Tin tức Đời sống 10/11: Bệnh nhân suy thận mạn tính ngày càng trẻ hóa

Chia sẻ Facebook
11/11/2023 04:01:23

Tin tức Đời sống 10/11: Bệnh nhân suy thận mạn tính ngày càng trẻ hóa

Bệnh nhân suy thận mạn tính ngày càng trẻ hóa

Theo thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lý về thận và mỗi năm, bệnh lý này cướp đi mạng sống của 5 - 10 triệu người trên toàn thế giới. Đáng chú ý, những con số này được dự đoán sẽ ngày một tăng cao. Ước tính đến năm 2030, có đến 5,2 triệu người mắc bệnh thận và cần được chạy thận nhân tạo.

Trong khi đó, tại nước ta, thông tin từ Hội Lọc máu Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm.

TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam đánh giá, hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh lý về thận ngày càng gia tăng, trong khi đó, nguy cơ mắc bệnh không phân biệt lứa tuổi và giới tính. Tình trạng bệnh nhân suy thận mạn đang ngày càng trẻ hóa, số người cần phải lọc máu tiếp tục có xu hướng tăng là thách thức không nhỏ cho ngành lọc máu Việt Nam. Đặc biệt, bệnh thận thường diễn tiến âm thầm, rất khó phát hiện khiến phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện đều đã đến giai đoạn nặng.

BS Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu (Bệnh viện đa khoa Đức Giang) cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng lên khoảng 5-10%.

BS Trịnh Thị Thanh Hằng - Phó trưởng khoa Thận tiết niệu - lọc máu, (Bệnh viện Hữu Nghị) lý giải: Suy thận là hậu quả của rất nhiều bệnh. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh suy thận ngày càng gia tăng là các bệnh lý chuyển hóa ngày càng nhiều, trong đó có đái tháo đường, tăng huyết áp, gout… Bên cạnh đó, còn do thói quen sử dụng thuốc không hợp lý như thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh. Đặc biệt là các trường hợp bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, không theo chỉ định của bác sĩ, thực phẩm chức năng hầu hết là do bệnh nhân tự ý sử dụng.

Ngoài ra, còn có bệnh lý đường tiết niệu dẫn tới suy thận như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi tiết niệu. Một số bệnh lý di truyền như thận đa nang, bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, bệnh lý cầu thận… Lối sống không lành mạnh, như ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng, lạm dụng chất kích thích, ít vận động… cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng trẻ hóa bệnh lý suy thận.

Đáng lo ngại hơn khi triệu chứng của bệnh suy thận mạn giai đoạn đầu thường mơ hồ, không có các biểu hiện rõ ràng, dễ bị bỏ qua, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể. Khi bệnh xuất hiện những biểu hiện lâm sàng rõ rệt thì bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối của suy thận, phải chỉ định lọc máu cấp cứu và chu kỳ, nếu không được chạy thận nhân tạo (lọc máu) sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và thậm chí là ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh.

Các bác sĩ khuyến cáo, yếu tố di truyền hay các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, thận đa nang, nhiễm khuẩn, bệnh tự miễn... nếu không được quan tâm, điều trị sẽ dẫn tới suy thận mạn.

Với người có bệnh lý nền, cần được thăm khám, điều trị ổn định. Mọi người cũng cần đi kiểm tra định kỳ để tầm soát bệnh suy thận mạn, phát hiện sớm sẽ giúp có biện pháp dự phòng và điều trị để làm chậm tiến triển của bệnh.

Khối u to như quả bưởi do tự điều trị ung thư vú

Bệnh viện K mới tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhân L.T.B (53 tuổi, quê Hải Phòng) bị ung thư vú.

Bà B đã phát hiện u vú trái từ giữa năm 2022, nhưng vì tâm lý lo lắng, sợ làm phiền người thân, sợ đi bệnh viện nên đã ở nhà tự điều trị thuốc nam với hy vọng có thể chữa được bệnh.

Tuy nhiên, sau một thời gian uống thuốc nam, khối u ngày càng to nhanh, lớn bằng quả bưởi, dọa vỡ bất cứ lúc nào. Kèm theo đó là cảm giác đau nhức liên tục, khiến bà B mệt mỏi, yếu đi nhanh chóng, đến khi không thể chịu nổi mới đồng ý đến bệnh viện.

