Tin tức Đời sống 12/4: Loại rau quả có nguy cơ cao nhiễm hóa chất vĩnh cửu tại Anh
Tin tức Đời sống 12/4: Loại rau quả có nguy cơ cao nhiễm hóa chất vĩnh cửu tại Anh
Chế độ ăn cho người bệnh rối loạn nhịp tim
ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền - Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8 cho biết: "Rối loạn nhịp tim là tình trạng bất thường về mặt tạo nhịp hoặc bất thường về mặt dẫn truyền điện học trong buồng tim. Sự bất thường này sẽ gây ra tình trạng nhịp tim quá nhanh, quá chậm hoặc đập không đều. Bình thường, nhịp tim sẽ rơi vào khoảng 60-80 lần/phút. Nếu nhịp tim trên 100 lần/phút được gọi là nhịp nhanh. Và dưới 60 lần/phút được gọi là nhịp chậm".
Rối loạn nhịp tim là do các vấn đề với hệ thống điện của tim, hệ thống này kiểm soát tốc độ và nhịp điệu của nhịp tim. Trong rối loạn nhịp tim, rối loạn nhịp nhanh thường gây nguy hiểm hơn cho người bệnh. Tất cả các vấn đề về rối loạn nhịp tim đều ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, đối với những trường hợp rối loạn nhịp tim nặng, tim ngừng đập sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi và xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào.
Chế độ ăn uống đóng một vai trò trong việc kiểm soát chứng rối loạn nhịp tim, tác động của nó thay đổi tùy theo loại rối loạn nhịp tim. Khi được chẩn đoán mắc rối loạn nhịp tim, bạn cần theo dõi những gì mình ăn và điều chỉnh chế độ ăn uống của mình giúp ổn định nhịp tim.
Một số loại thực phẩm, chẳng hạn như caffeine hoặc rượu, có khả năng kích hoạt rối loạn nhịp tim. Quá nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp và huyết áp cao cũng có thể làm cho các triệu chứng rối loạn nhịp tim khó kiểm soát hơn, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Theo BS. Nguyễn Thu Huyền, để phòng ngừa bệnh tim mạch, mọi người cần chú ý chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý. Chế độ ăn uống cần bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin A, vitamin D, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, thịt trắng... Hạn chế các đồ ăn nhiều chất béo bão hòa (mỡ, lòng đỏ trứng...). Lựa chọn chế độ ăn nhạt, hạn chế muối, mì chính, hạt nêm, đường tinh luyện...
Khi nói đến việc kiểm soát chứng rối loạn nhịp tim, việc lựa chọn chế độ ăn uống thông minh chính là yếu tố thay đổi quan trọng hướng tới sức khỏe tim mạch tốt hơn. Chế độ ăn uống hàng ngày là một công cụ mạnh mẽ để điều chỉnh nhịp tim và giảm tác động của chứng rối loạn nhịp tim.
Chế độ ăn uống lành mạnh cho tim có thể giúp điều chỉnh nhịp tim bằng cách giảm viêm và cải thiện sức khỏe tim mạch tổng thể. Điều này đạt được thông qua việc bổ sung các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng không chỉ hỗ trợ nhịp tim ổn định mà còn tăng cường khả năng phục hồi của tim trước những nhịp đập không đều.
Duy trì cân bằng điện giải bằng thực phẩm giàu kali và magie là rất quan trọng, đồng thời nên hạn chế hoặc tránh dùng caffeine, rượu và natri dư thừa. Acid béo omega-3 từ các nguồn như cá béo có thể làm giảm nguy cơ viêm nhiễm và rối loạn nhịp tim. Tuân thủ các chế độ ăn có lợi cho tim (ví dụ: Địa Trung Hải, DASH), tập trung vào trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, chất béo lành mạnh. Kiểm soát cân nặng thông qua chế độ ăn kiêng và tập thể dục là rất quan trọng, do béo phì có vai trò gây ra nguy cơ rối loạn nhịp tim.
Danh sách các loại rau quả có nguy cơ cao nhiễm hóa chất vĩnh cửu
Một chương trình xét nghiệm của Chính phủ Anh đã kiểm tra các sản phẩm tươi sống được bán ở Anh, một số nhập khẩu từ nước ngoài. Theo đó, 95% dâu tây có chứa hóa chất vĩnh cửu (PFAS). Một số thực phẩm khác chứa chất độc bao gồm nho (61%), cherry (56%), cải bó xôi (42%), cà chua (38%) và đào (38%).
Hóa chất PFAS được sử dụng trong thuốc trừ sâu và đồ gia dụng như chảo chống dính, quần áo, mỹ phẩm, bao bì và bọt chữa cháy.
PFAS là một họ gồm hơn 10.000 hóa chất. Một số có thể không bao giờ phân hủy khi ở môi trường bình thường hoặc cơ thể chúng ta. Nếu chỉ tồn tại ở lượng nhỏ, PFAS sẽ không hại cho sức khỏe.
Khi dư lượng đủ lớn, PFAS có liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm ung thư, cholesterol cao, giảm chức năng thận, gây bệnh tuyến giáp, suy giảm khả năng sinh sản, ức chế hệ miễn dịch và sinh ra trẻ nhẹ cân. Người ta cũng lo ngại các hóa chất đó sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển hành vi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Nick Mole, từ Mạng lưới Hành động Thuốc trừ sâu Vương quốc Anh (Pan UK), cho biết: “Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy PFAS liên quan các bệnh nghiêm trọng như ung thư. Điều đáng lo ngại là người tiêu dùng Anh không còn lựa chọn nào khác, một số hóa chất có thể còn tồn tại lâu dài trong cơ thể họ”.
