Tin tức Đời sống 25/12: Tại sao trẻ hay ốm vào mùa đông?
Cập nhật tin tức đời sống ngày 25/12: 6 dấu hiệu bất thường ở rốn báo hiệu trẻ có vấn đề sức khỏe; Tại sao trẻ hay ốm vào mùa đông?
Tại sao trẻ hay ốm vào mùa đông?
Mặc dù các bệnh như cảm lạnh, cúm thường xảy ra thường xuyên hơn vào những tháng mùa đông, nhưng lý do không phải lúc nào cũng đơn giản.
BS CKII. Dương Văn Linh - Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) cho biết, sức đề kháng yếu là lý do khiến trẻ dễ bị các loại virus, vi khuẩn gây bệnh tấn công vào mùa đông. Do đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý và theo dõi sức khỏe cho các bé để sớm phát hiện dấu hiệu bệnh lý, điều trị và tránh biến chứng nặng.
Có một lầm tưởng rằng, khi thời tiết lạnh có thể khiến bạn bị ốm, nhưng điều đó không đúng. Bản thân bị lạnh không gây bệnh, nhưng khi ngoài trời lạnh hơn, trẻ em có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn, dễ lây nhiễm các vi khuẩn, virus.
Chơi cùng nhau trong nhà có nghĩa là trẻ ở gần nhau hơn, cũng nhau hít thở một bầu không khí trong một không gian có thể dễ lây và mắc các bệnh lý nhiễm trùng. Bên cạnh đó, một số virus phát triển nhanh và mạnh, thậm chí có thể lây lan tốt hơn khi không khí mát và ít ẩm hơn. Chất nhầy ở mũi có thể khô hơn, dính hơn trong những ngày mùa đông, điều này có thể ảnh hưởng đến sự lây lan của virus.
Cuối cùng, các thói quen ăn – ngủ thường xuyên bị thay đổi- gián đoạn trong khi du lịch vào mùa đông, có thể dẫn đến hệ thống miễn dịch dễ bị tổn thương hơn và kém hiệu quả trong việc chống lại nhiễm trùng.
6 dấu hiệu bất thường ở rốn báo hiệu trẻ có vấn đề sức khỏe
Theo các chuyên gia Trung tâm Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Trung ương), khi bé còn trong bụng mẹ, dây rốn chính là “con đường” trung chuyển chất dinh dưỡng giữa cơ thể mẹ và con.
Ngay sau khi chào đời, rốn sẽ được kẹp và cắt. Lúc đầu dây rốn có màu sáng bóng và vàng, khi khô chuyển sang màu xám, nâu thậm chí xanh. Sau 5 đến 15 ngày sau sinh, gốc rốn sẽ khô, chuyển màu đen và rụng.
Rốn sau khi rụng 7 đến 10 ngày sẽ lành hoàn toàn. Do đó, cho đến khi rốn lành hoàn toàn, cha mẹ cần chú ý chăm sóc, kiểm tra và giữ gìn tránh nhiễm trùng.
Sau rụng rốn, nếu thấy 1 đến vài giọt máu và không kèm dấu hiệu bất thường nào khác, điều này là bình thường, bố mẹ tiếp tục chăm sóc và theo dõi cho con. Tuy nhiên, nếu thấy máu tiếp tục chảy, bố mẹ cần cho con đến khám tại cơ sở y tế.
Nếu thấy rốn ướt và không có kèm theo các biểu hiện như: mùi hôi, tấy đỏ, sưng, sốt và các biểu hiện khác của viêm. Bố mẹ rửa rốn cho con hàng ngày bằng cồn 70 độ và tiếp tục theo dõi.
Theo các chuyên gia y tế, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến các dấu hiệu rốn bất thường khi phát hiện và cần đưa con đến khám tại cơ sở y tế.
– Viêm rốn: Có thể bắt đầu sau 2 đến 3 ngày sau sinh; Chảy máu từ cuống rố; Tiết dịch bất thường từ cuống rốn; Có mùi hôi ở rốn; Đỏ vùng quanh rốn và chân rốn, chai cứng; Sốt; Bỏ bú, lừ đừ.
- U hạt rốn: Là một bất thường lành tính, thường gặp ở trẻ sơ sinh. U hạt rốn có màu đỏ, bề ngoài mềm và không có đường rò. U hạt ở rốn thường có cuống và có thể tiết ra một lượng nhỏ dịch huyết thanh.
- Polyp rốn: Là khối cứng chắc, màu đỏ, chúng có xu hướng lớn hơn u hạt và có thể cần phải phẫu thuật.
