Tin tức Đời sống 23/5: Ăn cơm nguội có gây ung thư?
Cập nhật tin tức đời sống ngày 23/5: Ăn cơm nguội có gây ung thư?; Chuyên gia chỉ ra điểm quan trọng trong dinh dưỡng cho trẻ mùa nóng...
Ăn cơm nguội có gây ung thư?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, không có bằng chứng nào cho thấy ăn cơm nguội để trong tủ lạnh sẽ gây ung thư. Ung thư không phải do một nguyên nhân, tùy theo mỗi loại ung thư mà có nguyên nhân riêng biệt. Cơm nguội hỏng là do hoạt động của vi sinh vật, ăn gây ngộ độc.
Thông thường, cơm được nấu và bảo quản đúng cách thì có thể để ngoài môi trường nhiệt độ bình thường khoảng 24 tiếng không bị thiu. Quá thời gian trên, vi khuẩn, côn trùng xâm nhập sẽ làm biến chất, gây hiện tượng cơm thiu, chua.
Cơm nguội để trong tủ lạnh thời gian bảo quản lâu hơn, nhưng cũng không nên dự trữ quá lâu. Bạn nên dùng trong 24 tiếng là tốt nhất, vì để lâu cơm không bị ôi thiu thì cũng sẽ mất dưỡng chất.
Tốt nhất các gia đình nên nấu lượng vừa đủ bữa ăn, tránh để cơm lại bữa sau. Cơm nguội được bảo quản tốt nhưng hấp đi hấp lại nhiều lần sẽ giảm dinh dưỡng. Bạn không nên hâm cơm lại quá hai lần. Nếu thừa nhiều cơm, bạn có thể cho một chút nước vào nồi cơm điện rồi cho cơm vào nồi, bật nút nấu chỉ vài phút là cơm đã nóng trở lại như mới nấu.
Bạn cũng có thể hấp cơm bằng lò vi sóng, cho cơm nguội vào bát, đậy hờ. Cơm có dấu hiệu hỏng thường có mùi thiu, màu sắc thay đổi, nên bỏ vì ăn có thể gây ngộ độc, rối loạn tiêu hóa.
Theo TS.BS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, từ xưa khi không có tủ lạnh, mọi người vẫn ăn cơm nguội khi chúng chưa có dấu hiệu bị thiu và không ai gặp vấn đề về sức khỏe. Ngày nay, khi có tủ lạnh việc bảo quản thực phẩm được tốt hơn và cơm thừa bảo quản trong tủ sẽ an toàn hơn là để ngoài môi trường. Do vậy thông tin cho rằng ăn cơm nguội để tủ lạnh sinh độc tố gây ung thư là không có cơ sở.
Chuyên gia chỉ ra điểm quan trọng trong dinh dưỡng cho trẻ mùa nóng
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nắng nóng khiến trẻ mất nhiều nước qua mồ hôi, hơi thở nên ảnh hưởng đến sức bền. Nhiệt độ nóng bức của mùa hè cũng làm trẻ luôn cảm thấy khó chịu, lười ăn và dễ ốm hơn. Do đó, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của con trong thời điểm này.
Cụ thể, phụ huynh cần thay đổi thực đơn để kịp thời đáp ứng sự thay đổi trao đổi chất ở trẻ trong mùa nắng nóng bằng cách bổ sung sản phẩm dinh dưỡng và các biện pháp tránh nóng.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ cần thanh mát và dễ tiêu hóa để giúp giải nhiệt cho cơ thể, phòng bệnh mùa hè. Vì vậy, bạn nên cho bé ăn những nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt cao như rau dền, rau muống, bí, mồng tơi, mướp, canh chua...
Những thực phẩm này vừa bổ dưỡng lại vừa dễ ăn. Chúng giúp mang lại cảm giác mát mẻ, đồng thời cung cấp nhiều vitamin, chất chống oxy hoá cho cơ thể, các khoáng chất như kali, magie, bổ sung chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hoá của con.
