Tin tức Đời sống 15/1: Mùa đông nên tắm bằng nước nóng hay nước lạnh?

Chia sẻ Facebook
16/01/2024 04:56:40

Cập nhật tin tức đời sống ngày 15/1: Mùa đông tắm bằng nước nóng hay nước lạnh mới tốt cho da; Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tăng khoảng 2% mỗi năm...

Mùa đông tắm bằng nước nóng hay nước lạnh mới tốt cho da?

TS. BS. Lã Hà (Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam) cho biết, tắm rửa là bước chăm sóc da cơ bản mà mỗi chúng ta làm hàng ngày. Vào mùa đông da thường yếu và dễ bị mất nước nên đòi hỏi sự chăm chút hơn khi vệ sinh làm sạch, nhằm tránh da tồi tệ thêm. Tuy nhiên nhiều người lại không biết nên để nhiệt độ nước thế nào cho phù hợp, thường sử dụng nước quá nóng.

Mùa đông không nên sử dụng nước lạnh, cũng không nên sử dụng nước nóng, chúng ta nên sử dụng nước đủ ấm. Việc nhiệt độ thay đổi đột ngột sẽ làm mạch máu giãn nở, gây tác động không có lợi cho da.

Nếu sử dụng nước nóng sẽ làm cho da khô, bóng tróc, khó chịu, thậm chí là ngứa, viêm da. Điều này rất ít người để ý vì gần như cái thói quen sử dụng nước nóng trong mùa đông là thường quy.

Ngược lại, nước quá lạnh thì sẽ khiến cho các lỗ chân lông se lại, các chất bẩn sẽ không thể thoát ra ngoài gây viêm tắc lỗ chân lông.

Tốt hơn hết bạn nên sử dụng nước tắm, rửa mặt có nhiệt độ 35 đến 40 độ C, giúp làm sạch da tốt hơn mà không gây bất lợi đến sức khỏe của làn da.

Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tăng khoảng 2% mỗi năm

Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân V.V.L. (27 tuổi, Hải Phòng) nhập viện trong tình trạng thị lực giảm, khuyết tầm nhìn mắt phải, kèm tê bì mặt và nửa người phải.

Trước đó, bệnh nhân có sức khỏe bình thường, tuy nhiên, sau khi tắm khoảng 10 phút, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những triệu chứng như trên.

Tại bệnh viện, kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy hình ảnh nhồi máu não vùng thùy chẩm bên trái. Rất nhanh chóng các bác sĩ đã sử dụng phương pháp điều trị thuốc tiêu sợi huyết cho người bệnh. Sau khi tiêm thuốc tiêu sợi huyết 1 giờ, tình trạng mắt của người bệnh đã cải thiện 70%. Sau 3 ngày điều trị, mắt của người bệnh đã phục hồi hoàn toàn.

TS.BS Phùng Đức Lâm - Trưởng khoa Đột quỵ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp) cho biết: Bệnh nhân V.V.L. có tuổi đời còn rất trẻ cùng những triệu chứng bệnh lý không rõ ràng, rất may mắn người bệnh đã đến bệnh viện và được phát hiện, can thiệp kịp “giờ vàng” tránh được những biến chứng đáng tiếc do đột quỵ gây ra.

Trong những năm trở lại đây, những trường hợp mắc đột quỵ khi tuổi đời còn rất trẻ đã không còn là hãn hữu trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Theo báo cáo từ Hội đột quỵ thế giới, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% số ca xảy ra ở người trẻ 15 - 49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người trẻ. Đáng báo động hơn, tỷ lệ tử vong do đột quỵ được dự đoán sẽ tăng 50%, từ 6,6 triệu ca năm 2020 lên 9,7 triệu ca đến năm 2050.

Trong khi đó, tại Việt Nam, số liệu từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, hiện độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Nếu như trước đây đột quỵ não thường gặp ở những người trên 60 tuổi thì hiện nay căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa. Các yếu tố làm gia tăng các ca đột quỵ và trẻ hóa như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,… nhưng khôn­­g được kiểm soát. Bên cạnh đó, hút thuốc, stress nặng cũng là nguyên nhân gây đột quỵ.

