Tin tức Đời sống 26/12: Sai lầm của người huyết áp cao khiến bác sĩ lo nhất

Chia sẻ Facebook
28/12/2023 03:26:33

Cập nhật tin tức đời sống ngày 26/12: Sai lầm của người tăng huyết áp khiến bác sĩ lo nhất; Lượng bệnh nhân cao tuổi nhập viện tăng đột biến do rét đậm, rét hại...

Sai lầm của người tăng huyết áp khiến bác sĩ lo nhất

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hòa - Phó trưởng khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, tăng huyết áp là "kẻ giết người thầm lặng" nhưng dễ chẩn đoán. Bệnh nhân chỉ cần đo huyết áp là biết được mình có bị vấn đề này không.

Hiện nay, số người tăng huyết áp được điều trị chưa tới một nửa số bệnh nhân. Người bệnh cần đạt được huyết áp mục tiêu 140/90 mmHg. Với người mắc bệnh đái tháo đường, suy thận thì huyết áp mục tiêu là 130/80 mmHg.

Bác sĩ Hòa nhấn mạnh, sai lầm phổ biến nhất ở người tăng huyết áp là khi điều trị ổn định, bệnh nhân coi như khỏi bệnh và ngưng chữa. Trên thực tế, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị đến suốt đời.

Ngoài dùng thuốc, bệnh nhân nên thay đổi lối sống theo 3 nguyên tắc:

- Hạn chế tối đa muối trong bữa ăn.

- Kiểm soát cân nặng.

- Tập luyện thể dục mỗi ngày.

Nếu thực hiện đúng, bệnh nhân không dùng thuốc có thể giảm được 50% bệnh.

Nếu đã điều trị nhưng chỉ số huyết áp không về được mục tiêu, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế khám và nhận lại tư vấn. Nguyên nhân điều trị tăng huyết áp không thành công có thể do thuốc huyết áp không phù hợp cần thay thuốc khác. Có bệnh nhân chỉ cần uống 1 thuốc nhưng cũng có trường hợp cần kết hợp nhiều thuốc khác nhau.

Một số người tăng huyết áp do hẹp động mạch thận, u tuyến thượng thận, thuốc ngừa thai, cường giáp… cần điều trị đúng nguyên nhân trước, huyết áp sẽ được cải thiện.

Người trưởng thành trên 25 tuổi cần đo huyết áp thường xuyên. Người bệnh tăng huyết áp cần đo ít nhất 1 tuần/lần, giữ liên lạc với bác sĩ điều trị.

Lượng bệnh nhân cao tuổi nhập viện tăng đột biến do rét đậm, rét hại

Sáng 26/12, Khu khám bệnh của Bệnh viện Lão khoa Trung ương khá vắng vẻ. Nhưng trong Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, lượng bệnh nhân nhập viện rất đông. Chỉ sau khi rét đậm, rét hại 3-5 ngày, nhất là thời điểm cuối tuần vừa rồi nhiệt độ ngày đêm chênh lệch cao, lượng bệnh nhân đến khám tăng đột biến.

Khoa Hồi sức tích cực có giường kế hoạch 51, nhưng cuối tuần vừa rồi đã nhận 56 bệnh nhân. Khoa phải từ chối tiếp nhận thêm vì không còn giường nằm điều trị. “Những đợt rét trước chỉ 2-3 ngày, người cao tuổi còn sức chống đỡ. Nhưng thời tiết rét đậm kéo dài 1 tuần qua khiến sức đề kháng của người cao tuổi suy giảm. Cuối tuần, lượng bệnh nhân tăng gấp rưỡi so với những tuần trước”, Tiến sĩ Tạ Hữu Ánh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết

Nằm viện 5 ngày qua, ông T. liên tục rơi vào tình trạng suy hô hấp, tình trạng ô-xy suy giảm nghiêm trọng. Bác sĩ Ánh cho hay, bệnh nhân có tiền sử gãy cổ xương đùi nằm một chỗ, mắc viêm phổi tắc nghẽn mãn tính. Do buồn chán và có thói quen hút thuốc lá nên bệnh nhân hút liên tục một bao/ngày. Bệnh nhân nhập viện ban đầu với triệu chứng mệt mỏi, không ăn uống được, xuất hiện sốt. Vào viện, bệnh nhân viêm phổi nặng, rơi vào tình trạng nặng của bệnh phổi tắc nghẽn. “Chúng tôi đã đặt thở máy cho bệnh nhân 2 ngày qua nhưng phổi kém, ô-xy dưới 70%, suy hô hấp tiến triển”, bác sĩ Ánh nói.