Bên cạnh đó, cha mẹ hạn chế các món xào rán, nướng khó tiêu và đồ ăn nhanh. Ngoài ra, hãy cho bé ăn bổ sung bằng những bữa ăn phụ bổ mát như chè hạt sen, sữa dinh dưỡng, sữa chua...
Để tăng sức đề kháng, kích thích sự ngon miệng, trẻ cần được ăn đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng, vitamin như vitamin C, vitamin nhóm B, vi chất, đặc biệt là kẽm. Ngoài ra, chúng ta còn có lysine trong thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa... giúp trẻ phát triển cơ xương, tăng khả năng hấp thu canxi.
Vitamin C có nhiều trong những thực phẩm mùa hè như rau đay, rau muống, bưởi, nhãn, chanh, cam, thanh long, dứa... Chúng vốn đóng vai trò rất lớn trong quá trình bảo vệ cơ thể và hệ thống miễn dịch của trẻ. Bên cạnh đó, vitamin C còn giúp làm lành vết thương và bảo vệ trẻ khỏi chứng cảm lạnh hay cảm cúm thông thường.
Không chỉ vậy, cha mẹ cũng nhớ nhắc con uống đủ nước. Việc cơ thể thiếu nước trong những ngày oi bức là điều thường xuyên xảy ra đối với cả người lớn và trẻ em.
Cơ thể thiếu nước không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ mà còn là nguyên nhân gây ra các bệnh mùa hè phổ biến như cảm cúm, sốt… hay giảm sức bền bỉ trong học tập và vui chơi, và khám phá của con.
Vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt chú ý cho trẻ uống nước thường xuyên và phải uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày. Ngoài ra, có thể bổ sung nước bằng cách cho trẻ uống các loại đồ uống có giá trị dinh dưỡng cao như sữa dinh dưỡng, sữa đậu nành, sữa chua uống, sinh tố, nước trái cây, nước dừa… Cha mẹ có thể tham khảo sữa lúa mạch, là loại thức uống bổ dưỡng, có tác dụng bổ sung năng lượng cho con, thích hợp cho những ngày nắng nóng con cần tăng sức bền.
Cách tính tổng lượng nước uống trong ngày cho trẻ: Trẻ 1-10 kg nên dùng 100 ml/1 kg cân nặng. Ví dụ, trẻ 10 kg thì cần 1.000 ml nước/ ngày. Trẻ 11-20 kg nên dùng 1.000 ml / 10 kg đầu + 50 ml/ 1kg cân nặng tăng thêm. Ví dụ, trẻ 15 kg thì lượng nước sẽ cần là 1.000 ml + (50 ml x 5) = 1.250 ml.
Các mẹ lưu ý lượng nước này bao gồm nước uống, nước canh, sữa các loại, nước hoa quả…
Bạn nên tiêu thụ bao nhiêu muối trong một ngày?
Natri là thành phần chính của muối và là chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần cho nhiều chức năng quan trọng. Tuy nhiên, tiêu thụ quá mức có thể làm tăng huyết áp. Vậy, chúng ta nên tiêu thụ bao nhiêu muối để tốt cho cơ thể?
Muối là một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống của hầu hết mọi người. Natri là thành phần chính của muối nên được tiêu thụ một cách khôn ngoan hàng ngày. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chế độ ăn nhiều natri có thể làm tăng huyết áp và khiến một người có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư dạ dày, béo phì, loãng xương, bệnh Meniere và bệnh thận. Vì vậy, điều quan trọng là phải theo dõi lượng muối ăn vào.
WHO khuyến nghị tiêu thụ ít hơn 2000mg natri mỗi ngày, tương đương với dưới 5g/ngày.
WHO cũng khuyến nghị tiêu thụ muối được bổ sung i-ốt. Hấp thụ đủ i-ốt là điều cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của não trong bụng mẹ. Nó cũng tăng cường chức năng tâm thần ở trẻ nhỏ và người lớn nói chung.
T.M (tổng hợp)