Tin tức Đời sống 27/10: Tắt kịp 5 "quả bom" ẩn trong đầu người phụ nữ
Tin tức Đời sống 27/10: Tắt kịp 5 "quả bom" ẩn trong đầu người phụ nữ Thứ 6, 27/10/2023 | 12:00 0
Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm
Thời gian qua, hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra đã khiến người dân bày tỏ lo ngại. Cụ thể, sáng 4/10, Sở Y tế TPHCM đã triệu tập họp khẩn hội đồng chuyên gia để đánh giá nguyên nhân vụ việc bé gái 6 tuổi tại TP Thủ Đức (TPHCM) tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh su kem.
Các chuyên gia cho rằng, đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, diễn biến phức tạp và khó nhận biết hơn so với các trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt trước đây, thường xảy ra tại các trường học (nhà trẻ, mẫu giáo...).
Về loại thực phẩm gây ra ngộ độc trong trường hợp này, khả năng cao là từ bánh su kem (loại trừ xúc xích nướng, nước uống được dùng trong tiệc Trung thu). Bánh su kem gây ngộ độc khả năng cao đã bị nhiễm khuẩn. Bởi tất cả trường hợp ngộ độc đều có triệu chứng giống nhau liên quan đến nhiễm khuẩn thức ăn như: Sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, bạch cầu máu tăng cao…
Trước đó, 313 người bị ngộ độc do ăn bánh mì Phượng, trong đó có 103 người nước ngoài. Số người nhập viện cấp cứu tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng là 273 người. Có 40 người điều trị tại nhà và khai báo qua điện thoại. Sau khi ăn bánh mì Phượng, hầu hết đều có triệu chứng ngộ độc là đau bụng, đi phân lỏng nhiều lần (trên 10 lần), nôn, sốt cao...
Theo ThS.BS.CK2 Dương Công Minh - Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), ngộ độc thực phẩm là tình trạng khi ăn, uống phải 1 thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, virus, độc chất từ bên ngoài hoặc dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản, phụ gia quá liều lượng quy định.
Từ đó, gây ra bất lợi cho sức khoẻ con người. Thông thường, tác nhân gây ngộ độc thực phẩm có thể là vi khuẩn, virus, như E.Coli, Salmonella... norovirus, kim loại nặng...
Tình trạng này có thể xảy ra khi thực phẩm được bảo quản không đúng cách, để ở nhiệt độ giữa trời nắng nóng kéo dài. Hoặc, được để tủ lạnh sau đó rã đông không đúng cách... Chuyên gia này nhấn mạnh, ở nhiệt độ nóng môi trường phòng, vi khuẩn phát triển rất nhanh. Ngộ độc thực phẩm cũng có thể xảy ra trong quá trình xử lý, nếu người dân không rửa tay hoặc mang găng tay.
Một sai lầm phổ biến khác là khi xử lý xong thực phẩm, người dân để đồ ăn chín chung tủ lạnh với thịt sống. Hoặc, người chế biến thực phẩm có thể đang mắc bệnh lý về đường ruột, đường tiêu hoá. Nhiều tình huống không che đậy thực phẩm, tạo điều kiện cho côn trùng, ruồi nhặng bâu lên. Từ đó, trở thành trung gian truyền ký sinh trùng, vi khuẩn,...
“Thực phẩm nào cũng có thể bị nhiễm khuẩn. Những thực phẩm dễ nhiễm khuẩn thường là đồ tươi sống, hoặc có nguyên liệu tươi, không qua xử lý nhiều. Ví dụ, các loại bánh, bánh kem, su kem có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn”, bác sĩ Dương Công Minh chia sẻ.
Cụ thể, bánh su kem làm từ bột và có thành phần nguyên liệu là kem. Loại bánh này không qua gia nhiệt, thanh trùng, tiệt trùng, môi trường đạm, đường béo nhiều. Su kem và các loại bánh tương tự không có phụ gia bảo quản, rất dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Đặc biệt, nguy cơ cao hơn nếu người dân có thói quen không rửa tay, hoặc môi trường oi nóng, bảo quản không tốt.
Nguy kịch khi bị chó cắn
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi nhiễm trùng do tụ cầu vàng sau khi bị chó cắn.
Trường hợp thứ nhất, bé gái Đ.K.L. (6 tuổi) bị chó nhà hàng xóm cắn vào cẳng chân trái trong lúc đạp xe. Trẻ đã được khâu vết thương nhưng sau 7 ngày vết cắn không khỏi, mưng mủ và bị nhiễm trùng, gia đình đã đưa trẻ đến bệnh viện.
Trường hợp thứ hai, bé trai Đ.H.T. (6 tuổi) cũng bị chó nhà hàng xóm tấn công trong lúc đang chơi. Sau khi bị chó cắn, gia đình đã đưa trẻ đi khâu vết thương. Nhưng do vết thương quá sâu nên gia đình đã chủ động đưa trẻ xuống bệnh viện tuyến Trung ương để xử lý. Sau khi điều trị gần 1 tháng, vết thương chưa liền lại và xuất hiện nhiễm trùng, gia đình đã đưa trẻ đến viện điều trị.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ xác định cả 2 bệnh nhi đều nhiễm trùng do tụ cầu vàng sau khi bị chó cắn. Sau điều trị 7 ngày, vết thương đã khô, tình trạng ổn định 2 bệnh nhi được ra viện.
Tắt kịp 5 "quả bom" ẩn trong đầu người phụ nữ
Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ (Bệnh viện S.I.S Cần Thơ) tối 26-10 cho hay vừa can thiệp kịp thời cứu một phụ nữ thoát đột quỵ do 5 túi phình mạch máu não chèn ép.
Bệnh nhân là bà L.M.G.T (62 tuổi, ngụ TP Cần Thơ), lâu nay khám sức khỏe định kỳ nhưng không ghi nhận bệnh lý nào, chỉ mới được phát hiện và điều trị do bị tăng huyết áp vô căn gần đây.
Tại Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, qua chụp MRI, các bác sĩ phát hiện trong đầu bệnh nhân có 5 túi phình mạch máu liền kề nhau ở mạch cảnh phải với các kích thước lần lượt là 4x4,5mm, 3,5x4mm, 3x3,5mm, 2,5x3,5mm và một nhú phình nhỏ. Đây cũng là nguyên nhân khiến huyết áp của người phụ nữ này tăng cao thường xuyên như vậy.
Phương án tối ưu nhất được đưa ra là can thiệp nội mạch đặt stent, ít xâm lấn, hạn chế biến chứng cao nhất cho người bệnh.
Theo BSCK2 Nguyễn Lưu Giang, Trưởng Đơn vị Can thiệp nội mạch DSA - Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, mặc dù bệnh nhân có đến 5 túi phình nhưng may mắn các dị dạng này nằm gần nhau trên một đoạn ngắn của mạch máu.
"Chúng tôi chỉ đặt 1 stent ngang qua các túi phình để thay đổi dòng chảy máu lên não, hạn chế máu bơm vào túi phình, kiểm soát nguy cơ xuất huyết não cho người bệnh. Bà T. thoát qua đột quỵ trong gang tấc nếu không xử trí kịp" - bác sĩ Giang thông tin thêm.
Theo thống kê, tỉ lệ bệnh nhân có túi phình mạch máu là từ 3% - 5% trong dân số. Nguy cơ lớn nhất của túi phình mạch máu não là bị vỡ ra gây xuất huyết màng não hoặc xuất huyết trong nhu mô não. Bệnh nhân bị xuất huyết não sẽ có những dấu hiệu đau đầu, lơ mơ, hôn mê tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.