Ngay khi nhập viện, bệnh nhân B được chẩn đoán là bệnh đã ở giai đoạn 4 phải điều trị ngay nếu không u sẽ ngày càng lớn, vỡ, ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ tử vong.

Bệnh nhân B phục hồi sau quá trình điều trị tại bệnh viện.

Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Tiến Giang - Phó Trưởng khoa Nội 6, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết: Bệnh nhân B đáp ứng điều trị khá tốt, tác dụng phụ được gia đình phối hợp quản lý chặt, khối u hoại tử và tiêu nhỏ đi nhanh chóng. Chỉ sau hơn 2 tháng điều trị tích cực, khối u gần như tiêu biến hoàn toàn, bệnh nhân B không còn bị những cơn đau đớn dày vò.

Còn theo Tiến sĩ - Bác sĩ Phùng Thị Huyền, Phó trưởng Tiểu ban điều trị ung thư vú - phụ khoa, Trưởng khoa Nội 6, phụ nữ khi mắc bệnh ung thư vú thường có rất nhiều cảm xúc tiêu cực. Phần lớn họ cảm thấy hoài nghi, lo lắng, sợ hãi đau buồn hoặc phiền muộn. Một số khác sẽ giận dữ và trầm cảm và không ít bệnh nhân nghĩ rằng ung thư là bản án tử hình, cảm thấy bất lực trước thực tế khách quan. Nhiều người bệnh sợ làm phiền người thân, gia đình, tâm lý muốn giấu bệnh, cảm xúc cô đơn sợ hãi ngày càng lấn át.

"Nhìn chung, những cảm xúc và phản ứng này không tốt cho sức khỏe, có thể là lý do trì hoãn việc điều trị, khiến người bệnh đến với thầy thuốc ở thời điểm muộn. Gia đình, bạn bè và nhân viên y tế đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ bệnh nhân đối mặt với ung thư. Họ có thể giúp người bệnh nhận ra cần phải đi thăm khám để nhận được liệu pháp điều trị cần thiết", bác sĩ Huyền nói.

Hơn 90% các trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do hút thuốc lá

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong và đứng thứ 5 về gánh nặng bệnh tật toàn cầu.

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh khá cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Bác sĩ Vũ Văn Thời - khoa Nội, Can thiệp Tim mạch Tim mạch – Hô hấp, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh COPD là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm chức năng thông khí ở phổi.

Bệnh COPD được chia làm hai dạng, bao gồm:

Viêm phế quản mạn tính: Là tình trạng lớp niêm mạc của các ống phế quản bị viêm. Lớp lót trong các ống phế quản phổi bị sưng tấy, đỏ và chứa đầy các chất nhầy. Các chất nhầy này là nguyên nhân gây hẹp đường thở.

Khí phế thũng: Bệnh khí phế thũng gây ra tình trạng khó thở do các túi phổi bị tổn thương lâu ngày khiến các túi phổi bị suy yếu và vỡ ra gây giảm diện tích bề mặt phổi, giảm lượng oxy đi vào máu.

Hình ảnh tổn thương phổi trong COPD.

Có 2 yếu tố có thể là nguyên nhân bệnh COPD.

Các yếu tố nội tại bao gồm: Tình trạng thiếu hụt, khuyết tật về gen như thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin.

Các yếu tố do ô nhiễm môi trường: Khói thuốc lá, thuốc lào, khí thải, khí độc công nghiệp… Hút thuốc lá chiếm hơn 90% các trường hợp mắc bệnh. Khoảng 20-30% số người hút trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có các biểu hiện sớm hoặc muộn của COPD.

Bệnh COPD đợt cấp do tiếp xúc bụi nghề nghiệp xảy ra ở khoảng 10% các trường hợp. Thợ mỏ, công nhân xây dựng, thợ dệt, công nhân làm việc tại các xưởng luyện kim, nông dân là những người thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố kích thích phế quản dẫn tới nguy cơ cao mắc bệnh.

Các yếu tố gây bệnh bao gồm: Khí độc, xi măng, các sản phẩm than đá, bụi silic và các chất kích thích sử dụng trong nông nghiệp.

Các yếu tố khác như nhiễm độc không khí không phải là nguyên nhân trực tiếp, tuy nhiên cũng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bệnh bao gồm: Chứa yếu tố làm bệnh nặng lên về lâu dài và tăng nguy cơ tử vong ở những người suy hô hấp nặng.


T.M (tổng hợp)

Chia sẻ Facebook