Một số bao bì thực phẩm bằng nhựa cũng nhiễm PFAS và PFAS có trong đất, nước uống ở Vương quốc Anh. "Chúng ta cần phải hiểu rõ hơn về những rủi ro sức khỏe khi hấp thụ hóa chất vĩnh cửu này và làm mọi thứ có thể để loại trừ chúng khỏi chuỗi thức ăn”, vị chuyên gia trên chia sẻ.
Dấu vết của PFAS được tìm thấy trong hầu hết các nguồn nước. Nghiên cứu của Đại học New South Wales (Austrlia) cho thấy 69% mẫu nước ngầm toàn cầu vượt quá giới hạn an toàn.
Có 25 loại thuốc trừ sâu PFAS đang được sử dụng ở Anh, 6 trong số đó thuộc nhóm “rất nguy hiểm”. Pan UK đang kêu gọi chính phủ cấm những loại đó và hỗ trợ nông dân tìm giải pháp thay thế an toàn hơn.
Năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố PFOA, một loại PFAS, là chất gây ung thư loại một ở người. Các chuyên gia bày tỏ mối lo ngại đặc biệt khi trẻ em tiếp xúc với các hóa chất trên vì có liên quan đến sự chậm phát triển, thay đổi hành vi và dậy thì nhanh.
Tiến sĩ Shubhi Sharma, thuộc Tổ chức CHEM Trust (bảo vệ con người và thế giới hoang dã khỏi hóa chất độc hại), cho biết: “PFAS là một nhóm hóa chất hoàn toàn do con người tạo ra, không tồn tại trên hành tinh cách đây một thế kỷ nhưng hiện đã làm ô nhiễm mọi ngóc ngách. Giờ chúng ta phải sống với tàn dư độc hại này trong nhiều thập kỷ tới. Điều ít nhất chúng ta có thể làm là cấm sử dụng PFAS”.
Sớm có chế tài kiểm soát thuốc lá điện tử
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2020 về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội, riêng đối với phụ nữ và trẻ em gái, có tới 8% phụ nữ và trẻ em gái hút thuốc lá điện tử (TLĐT) trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ chỉ có 1,5%. Hút TLĐT ở trẻ em gái độ tuổi vị thành niên, thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ gây ra các hệ lụy về sức khỏe sinh sản và chất lượng giống nòi.
BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, hầu như ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc TLĐT, trong đó có nhiều ca ngộ độc ma túy trộn trong TLĐT. Bệnh nhân hầu hết là thanh thiếu niên, nhập viện với biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, loạn thần, hôn mê, tổn thương não và nhiều cơ quan khác, để lại di chứng nặng nề với sức khỏe.
Cho tới nay, ước tính có ít nhất khoảng 20.000 hóa chất hương liệu và các chất phụ gia khác trong TLĐT. Đây là các chất nguyên bản, đồng thời khi được nung nóng ở các nhiệt độ khác nhau mỗi chất sẽ tạo ra các sản phẩm cháy là các hóa chất khác nhau mà chúng ta không thể biết trước được.
Theo BS Nguyên, TLĐT còn được cho là nguyên nhân gây ra một căn bệnh cấp tính mới lần đầu tiên con người biết đến, đó là tổn thương phổi cấp do TLĐT. Thời gian qua có không ít thanh thiếu niên mắc bệnh này đến cấp cứu tại Trung tâm. Đáng lưu ý, rất nhiều hóa chất trong hơi TLĐT được chứng minh gây hại cho sức khỏe, gây ra các bệnh ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ho, hen, nhồi máu cơ tim, tổn thương mạch máu, giảm miễn dịch, gây tổn thương ADN là các phân tử di truyền, tăng nguy cơ đái đường, bệnh tim mạch… Các hóa chất này gây nên các bệnh còn phức tạp hơn nhiều so với thuốc lá thông thường và hầu hết là các căn bệnh mới. Hàm lượng nicotine trong TLĐT thậm chí cao gấp rất nhiều lần so với thuốc lá truyền thống, đây là nicotine dạng hóa chất tổng hợp, ở dạng bột nicotine hàm lượng gần như nguyên chất, được bào chế dưới dạng làm cho êm dịu khi hít, nên người dùng sẽ dễ dàng hít với lượng lớn, nhanh chóng bị ngộ độc và sớm nghiện.
Mới đây, tại cuộc họp họp báo cáo công tác quản lý nhà nước đối với thuốc lá mới, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị, ban soạn thảo rà soát lại các nội dung và hoàn thiện trước khi trình lên Chính phủ, dựa vào ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và chỉ đạo của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về việc triển khai hoạt động này; báo cáo về các nội dung về thực trạng sử dụng, tác hại của thuốc lá mới, các vấn đề sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên, vấn đề xử lý vi phạm, những khó khăn vướng mắc trong quản lý nhà nước và tổ chức triển khai thực hiện liên quan đến các bộ, ngành; hệ thống văn bản pháp luật cần phân tích rõ là Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã tính đến những đối tượng này chưa và có thể áp dụng cho các đối tượng này không. Phải có đủ căn cứ để trình ban hành Nghị quyết về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng đề nghị ban soạn thảo cần xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan; Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung thông tin liên quan đến tác hại của thuốc lá mới đối với thanh thiếu niên và học sinh, sinh viên. Từ đó Bộ Y tế có căn cứ sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ.
T.M (tổng hợp)