Tin tức Đời sống 1/4: Trẻ nhập viện cấp cứu vì bệnh hiếm
Cập nhật tin tức đời sống ngày 1/4: Bé 45 ngày tuổi gặp nguy hiểm do rối loạn chuyển hóa acid béo; Nhiều giải pháp phòng bệnh dại...
Nhiều giải pháp phòng bệnh dại
Chưa ghi nhận ca mắc bệnh dại nào từ đầu năm 2024 đến nay, nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn chủ động triển khai quyết liệt công tác phòng, chống bệnh dại cho chó, mèo trong bối cảnh bệnh ngày càng gia tăng ở các địa phương. Thành phố đang là địa phương duy nhất đạt chứng nhận Vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại ở cấp tỉnh, với trên 90% tổng đàn chó, mèo được tiêm phòng bệnh dại.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), số người tiêm vaccine ngừa dại hai tháng đầu năm 2024 là 19.552, tăng nhẹ so cùng kỳ là 18.810. Để công tác tiêm phòng vaccine bệnh dại cho chó, mèo trên địa bàn Thành phố đạt hiệu quả, người dân cần phối hợp thực hiện rà soát thống kê về tình hình tiêm vaccine của chó, mèo 2 lần/năm vào ngày 1/1 và 1/7. Kết quả thống kê sẽ là cơ sở dữ liệu để xây dựng kế hoạch triển khai công tác tiêm phòng như: chuẩn bị nguồn nhân lực, nguồn vaccine và các dụng cụ cần thiết khác.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố chủ động, hướng dẫn, theo dõi, giám sát các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh dại trên người; phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan tổ chức tập huấn và tái tập huấn về chuyên môn cho cán bộ thực hiện công tác phòng, chống bệnh dại trên người. Đồng thời, Trung tâm phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chia sẻ thông tin về tình hình bệnh dại, phối hợp điều tra, xử lý ổ bệnh kịp thời.
UBND tỉnh Bình Dương đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tổ chức thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo (định kỳ, bổ sung), bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn chó, mèo nuôi được thống kê trong giai đoạn năm 2023 - 2025, từ 80% trở lên trong giai đoạn năm 2026 - 2030. Tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại; rà soát, tổ chức xây dựng và duy trì các vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025, trên 80% trong giai đoạn 2026 - 2030; xây dựng được thêm ít nhất hai vùng an toàn bệnh dại cấp huyện; 100% huyện, thành phố có điểm tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại cho người; 100% số người tiêm vaccine phòng bệnh dại do động vật cắn được báo cáo qua Hệ thống báo cáo quốc gia.
Theo các chuyên gia y tế, người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y; quá trình nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm, không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo. Đặc biệt, khi bị chó, mèo cắn, người dân cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút, nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn i-ốt, hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Người bị động vật cắn cần kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.
Những gia đình có trẻ nhỏ cần hướng dẫn cho trẻ cách phòng tránh chó, mèo cắn, thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn…
Bé 45 ngày tuổi gặp nguy hiểm do rối loạn chuyển hóa acid béo
Mới đây, Khoa Sơ sinh BVĐK Đức Giang đã tiếp nhận một trẻ sinh non 34 tuần, cân nặng 1.900g bị nhiễm khuẩn huyết, suy hô hấp độ 3, hạ đường huyết nghi ngờ đợt cấp của rối loạn chuyển hoá acid béo.
Các bác sĩ Khoa Sơ sinh, BVĐK Đức Giang đã tiếp nhận trẻ có tiền sử đẻ non 34 tuần, cân nặng 1.900g đã từng điều trị nhiễm khuẩn huyết, hạ đường huyết dai dẳng ở bệnh viện Nhi Trung Ương mới ra viện 30 ngày. Trẻ đang được điều trị ngoại trú rối loạn chuyển hóa bẩm sinh do thiếu hụt L- Carnitine tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Khi vào viện, trẻ li bì, da tái, nhịp thở chậm, có nhiều cơn ngừng thở dài, SpO2 70%, giảm trương lực cơ nặng, không sốt. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị nhiễm khuẩn huyết sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp độ 3, hạ đường huyết nghi ngờ đợt cấp của rối loạn chuyển hóa acid béo.