- Nang niệu rốn: Là ống phôi kéo dài từ bàng quang đến rốn và thỉnh thoảng rò rỉ nước tiểu.
- Ống rốn mạc treo tràng: Là phần thông còn sót lại giữa hồi tràng và rốn. Biểu hiện dạng có thể có dịch mật hoặc phân chảy ra từ rốn.
- Thoát vị rốn: Nguyên nhân do khiếm khuyết thành cân cơ thành bụng, các nội tạng nhô ra khi trẻ gắng sức hoặc khóc tạo khối tại rốn, được bao phủ bởi da, di động kích thước tăng giảm khi trẻ kích thích.
Mờ mắt vì ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp
Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai hiện đang điều trị cho bệnh nhân Đ.V.K (59 tuổi, Thanh Hóa) với chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp (methanol).
Trước đó, ông K thấy mắt tối sầm, mất ánh sáng nên gia đình đưa đến bệnh viện khám mắt. Sau đó, các bác sĩ Nhãn khoa đã giới thiệu gia đình đưa ông K sang Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vì nghi ngờ ngộ độc methanol. Kết quả các xét nghiệm cho thấy ông K ngộ độc methanol, xơ gan, kèm theo đái tháo đường.
Ông K cho biết, nhiều năm nay ông vẫn đều đặn mỗi ngày ông uống 3 ly rượu (khoảng 300-400ml). Sau uống ở quán gần nhất, ông K thấy mệt, mắt mờ, đi ngoài và nôn.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay "bệnh nhân đã bị tổn thương mắt rất có thể bị mù do ngộ độc methanol. Ngoài ra, do bệnh nhân uống rượu trong một thời gian dài đã dẫn tới xơ gan và mất chức năng tủy".
Cũng tại đây, ông B.V.Th (69 tuổi, tại Tam Dương, Vĩnh Phúc) nhập viện cấp cứu vì ngộ độc methanol, đang có loạn thần và ảo giác. Người nhà bệnh nhân cho biết mỗi ngày bệnh nhân uống nửa lít rượu.
Một ngày trước khi nhập viện, ông Th nhờ cháu mua 1 lít rượu. Sau khi uống say, bệnh nhân đi ngủ. Hôm sau tỉnh dậy, bệnh nhân bị mất thị lực.
Cùng dấu hiệu tương tự sau khi uống rượu, ông N.V.T (sinh năm 1964, tại Thổ Tang, Vĩnh Phúc) cũng nhập viện với kết quả xét nghiệm có nồng độ methanol cao, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Tiên lượng xấu, mắt khó lấy lại ánh sáng.
"Cả 3 trường hợp này đã uống phải cồn công nghiệp methanol được pha vào rượu và gây ra ngộ độc. Tất cả đều tiên lượng phục hồi xấu do quá trình tổn thương nhiều ngày mới tới bệnh viện", BS Nguyên cho biết.
Theo lý giải của BS Nguyên, methanol khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành axit formic, gây tổn thương não, mù mắt và nhiều hệ lụy khác. Quy trình chuyển hóa gây độc của methanol thường diễn ra chậm và sẽ càng chậm hơn khi trong máu có cả thành phần rượu ethanol (rượu tự nấu) do ethanol cạnh tranh chuyển hóa với cồn công nghiệp methanol.
BS Nguyên cho biết thêm "rất khó có thể phân biệt được rượu có chứa methanol và rượu thông thường. Chỉ có 1 điểm là rượu có pha methanol sẽ có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường. Sau khi methanol thâm nhập vào cơ thể, mất nhiều thời gian sau đó cơ thể mới xuất hiện triệu chứng rõ rệt của ngộ độc methanol như: Mờ mắt, lơ mơ, lú lẫn, thở nhanh và thở sâu như bị khó thở, co giật và dần vào hôn mê. Khi có những biểu hiện này thì đã muộn".
Để phòng ngừa ngộ độc, theo khuyến cáo của BS Nguyên, người dân nên hạn chế uống rượu để tránh uống phải rượu có methanol. Nếu uống rượu, cần uống rượu có nguồn gốc rõ ràng, nên mua rượu tại những nơi có địa chỉ phân phối, siêu thị...
Ngoài ra, cũng cần phải có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, không cho phép bán các loại cồn đốt tại các hiệu thuốc, tránh gây nhầm lẫn trong việc sử dụng loại cồn này, dẫn đến hệ lụy đáng tiếc.
T.M (tổng hợp)