Tin tức Đời sống 18/1: Dinh dưỡng hợp lý để giảm mỡ xấu trong máu

Chia sẻ Facebook
19/01/2024 04:48:03

Cập nhật tin tức đời sống ngày 18/1: Điều cần biết trong điều trị đau thần kinh ở người cao tuổi; Cứu sống bệnh nhân bị vật nhọn đâm thủng tim, nguy kịch...

Điều cần biết trong điều trị đau thần kinh ở người cao tuổi

Bệnh nhân Nguyễn Thị An, 67 tuổi (ở Ninh Bình), nhập viện do có biểu hiện đau, rát dọc 2 bên đùi. Bà đã tự ý mua và sử dụng thuốc giảm đau nhưng triệu chứng không thuyên giảm khiến bản thân đi lại khó khăn, mất ngủ, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Sau khi được thăm khám, bác sĩ kết luận, do chèn ép nhánh thần kinh chi phối, khi đó đường đi của dây thần kinh bị chèn ép hoặc kéo căng, nhất là khi vận động sẽ dẫn đến các biểu hiện đau như mô tả. Đặc biệt qua khai thác tiền sử bệnh nhân có bệnh lý đái tháo đường Typ 2 đã 10 năm nay, đây có thể là căn nguyên dẫn đến tổn thương của dây thần kinh.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Việt Hà cho biết, đau thần kinh đã được Tổ chức Y tế Thế giới coi là dấu hiệu sinh tồn thứ 5, sau huyết áp, mạch, nhiệt độ, hô hấp. Đau thần kinh là kết quả của tổn thương hoặc rối loạn chức năng của hệ thống thần kinh ngoại biên hoặc trung ương, hơn là kích thích các thụ thể nhận cảm đau. Ở người cao tuổi, đau thần kinh chiếm khoảng 25% - 56%.

Đau thần kinh có 2 dạng sinh lý là đau cấp tính và đau mãn tính, mỗi cá thể có ngưỡng đau khác nhau. Các nguyên nhân chính gây đau thần kinh gồm: đái tháo đường, bệnh lý rễ thần kinh hoặc bị chấn thương tủy…

Thêm nữa là bệnh lý cơ xương khớp hay gặp ở người cao tuổi. Nghiên cứu gần đây cho thấy, có khoảng 15,2% bệnh nhân thoái hóa khớp gối có thể có thêm dấu hiệu đau thần kinh, tức là trong số khoảng 20 bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối sẽ có 3 người có khả năng bị đau thần kinh.

Bác sĩ Hà cho biết, để giảm đau thần kinh, người bệnh cần một loại thuốc giảm đau chuyên biệt, gọi là nhóm thuốc giảm đau do nguyên nhân thần kinh. Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng phối hợp các loại thuốc để giúp bệnh nhân giảm đau toàn diện, đồng thời giảm nhẹ các tác dụng phụ có hại của thuốc.

Việc cân nhắc lựa chọn thuốc được các bác sĩ chuyên khoa tuân thủ hướng dẫn của Liên hội Thần kinh châu Âu (EFNS) 2010 và Hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế (IASP). Đau thần kinh còn có thể được cân nhắc không dùng thuốc, chỉ cần can thiệp điều chỉnh hành vi… hoặc cân nhắc với các thủ thuật không xâm lấn, phẫu thuật và dùng thuốc.

Ngoài ra việc vận động để duy trì chức năng của khớp như tập thể dục, đi bộ, bơi lội, đạp xe…

Hoặc cân nhắc chỉ định các kỹ thuật kích thích thần kinh bao gồm: kích thích điện thần kinh qua da tần số cao, kích thích tủy sống, kích thích não sâu, kích thích từ trường xuyên sọ, hoặc các phương pháp chặn dẫn truyền thần kinh nhằm đưa thuốc vào tủy sống, phóng bế dây, rễ thần kinh, đám rối thần kinh, thần kinh giao cảm, tiêm ngoài màng cứng là những kỹ thuật chuyên sâu đặc hiệu.