Các trường hợp nhập viện nhiều trong những ngày qua là chủ yếu người bệnh cao tuổi có tiền sử bệnh như tai biến. Có trường hợp nằm dài ngày, có nguy cơ nhiễm bệnh nặng lên, viêm phổi, ý thức lơ mơ. Trường hợp tai biến mạch máu não, có nguy cơ tăng huyết áp nhưng nếu không theo dõi cũng dễ diến biến nguy kịch. Ngoài ra, các bệnh lý tiểu đường, viêm khớp cũng khám nhiều thời điểm này.

Khoa Hồi sức tích cực cũng vừa tiếp nhận trường hợp điển hình cụ ông 96 tuổi, nhập viện với biểu hiện khó thở, nôn, sặc thức ăn vào phổi. Sau 4 ngày, gia đình cho cụ nhập viện thì tình trạng đã nặng, viêm phổi, SP02 chỉ 70-80% phải đặt ống nội khí quản cũng không qua khỏi. Lúc xét nghiệm, bạch cầu của người bệnh tăng rất cao, gấp 100 nghìn lần.

"Rõ ràng ban đầu bệnh nhân có biểu hiện rất nhẹ, nhưng vì chủ quan, nhập viện muộn nên tình trạng diễn biến nhanh, chúng tôi cố gắng hết sức cũng không thể cứu được", bác sĩ Ánh cho biết.

Theo các bác sĩ, người già triệu chứng không điển hình, nhưng thường tuổi cao, có vài bệnh nền đi kèm, gặp thời tiết không thuận lợi sẽ thúc đẩy tình trạng bệnh nặng nhanh, điều trị khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, dự phòng của các gia đình cũng chủ quan hơn so với đợt trước. Các bệnh nhân cao tuổi cũng tránh rét nên không tái khám theo đúng hẹn, hoặc nghĩ mình có triệu chứng nhẹ nên chủ quan ở nhà. Vì thế, các trường hợp nhập viện có diễn biến nặng hơn.

Có trường hợp sau tai biến, có một số bệnh lý mãn tính, chỉ có biểu hiện ho khò khè, triệu chứng không rầm rộ, nhưng do trì hoãn không đi khám sớm, đến viện thì triệu chứng đã nặng.

Do đó, bác sĩ Ánh khuyến cáo, trong thời tiết lạnh, người cao tuổi phải theo dõi sức khỏe thường xuyên. Với người bệnh mãn tính, tăng huyết áp phải đo huyết áp hàng ngày, thường xuyên vì nếu phát hiện sớm huyết áp thay đổi sẽ bổ sung thuốc đầy đủ, kịp thời, tránh tai biến.

Về phòng tránh các triệu chứng hô hấp, phải giữ ấm cho bệnh nhân là vùng cổ, đầu, chân. Người già ngủ có thể đội mũ, đi tất, tránh nguy cơ bị viêm mũi họng, có thể làm lan xuống viêm hô hấp dưới như viêm phổi.

Đặc biệt, nếu người cao tuổi duy trì thói quen tập thể dục, nên tránh ra ngoài trời lúc sáng sớm dễ bị lạnh, viêm phổi. “Các cụ nên chuyển sang tập chiều, hoặc duy trì tập sáng khi đã có ánh nắng. Đồng thời, bảo đảm ăn uống đầy đủ, dinh dưỡng tốt để có sức khỏe tốt hơn. Người có bệnh mãn tính, cao tuổi nên tiêm phòng cúm, phế cầu, tránh nguy cơ viêm phổi cho các cụ”, bác sĩ Ánh khuyến cáo.

Cảnh báo các bệnh truyền nhiễm dễ gia tăng trong dịp cuối năm

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh thành trên cả nước yêu cầu tăng cường phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa đông - xuân năm 2023-2024.

Theo Bộ Y tế, hiện thời tiết phía bắc lạnh, hanh khô là nguyên nhân gia tăng nhiều bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Cùng đó, thời gian tới là dịp Tết 2024 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, dễ làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương và các đơn vị y tế phải thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus, chuẩn bị mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra...

Đồng thời, chủ động công tác giám sát để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong; duy trì thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng.

“Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các viện: Vệ sinh dịch tễ, Pasteur và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh, nhất là các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp” - Bộ Y tế lưu ý.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương cần chủ động tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe.


T.M (tổng hợp)

Chia sẻ Facebook