Tin tức Đời sống 17/1: Căn bệnh gia tăng cận Tết

Chia sẻ Facebook
18/01/2024 04:50:08

Cập nhật tin tức đời sống ngày 17/1: Căn bệnh gia tăng cận Tết; Nguy kịch vì tự sử dụng thuốc phá thai tại nhà...

Căn bệnh gia tăng cận Tết

Bác sĩ CKI Đào Duy Khoa – Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, đang vào mùa Tết số ca đột quỵ nhập viện tăng rõ hơn so với các tháng trước.

Theo bác sĩ Khoa, nguyên nhân khiến đột quỵ gia tăng mùa Tết là do các yếu tố như thời tiết Tết trùng với mùa lạnh. Mùa lạnh thì tỷ lệ đột quỵ tăng nhiều so với mùa nóng. Dịp Tết rơi vào mùa lạnh nên làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Thứ hai, Tết người dân thay đổi thói quen sinh hoạt như thức khuya, đi chơi xa, ăn uống cũng thay đổi. Nhiều người ngủ nghỉ không đúng giờ, quên mang thuốc, quên uống thuốc… Điều này ảnh hướng xấu đến những người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp (các bệnh này là các yếu tố nguy cơ của đột quỵ).

Thứ ba, Tết mọi người sẽ sử dụng nhiều bia rượu và đây cũng là yếu tố góp phần làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Triệu chứng của đột quỵ là đột ngột méo miệng, nói đớ, liệt nửa người. Các triệu chứng này rất đơn giản tuy nhiên nhiều người vẫn nhầm lẫn, họ cho rằng bị trúng gió, bị mệt, bị cảm.

Tuy nhiên, nhiều người còn có cách xử lý sai lầm khi cấp cứu đột quỵ như cạo gió, chích máu, cúng bái, uống thuốc truyền miệng, chờ cho người bệnh khỏe lại… Đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, gây nhiều hậu quả đáng tiếc.

Bác sĩ Khoa cũng tiếp nhận nhiều người bệnh có dấu hiệu liệt yếu tay chân từ hai, ba hôm trước nhưng bệnh nhân thấy bình thường nên cố chịu và đến khi tình trạng nặng hơn mới vào viện. Bác sĩ Khoa cho rằng thói quen trong dân gian là "ráng chờ đợi" xem tình trạng có đỡ hơn không mới vào viện khiến người bệnh mất thời gian vàng để can thiệp cấp cứu đột quỵ.

Để phòng bệnh thì phải tìm ra các yếu tố nguy cơ dễ gây ra đột quỵ, cụ thể là tầm soát đột quỵ. Có thể tầm soát các yếu tố nguy cơ này, phát hiện ra nó và điều trị ngay từ đầu để phòng ngừa đột quỵ. Ví dụ như người mắc bệnh cao huyết áp cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để xem bản thân có mắc bệnh tăng huyết áp hay không. Bởi vì có nhiều người bị tăng huyết áp nhưng không biết và nhiều năm sau, khi xảy ra biến chứng đột quỵ mới hay mình mắc bệnh phải căn bệnh "sát thủ âm thầm" này.

"Đột quỵ có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra. Người ta chia ra làm 2 nhóm: Các yếu tố nguy cơ không điều chỉnh được: tuổi tác, giới, chủng tộc,...; Các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được: tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol, hút thuốc lá, bia rượu,... Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ không điều chỉnh được, tuổi càng cao nguy cơ đột quỵ càng lớn", bác sĩ Khoa cho biết.

Cũng theo bác sĩ Khoa, các yếu tố liên quan tới lối sống, thói quen không tốt như hút thuốc lá, uống bia rượu, lười vận động,… là các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được. Bạn có thể thay đổi ngay từ hôm nay bằng cách tuân thủ lối sống lành mạnh, không chờ tới khi có bệnh mới vào viện, lúc đó đã muộn. Với người có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp... cần kiểm soát bệnh thật tốt.

"Trường hợp bạn may mắn không có các nguy cơ của đột quỵ thì nên duy trì thói quen sinh hoạt và lối sống lành mạnh, khoa học, nên tập thể dục đều đặn, hạn chế bia rượu, bỏ thuốc lá và kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm để phòng căn bệnh chết người này", bác sĩ Khoa khuyến cáo.

Bé trai mắc quai bị, lớn lên có nguy cơ vô sinh?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, quai bị có thể biến chứng viêm tinh hoàn, nhưng đến mức teo tinh hoàn cả 2 bên mới có thể gây ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản. Trẻ bị quai bị nhưng không đau vùng bìu, không hề có biến chứng viêm tinh hoàn thì sẽ không bị vô sinh.

Mặt khác, trẻ mắc quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn thường thuộc độ tuổi dậy thì. Nếu trẻ chưa phát triển đến tuổi dậy thì, phụ huynh cũng không nên quá lo lắng con có ảnh hưởng khả năng sinh sản.

Bệnh quai bị thường xảy ra quanh năm, cao điểm là từ tháng 12 đến tháng 2 hàng năm. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, đa số người bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 5-7 ngày và ít khi xảy ra biến chứng.

Trẻ mắc quai bị thường có dấu hiệu sưng hai bên mang tai và sốt, phải được hạn chế tiếp xúc và có thể tự chăm sóc tại nhà. Nếu thấy trẻ có 2 dấu hiệu gồm nôn ói và sưng, nóng, đỏ tinh hoàn, phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị.

Nguy kịch vì tự sử dụng thuốc phá thai tại nhà

Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh vừa tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân L.T.T. (Hà Giang) bị sốc băng huyết sau khi tự ý uống thuốc phá thai tại nhà.

Được biết, nữ bệnh nhân L.T.T. nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đau bụng ra máu âm đạo. Khai thác tiền sử, được biết bệnh nhân phát hiện có thai, không đi kiểm tra đã tự mua thuốc để phá thai cách đây 1 tuần.

Tại bệnh viện, các bác sĩ sau khi thăm khám đánh giá bệnh nhân trong tình trạng sốc do băng huyết. Xác định đây là trường hợp cấp cứu nặng, các bác sĩ đã triển khai báo động đỏ toàn bệnh viện để cứu bệnh nhân sốc giảm thể tích, thiếu máu nặng, băng huyết sau phá thai bằng thuốc, vết mổ đẻ cũ. Bệnh nhân được chỉ định hồi sức tích cực kèm theo xử trí tổn thương tại buồng tử cung.

Trong thời gian đó, bệnh viện thông báo, liên lạc tới tất cả cán bộ nhân viên trong viện và tình nguyện viên bên ngoài có cùng nhóm máu với bệnh nhân trực tiếp đến tham gia hiến máu bổ sung kịp thời lượng máu cần thiết phục vụ cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.

Sau thời gian điều trị tích cực, hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Long, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, băng huyết do phá thai bằng thuốc tại nhà là một trong những biến chứng dễ gặp phải nếu chị em tự mua thuốc về uống mà không được tư vấn kỹ.

Trường hợp bệnh nhân L.T.T. khi nhập viện đã trong tình trạng nguy kịch đe dọa tính mạng, nếu chỉ chậm ít phút sẽ ảnh hưởng tính mạng. Do đó, các bác sĩ sản phụ khoa khuyến cáo không nên phá thai.

Trong trường hợp không thể giữ, chị em cần đến các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và có phương pháp xử lý phù hợp. Tuyệt đối không tự ý phá thai tại nhà bằng bất kỳ hình thức nào để không đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của bản thân và bảo vệ sức khỏe sinh sản sau này.


T.M (tổng hợp)

Chia sẻ Facebook