Tùy trường hợp có thể kết hợp châm cứu giúp giảm nhẹ cơn đau mạn tính nói chung và đau thần kinh nói riêng.

Điều quan trọng là khi xuất hiện những triệu chứng, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và chỉ định điều trị, không nên tự tìm mua thuốc uống mà chưa có sự tư vấn của thầy thuốc. Trong quá trình điều trị, không tự ý thay đổi liều lượng hay ngưng thuốc, nếu thấy có tác dụng phụ, người bệnh cần lập tức thông báo bác sĩ để được tư vấn.

Cứu sống bệnh nhân bị vật nhọn đâm thủng tim, nguy kịch

Ngày 18/1, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, với sự phối hợp chặt chẽ của các ê kíp Hồi sức Cấp cứu, Phẫu thuật - Gây mê hồi sức và bác sĩ Ngoại Lồng ngực đã kịp thời cứu sống bệnh nhân bị thủng tim, nguy kịch.

Trước đó, vào chiều ngày 17/1, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân N. V. T (31 tuổi, quê ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ) trong tình trạng lơ mơ vật vã tím tái, mạch nhanh nhẹ, huyết áp không đo được.

Bác sĩ cấp cứu thăm khám có 1 vết thương 1,5 cm cạnh mũi kiếm xương ức bên trái. Và vết thương rách da tay cẳng tay trái 3 cm.

Theo người nhà bệnh nhân, cùng ngày nhập viện, bệnh nhân gặp tai nạn khi lao động. Cụ thể, khi bệnh nhân đang cắt tấm tôn, tấm tôn rơi va đập xuống nền, ngay lúc này 1 vật sắc nhọn bật lên đâm vào ngực, gây vết thương ở dưới mũi kiếm xương ức. Bệnh nhân bị choáng và bất tỉnh, sau đó được người nhà đưa đến sơ cứu tại BV Đa khoa Quận Ô Môn, rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.

Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu khẩn cấp dịch truyền, giảm đau, thở oxy. Đồng thời, cho bệnh nhân siêu âm khẩn với kết quả, tràn dịch màng tim lượng nhiều có dấu hiệu chèn ép tim cấp.

Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành hội chẩn viện khẩn và chỉ định mổ tối khẩn với chẩn đoán, sốc tràn máu khoang màng ngoài tim gây chèn ép tim cấp.

Ê kíp bác sĩ Ngoại Lồng ngực mở ngực trước bên trái khoảng liên sườn 6 vào khoang màng phổi trái. Màng ngoài tim căng cứng, mở màng tim có khoảng 1000 ml máu cục và loãng. Vết thương thủng tâm thất phải gần sát mõm tim khoảng 1cm gần mỏm tim. Xử lý khâu vét thương tim lấy hết máu cục máu loãng trong khoang màng tim. Cầm máu vết mổ dẫn lưu màng phổi đóng lại vết mổ.

Sau 2 giờ mổ căng thẳng, hiện tại bệnh nhân đã tỉnh, sinh hiệu ổn và đang tiếp tục hồi sức.

Theo các bác sĩ Khoa Ngoại Lồng ngực, đây là trường hợp vết thương tim bị máu chảy từ buồng tâm thất phải ra khoang màng tim với khối lượng nhiều gây chèn ép. Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây chèn ép làm giảm thể tích tâm trương gây sốc ngưng tim và tử vong.

