Tin tức Đời sống 11/1: Nhiễm ấu trùng sán dây chó vì món ăn nhiều người thích mê

Chia sẻ Facebook
12/01/2024 05:00:47

Cập nhật tin tức đời sống ngày 11/1: Người đàn ông nhiễm ấu trùng sán dây chó ký sinh tại phổi; Căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em...

Người đàn ông nhiễm ấu trùng sán dây chó ký sinh tại phổi

Ngày 11/1, theo tin từ Bệnh viện trung ương Quân đội 108, tại đây vừa tiếp nhận nam bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán dây chó sống ký sinh ở phổi. Đây là một trường hợp hiếm gặp tại Việt Nam.

Theo đó, nam bệnh nhân 38 tuổi xuất hiện tình trạng mệt mỏi, đau vùng ngực phải âm ỉ, thỉnh thoảng khó thở. Tại bệnh viện, anh được chụp phim lồng ngực, phát hiện có tổn thương dạng nang thùy dưới phổi phải và được chỉ định phẫu thuật cắt nang dịch.

Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi lồng ngực, cắt nang dịch cho bệnh nhân. Nang dịch này có kích thước lớn tới 12x9x8 cm. Thành nang dày, có dịch bên trong.

Đặc biệt, các bác sĩ phát hiện bên trong có chứa các đầu sán nằm ở thùy dưới phổi phải. Bệnh phẩm được gửi soi tươi xác định có ấu trùng sán dây chó.

Khai thác tiền sử, trước đó, bệnh nhân thường hay ăn các thực phẩm tái hoặc sống như thịt cừu nướng chưa chín, tiết canh dê, rau sống và gỏi cá.

Các bác sĩ cho biết, bệnh sán dây chó là bệnh gây ra bởi các loài sán thuộc giống Echinococcus. Sán có vật chủ chính là chó nuôi, chó hoang... Vật chủ trung gian là loài động vật ăn cỏ, đặc biệt là cừu.

Bệnh do ấu trùng sán dây chó có biểu hiện lâm sàng phụ thuộc vào loài sán dây chó bị nhiễm. Bệnh có đặc điểm là phát triển chậm, trong một thời gian dài có thể hoàn toàn không có triệu chứng. Các nang sán hay gặp ở gan, sau đó là phổi và các cơ quan khác như thận, lách, tim, tổ chức thần kinh hoặc xương.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng, Khoa Ngoại lồng ngực (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) khuyến cáo, người dân cần tuân thủ việc ăn chín, uống sôi và một số biện pháp dự phòng bệnh sán dây chó ở người bằng cách tránh tiếp xúc phân chó, rửa tay sạch sẽ, tẩy sán định kỳ cho đàn chó có nguy cơ cao...

Khi có các biểu hiện nghi ngờ như sốt nhẹ, mệt mỏi, ăn kém, vàng da, mẩn ngứa, đau ngực, khó thở, ho dai dẳng, đôi khi ho máu..., người dân cần đi khám ngay để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em

Đại tá Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết nhóm tuổi có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khi thời tiết giao mùa đa số là trẻ nhỏ.

Trong các bệnh truyền nhiễm, viêm màng não do não mô cầu là bệnh cấp tính, nguy hiểm lây qua đường hô hấp, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra.

Bệnh viêm màng não do não mô cầu lây qua đường hô hấp hay qua những giọt nước nhỏ được bài tiết ở đường hô hấp của người bệnh truyền sang người khác. Do vậy, bệnh có thể gây thành dịch.

Để hạn chế dịch bùng phát, đại tá Mạnh khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Đồ chơi, dụng cụ của trẻ cũng cần được sát trùng.

Trẻ em là nhóm dễ bị viêm màng não khi thời tiết giao mùa (Ảnh minh hoạ: Shutterstock).

TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết viêm màng não do khuẩn não mô cầu nằm trong nhóm 26 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được giám sát tại Việt Nam.

Trong 8 giờ đầu nhiễm bệnh, trẻ có biểu hiện sốt, cáu gắt, buồn nôn hoặc nôn, buồn ngủ, chán ăn, sổ mũi, đau nhức khắp người. Việc nhận diện bệnh trong giai đoạn này rất khó khăn vì dấu hiệu mơ hồ.

8-15 giờ sau, trẻ phát ban nhiều hơn, xuất huyết, cứng cổ và sợ ánh sáng. Sau 16-24 giờ, trẻ hôn mê hoặc mê sảng, co giật, mất ý thức và có thể tử vong.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ. Nếu nghi ngờ bị bệnh, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến trạm y tế gần nhất để điều trị. Đối với những người tiếp xúc gần với người bệnh, cần được theo dõi và dùng kháng sinh dự phòng bằng đường uống.

Trẻ em nên tránh xem màn hình điên tử cho đến 3 tuổi

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Drexel phát hiện ra rằng, trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi đã sử dụng màn hình điện tử có nhiều khả năng biểu hiện các hành vi cảm giác không điển hình liên quan đến rối loạn phát triển thần kinh như chứng tự kỷ và rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD).

Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về thói quen xem tivi và xem phim của 1.471 trẻ dưới 2 tuổi. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những đứa trẻ 1 tuổi được cho xem màn hình có khả năng gặp các vấn đề về xử lý giác quan cao hơn 105% khi 33 tháng tuổi.

Những đứa trẻ này có nhiều khả năng phát triển các hành vi thiếu tập trung hoặc tỏ ra thiếu hứng thú với các hoạt động, phản ứng chậm với các kích thích, tìm kiếm sự kích thích mạnh mẽ hơn từ môi trường hoặc cảm thấy choáng ngợp trước những cảm giác như âm thanh lớn hoặc ánh sáng chói.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, thời gian trẻ được phép xem màn hình và độ tuổi của trẻ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của chúng. Mỗi giờ sử dụng màn hình hàng ngày làm tăng nguy cơ trẻ có biểu hiện các vấn đề về giác quan lên 23% sau 18 tháng, nhưng giảm xuống 20% ​​sau 24 tháng.

Nghiên cứu mới này cũng cho thấy một số tác động đáng lo ngại có thể liên quan tới thời gian trẻ sử dụng thiết bị điện tử bao gồm chậm ngôn ngữ, các vấn đề liên quan đến hành vi, khó ngủ và khó khăn trong việc giải quyết vấn đề.

Các chuyên gia kết luận rằng, không nên cho trẻ dưới 3 tuổi xem màn hình điện tử và trẻ từ 3 đến 5 tuổi chỉ nên xem màn hình một giờ mỗi ngày.

Tác giả nghiên cứu cao cấp, Tiến sĩ David Bennett, giáo sư tâm thần học của Drexel, cho biết trong một tuyên bố: “Việc đào tạo và giáo dục cha mẹ là chìa khóa để giảm thiểu hoặc thậm chí giúp trẻ tránh được việc xem màn hình khi dưới hai tuổi”.


T.M (tổng hợp)

Chia sẻ Facebook