Ngay sau đó, trẻ đã được điều trị tích cực. Các kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ mắc cúm A, viêm phổi do Klebsiella, suy chức năng gan, hạ đường máu, các xét nghiệm về chuyển hóa đều cao. Trẻ xuất hiện sốt tăng dần sau 6 giờ vào viện. Sau 24 giờ trẻ tỉnh, trương lực cơ khá, trẻ đc rút ống nội khí quản, tiếp tục thở máy không xâm nhập, dừng thuốc vận mạch sau 2,5 ngày.
BS CKII Vũ Thị Thu Nga, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, sau 1 tuần điều trị, hiện tại trẻ vẫn thở máy ko xâm nhập, chỉ số máy thở thấp, tình trạng sốt đã giảm, các xét nghiệm về chuyển hóa đã đỡ hơn. Từ ngày thứ 3 trẻ được ăn sữa công thức đặc biệt dành riêng cho trẻ rối loạn acid béo, kèm truyền dịch hỗ trợ.
Theo BS Nga, rối loạn chuyển hóa axit béo là một hội chứng có tính di truyền trong gia đình. Triệu chứng của bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đôi khi gặp ở người trưởng thành nhưng rất hiếm. Khi bệnh nhân bị nhiễm trùng, ngộ độc thức ăn, mắc một bệnh nào đó hoặc nhiễm trùng thì có thể khởi phát triệu chứng của bệnh như: Buồn ngủ, sốt, quấy khóc, thay đổi hành vi, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, giảm vị giác, mất cảm giác ở cánh tay và chân, đau cơ, chuột rút, yếu toàn thân, nồng độ đường huyết thấp, suy giảm thị lực.
Rối loạn chuyển hóa axit béo ảnh hưởng tới khả năng phân giải mỡ ở trẻ sơ sinh. Thông thường, cơ thể sẽ chuyển hóa glucose từ tinh bột và đường để tạo ra năng lượng cho các hoạt động sống và khi nguồn năng lượng này bị cạn kiệt thì cơ thể sẽ sử dụng nguồn năng lượng dự trữ từ chất béo. Tuy nhiên, khi trẻ mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa axit béo thì chúng sẽ không thể sử dụng được chất béo để sản sinh năng lượng. Do đó, nồng độ đường huyết của trẻ mắc bệnh luôn ở mức thấp và máu tích lũy nhiều chất độc hại.
Theo các bác sĩ, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh là bệnh di truyền trên gen lặn, do đó, bố hoặc mẹ hoặc cả hai đã mang gen lặn gây bệnh này nhưng vẫn bình thường, hoàn toàn không có biểu hiện bệnh. Chính vì vậy, bệnh không có cách phòng ngừa. Tuy nhiên, một số lưu ý sau có thể làm giảm khả năng sinh con bị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh: Không kết hôn cận huyết; Khám sức khỏe định kỳ và kiểm tra di truyền trước hôn nhân; Lên kế hoạch mang thai và thực hiện chẩn đoán sàng lọc trước sinh tại các cơ sở y tế uy tín; Thực hiện sàng lọc sơ sinh cho trẻ khi mới được sinh ra; Thông báo cho bác sĩ nếu mẹ có các yếu tố nguy cơ sinh con bị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh.
Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa là 1:2.000 và bệnh có thể khả năng gây tử vong cao sau khi trẻ bú sữa mẹ hoặc uống các loại sữa bột thông thường.
Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh diễn biến rất nhanh và dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh khác, đặc biệt là nhiễm trùng sơ sinh. Mặt khác bé có thể mắc bệnh khi bố và mẹ đều không có biểu hiện bệnh. Bệnh không thể được chẩn đoán khi còn trong bụng mẹ và chỉ phát bệnh khi bé phải tự chuyển hóa thức ăn cho cơ thể, do đó, đây là một căn bệnh nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh.
Trong trường hợp trẻ được phát hiện và điều trị sớm, bé có thể tránh được các biến chứng nguy hiểm nhưng quá trình này có thể kéo dài suốt cả cuộc đời.
Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ nên được sàng lọc và chẩn đoán rối loạn chuyển hóa bẩm sinh trước khi xuất hiện các triệu chứng. Điều này sẽ tăng tỷ lệ cứu sống và phát triển bình thường là 80%.