Dinh dưỡng hợp lý để giảm mỡ xấu trong máu

Dịp Tết, mọi người có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, thời gian làm việc, lao động chân tay giảm, do đó tiêu hao năng lượng ít hơn so với ngày thường. Nhưng trên thực tế, việc cung cấp năng luợng thì ngược lại, các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp Tết lại có năng lượng rất cao, các món ăn có xu hướng nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật từ thịt cá, ít rau xanh chính là “thủ phạm” cho việc tăng cân, gia tăng các bệnh mạn tính đặc biệt là tăng huyết áp, đái tháo đường…

BSCKII Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Chất béo bão hòa thường ở thể rắn khi ở nhiệt độ phòng. Các thực phẩm có chất béo bão hòa bao gồm: thịt bò; cừu non; thịt lợn; gia cầm, đặc biệt là phần da; mỡ bò (mỡ động vật); mỡ lợn; phô mai; dừa; dầu cọ... các sản phẩm từ sữa nguyên chất béo, trứng. Vì chúng thường ở thể rắn trong nhiệt độ phòng, nên đôi khi được gọi là “chất béo rắn”. Một số thực phẩm nướng và chiên cũng chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao”.

Hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo hạn chế chất béo bão hòa - chúng có nhiều trong bơ, pho mát, thịt đỏ và các thực phẩm có nguồn gốc động vật khác và dầu nhiệt đới. Khoa học đã chứng minh chất béo bão hòa có thể làm tăng lượng cholesterol xấu. Từ đó, dẫn đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch và tăng nguy cơ đột quỵ.

Theo BS Dũng, để có chế độ ăn tốt cho tim mạch, nên chọn thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da. Hạn chế chế biến thức ăn với các dầu nhiệt đới như dầu dừa, dầu cọ, dầu hạt cọ… Ưu tiên chế độ ăn thiên về cá và các loại hạt. Tăng lượng trái cây, rau và ngũ cốc trong khẩu phần ăn nhằm giúp cơ thể hấp thụ ít calo hơn. Cụ thể như ăn cá nhiều hơn, ăn các loại hạt nhiều hơn, lựa chọn loại dầu ăn tốt và thay thế các sản phẩm từ sữa không béo và ít béo thay cho các sản phẩm toàn chất béo. Đối với những người ăn thịt hoặc gia cầm, hãy chọn những loại nhiều nạc nhất.

Nghiên cứu gần đây của Mỹ đăng tải trên trang Daily Mail theo dõi hoạt động của hơn 7.500 người ở độ tuổi 60 cho thấy, người ngồi xem tivi một giờ mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ tăng 14%. Người không vận động trong 13 giờ hoặc hơn từ khi thức dậy vào sáng sớm có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 44% so với trường hợp không vận động trong ít hơn 11 giờ. Trong vòng 7 năm, nghiên cứu ghi nhận có 286 ca đột quỵ xảy ra ở những người ít vận động nhất, tức không di chuyển trong 13 giờ trở lên mỗi ngày. Nhóm người này có nguy cơ đột quỵ cao nhất.

Theo nghiên cứu này, nguy cơ đột quỵ có thể giảm khi tập thể dục. Tập thể dục nhẹ 3,5 tiếng mỗi tuần (bao gồm cả làm việc nhà hoặc đi bộ xung quanh nhà) có thể giảm nguy cơ đột quỵ 26% so với việc di chuyển ít hơn 2 giờ mỗi ngày. Những người dành 14 phút trở lên tập thể dục như đi bộ nhanh, đạp xe hoặc thậm chí làm vườn thì nguy cơ đột quỵ giảm 47% so với những người tập ít hơn 3 phút mỗi ngày. Thời lượng tập thể dục vừa phải tối ưu cho những người ở độ tuổi 60 là khoảng 25 phút mỗi ngày.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra, ít vận động có thể dẫn đến tích tụ chất béo trong động mạch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Hoạt động thể chất giúp giảm nguy cơ đột quỵ bằng cách điều hòa huyết áp, giảm cholesterol, giảm các chất béo tích tụ trong nội tạng và cơ thể.

Vì vậy, để có sức khỏe tốt, chúng ta cần có một chế độ ăn lành mạnh và chế độ luyện tập tích cực.


T.M (tổng hợp)

Chia sẻ Facebook