình là 68,3 để xem tác động của số tách cà phê và trà họ uống lên cơ hội sống sót 11 năm sau đó.

Các tình nguyện viên đều có sức khỏe ổn định, chưa từng bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hay ung thư.

Kết quả cho thấy cả cà phê và trà đều có thể trở thành một phần của "bí quyết trường sinh", thông qua việc giúp giảm mạnh nguy cơ xảy ra các biến cố sức khỏe nguy hiểm.

Có 863 người đã tử vong trong 11 năm theo dõi, với các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm đột quỵ, nhồi máu cơ tim, ung thư... Trong đó số người uống cà phê và trà tử vong ít hơn hẳn những người không uống.

Theo kết quả công bố trên The Journal of Nutrition, đối với mỗi tách cà phê được uống trong một ngày, nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân trong 11 năm đó giảm 7%.

Sự bảo vệ mạnh mẽ nhất ghi nhận ở những người "ghiền" cà phê, uống từ 4 tách trở lên mỗi ngày.

Đối với trà, cứ uống 1 tách mỗi ngày, nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân giảm được 9%.

Cà phê và trà được nhiều nghiên cứu trước đó chứng minh là có lợi ích nổi bật nhất ở nhóm bệnh tim mạch, do đó các tác giả cũng xem xét riêng tác động của các thức uống này lên những trường hợp tử vong do các bệnh khác ngoài bệnh mạch máu.

Kết quả cho thấy với 4 tách cà phê trở lên mỗi ngày, nguy cơ tử vong không phải do bệnh mạch máu thấp hơn tận 43%.

Bên cạnh đó, tiêu thụ 2 tách trà trở lên mỗi ngày giúp giảm nguy cơ 37%. Riêng với nguy cơ tử vong do bệnh ung thư giảm tận 67% với số ly trà này.

Theo các tác giả, tuy một số thứ trong cà phê và trà gây nghi ngại cho người lớn tuổi, nhưng những thứ có lợi lại vượt trội.

Ví dụ caffeine có thể gây tăng huyết áp ở người có sẵn bệnh, nhưng tác động này lại không xảy ra ở người uống thường xuyên, hàng ngày. Điều này có thể do cơ thể quen dần, chưa kể tác động của các hợp chất chống oxy hóa lấn át tác động có hại này.

Một tách cà phê pha trung bình có 396 mg polyohenol, bao gồm 100 mg axit chlorogen. Trà chứa nhiều polyphenol khác như catechin, theaflavin... Chúng đều là những chất chống oxy hóa đặc biệt tốt cho sức khỏe, bên cạnh caffeine.

Suy gan do uống thuốc nam theo lời hàng xóm

Ngày 28/3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết vừa tiếp nhận một trường hợp nữ bệnh nhân bị suy gan do lạm dụng thuốc nam chữa bệnh.

Bệnh nhân 71 tuổi, trú tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, nước tiểu màu sẫm.

Người bệnh cho biết khoảng 8 tháng trước, khi thấy trong người mệt mỏi, chán ăn, người bệnh không đi khám mà tự ý mua thuốc nam về uống theo lời khuyên của hàng xóm.

Tại bệnh viện, người bệnh được chỉ định làm các xét nghiệm, siêu âm, chụp chiếu. Kết quả cho thấy người bệnh hoàn toàn không bị viêm gan do virus viêm gan A, B, C, E. Các bác sĩ kết luận tình trạng suy gan của người bệnh là do lạm dụng thuốc nam.

Sau 10 ngày điều trị, các kết quả xét nghiệm của người bệnh đã cải thiện rõ rệt, tình trạng vàng da gần hết hẳn, hết chán ăn, đi tiểu bình thường.

Theo bác sĩ Lê Quang Thoại, Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh trên chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng suy gan do lạm dụng thuốc nam. Nhiều người bệnh thậm chí phải lọc máu hoặc chạy thận vì nguyên nhân này.

Bác sĩ Thoại khuyến cáo người dân khi có vấn đề về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị, không nên tự ý đi mua các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc để tự điều trị tại nhà, tránh gây ra các hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe.

Tăng cường phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã có 27 ca tử vong do bệnh dại và 1 ca tử vong do cúm gia cầm. Đây là dấu hiệu cảnh báo diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong năm 2024.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến liên ngành về tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người, tổ chức sáng 27/3 tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, hai thập kỷ vừa qua, trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như tác động lớn đến kinh tế, xã hội của các quốc gia, đặc biệt các quốc gia đang phát triển. Phần lớn trong số đó là bệnh lây truyền từ động vật sang người như dịch hạch, SARS, cúm gia cầm A/H5N1, đại dịch cúm A/H1N1, MERS-CoV, Ebola và gần đây nhất là đại dịch Covid-19. Ở trong nước, nhiều dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người đã và đang lưu hành và có tác động lớn đến sức khỏe người dân như: bệnh dại, cúm A/H5N1, bệnh liên cầu lợn ở người, bệnh Than, bệnh Leptospira (bệnh Xoắn khuẩn vàng da).

Theo Bộ Y tế, từ năm 2022 đến nay, một số dịch bệnh đã có sự gia tăng trở lại như: bệnh cúm gia cầm sau hơn 8 năm không ghi nhận ca mắc cúm gia cầm trên người, từ năm 2022 đến nay đã ghi nhận 2 ca mắc mới, trong đó có 1 ca tử vong do cúm gia cầm (tháng 3/2024), dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước, do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Trước đó, khi có bệnh nhân tại Khánh Hòa tử vong, Bộ Y tế cho hay, tích lũy từ 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 người nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 65 người tử vong (50,8%). Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Đồng thời cũng chưa có bằng chứng cho thấy cúm A (H5N1) lây nhiễm từ người sang người; virus A (H5N1) là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao.

Cùng với đó bệnh dại luôn ghi nhận có số tử vong cao (100% số mắc là tử vong), năm 2023 ghi nhận 82 trường hợp tử vong, riêng 3 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 27 ca tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2024, miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại gia tăng đột biến, hiện đang cao nhất trên cả nước (9 ca). Khu vực Tây Nguyên và miền Nam vẫn tiếp tục gia tăng (Đắk Lắk 4 ca, Long An 3 ca)…

Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, trong thời gian tới nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra. Hai Bộ kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong đó, quan tâm bố trí kinh phí, nguồn nhân lực cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm gia cầm an toàn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh xuất khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm.


T.M (tổng hợp)

Chia sẻ Facebook