BS Phạm Văn Cường - Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) phân tích: Có rất nhiều nguyên nhân chủ yếu khiến người trẻ tuổi mắc đột quỵ não, bao gồm bệnh lý dị dạng mạch máu não, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, bệnh béo phì và lười vận động, đái tháo đường và tăng huyết áp, uống rượu bia… Trong đó, các nghiên cứu cho thấy khoảng 50% số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có hút thuốc lá. Ngoài ra, người trẻ tuổi với thói quen ăn uống có hại sức khỏe như ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn sẽ ngày càng đối diện với các bệnh lý mạch máu lớn và nhỏ sớm hơn, dẫn tới bệnh lý đột quỵ, tim mạch. Một trong những nguyên nhân lớn nữa đó là tình trạng uống rượu bia rất cao tại Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá mức tiêu thụ rượu bia của người Việt ở bậc cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Uống rượu bia, đặc biệt là rượu nặng có liên quan chặt chẽ đến sự tăng lên của bệnh lý chảy máu não ở bệnh nhân trẻ tuổi.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, đột quỵ thường gia tăng khi trời lạnh và khi thời tiết thay đổi đột ngột. Do vậy, để phòng tránh, việc giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh rất quan trọng; Nên ngủ trong phòng kín gió, luôn giữ đủ ấm cho cơ thể; Cần lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt, vì vậy buổi sáng trước khi rời giường nên có vài động tác vận động nhẹ để làm nóng cơ thể, thích ứng với thời tiết bên ngoài, không nên xuống giường ngay khi vừa thức dậy; Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh. Bên cạnh đó, người bệnh cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe, nếu phát hiện huyết áp cao, đái tháo đường,… cần được uống thuốc theo đơn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc.

5 bệnh trẻ thường mắc khi thời tiết lạnh

Theo bác sĩ chuyên khoa II Dương Văn Linh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, thói quen ăn, ngủ của trẻ có thể bị thay đổi khi đi học và ở nhà vào mùa lạnh. Điều này khiến hệ thống miễn dịch dễ bị tổn thương hơn và kém hiệu quả trong việc chống lại nhiễm trùng.

Thứ nhất, viêm phế quản.

Bệnh viêm phế quản rất hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới một tuổi. Những trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi... cũng có nguy cơ bị viêm phế quản.

Triệu chứng thường gặp nhất là ho, chảy nước mũi trong, sốt cao, sau đó ho ngày càng nhiều, thở khó, thở rít. Trường hợp bệnh nặng, cơ thể trẻ tím tái, lồng ngực rút lõm, cơn thở bị co kéo khó khăn. Trường hợp rất nặng và không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị ngừng thở.

Thông thường, bệnh sẽ kéo dài và khỏi trong 1-2 tuần nếu được chăm sóc tốt, nếu không, bệnh sẽ kéo dài trong nhiều tuần liền.

Để phòng bệnh hiệu quả, cha mẹ cần giữ ấm trẻ, luôn giữ ấm vùng ngực, chân tay; tã lót ướt cần được thay ngay. Trẻ bị viêm họng hay viêm mũi, viêm amidan, cần được điều trị kịp thời.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu khó thở, bú kém, tím tái... nên đưa con đến bệnh viện sớm.

Thứ hai, cúm.

Đây là bệnh truyền nhiễm phổ biến do virus gây nhiễm trùng đường hô hấp, rất dễ lây lan. Sự khởi phát của cúm thường đột ngột và có các triệu chứng đi kèm như: sốt cao, ho, chảy mũi, ngạt mũi, đau nhức cơ, mệt mỏi, viêm kết mạc mắt nhẹ (đỏ mắt, ngứa). Bên cạnh đó, người mắc bệnh có thể kèm theo nôn ói, tiêu chảy.

Thứ ba, cảm lạnh.

Bệnh do virus gây ra, trẻ có thể bị sốt nhẹ ngay từ khi mắc bệnh. Mặc dù cảm lạnh có vẻ xảy ra thường xuyên hơn vào những tháng cuối năm, thời tiết lạnh, nhưng chúng có thể xảy ra quanh năm.

Có nhiều loại virus gây ra cảm lạnh, bệnh có thể kéo dài 5-14 ngày. Các triệu chứng của cảm lạnh thường gặp: chảy mũi, tắc mũi, ho, đau họng, sốt.

Thứ tư, viêm họng do vi khuẩn.

Bệnh lý nhiễm trùng này do vi khuẩn gây ra, dễ lây lan, thường gặp vào những tháng cuối năm và giao mùa, đặc biệt ở trẻ nhóm từ 5 đến 15 tuổi. Các triệu chứng bao gồm: đau họng, khó nuốt, sốt, đau bụng, đau đầu.

Viêm họng do vi khuẩn có thể điều trị dễ dàng và nhanh chóng bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, mọi người không nên tự ý mua và dùng thuốc kháng sinh khi không có sự chỉ dẫn của dược sĩ hay bác sĩ kê toa.

Thứ năm, tiêu chảy.

Tiêu chảy là một trong những bệnh phổ biến của trẻ trong mùa lạnh. Bệnh do Rotavirus gây ra và thường chỉ kéo dài trong 3-7 ngày. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ ở lứa tuổi 3-24 tháng.

Khi trẻ bị tiêu chảy, phụ huynh không nên ép con ăn nhiều mà hãy cho trẻ uống nước đầy đủ, dùng những dung dịch như Oresol giúp bù lượng nước mất đi để cơ thể khỏi mất sức. Nếu thấy trẻ sốt cao, phân có máu, đàm, hoặc đau bụng nhiều cần đi khám bác sĩ ngay.


T.M (tổng hợp)

Chia sẻ Facebook