Theo BS Nga, hiện tại, sau 7 năm với sự phối hợp của BV Nhi Trung ương và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, hàng năm khoa Sơ sinh đã làm vài nghìn xét nghiệm sàng lọc gót chân để phát hiện sớm 58 bệnh rối loạn chuyển hóa cho trẻ sơ sinh. Với trường hợp này, bé đã được theo dõi rối loạn ngay sau sinh nên việc theo dõi và chẩn đoán điều trị bệnh được kịp thời.
Hà Nội đã ghi nhận 32 trường hợp mắc ho gà
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua (từ ngày 22 đến 29-3), trên địa bàn thành phố có thêm 7 trường hợp mắc ho gà, rải rác tại 5 quận, huyện: Cầu Giấy, Đông Anh, Hà Đông, Nam Từ Liêm và Phúc Thọ. Số ca mắc trong tuần qua giảm 1 trường hợp so với tuần trước đó.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 32 trường hợp mắc ho gà tại 16 quận, huyện; trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh.
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, số ca mắc ho gà tiếp tục ghi nhận rải rác, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Cụ thể, phần lớn bệnh nhân là trẻ em dưới 3 tháng tuổi (chiếm tỷ lệ 65,6%); chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (chiếm tỷ lệ 71,8%).
Đề cập đến việc nhiều bệnh nhân mắc ho gà khi chưa đến tuổi tiêm chủng, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, bình thường trẻ em trước độ tuổi tiêm chủng thường có miễn dịch phòng bệnh ho gà từ mẹ. Tuy nhiên, do miễn dịch cộng đồng giảm, người mẹ cũng không được tiêm đủ mũi nên làm giảm khả năng chống chọi bệnh ở trẻ.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), từ đầu năm đến nay, ghi nhận khoảng 40 trường hợp mắc ho gà, chủ yếu là trẻ dưới 3 tháng tuổi, ở lứa tuổi chưa tiêm phòng hoặc vừa tiêm mà chưa tạo được miễn dịch.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, với những trẻ nhỏ mắc ho gà chưa đến tuổi tiêm phòng điều trị tại đây, phần lớn người mẹ chưa có kháng thể để bảo vệ trẻ. Nếu được tiêm đầy đủ thì người mẹ cũng có kháng thể, bảo vệ được con khi chưa đến tuổi tiêm phòng. Ngoài ra, tại bệnh viện cũng ghi nhận một vài ca bệnh lớn tuổi tuy đã tiêm phòng đủ các mũi cơ bản nhưng vẫn bị ho gà do chưa được tiêm mũi nhắc lại.
Theo bác sĩ Phan Nguyễn Trường Giang, Hệ thống tiêm chủng VNVC, ho gà ở trẻ em là bệnh nhiễm trùng hệ hô hấp do vi khuẩn Bordetella Pertussis gây ra. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin ho gà và trẻ em từ 11 đến 18 tuổi có hệ miễn dịch đã bắt đầu suy giảm.
Ho gà ở trẻ em là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, thường diễn biến rất phức tạp và gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Điều đáng nói là bệnh có thể gây biến chứng viêm phế quản - phổi, viêm phổi… và là nguyên nhân của nhiều ca tử vong ở trẻ hằng năm.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly với những trẻ khác và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị càng sớm càng tốt.
Khi trẻ bị ho gà, nên cho nghỉ ngơi đầy đủ để tăng cường hệ miễn dịch và nhanh chóng hồi phục. Ngoài ra, bảo đảm cho trẻ uống đủ nước, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe và miễn dịch. Mặt khác, để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn, cần thường xuyên vệ sinh cá nhân cho trẻ, vệ sinh đồ chơi, quần áo và bảo đảm môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát.
Để phòng ngừa bệnh ho gà, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cần thực hiện đúng và đầy đủ khuyến cáo về tiêm phòng vắc xin ho gà mũi 1 lúc trẻ 2 tháng tuổi, mũi 2, 3, 4 lần lượt khi trẻ được 3 tháng, 4 tháng và 18 tháng tuổi.
T.M (tổng hợp)