Tin thế giới 2-7: Tướng quyền lực của Cuba qua đời; New York cấm súng ở 'điểm nhạy cảm'
Tướng Cuba Lopez-Calleja qua đời; Mỹ gửi hệ thống NASAMS cho Ukraine; Na Uy hỗ trợ 1,04 tỉ USD cho Ukraine, các hãng hàng không Trung Quốc mua gần 300 máy bay Airbus... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 2-7.
* Tướng Luis Alberto Rodriguez Lopez-Calleja, một trong những người đàn ông quyền lực nhất Cuba, đã qua đời sau cơn đau tim ngày 1-7 , để lại một vị trí lãnh đạo quan trọng về kinh tế và chính trị trong chính quyền Havana, Hãng tin Reuters đưa tin.
Ông Lopez-Calleja, 62 tuổi, từng kết hôn với cô con gái tên Deborah của cựu lãnh đạo Cuba Raul Castro. Truyền thông Cuba thương tiếc về sự ra đi của tướng Lopez-Calleja, ca ngợi "thành tích xuất sắc của ông trong sự nghiệp phục vụ Tổ quốc và cách mạng Cuba".
* Ngày 1-7, các nhà lập pháp bang New York (Mỹ) bắt đầu sửa đổi luật súng đạn , cấm súng ở một loạt "các địa điểm nhạy cảm" sau khi Tòa án tối cao Mỹ nói các quy định cấp phép súng hạn chế của bang là vi hiến, theo Reuters.
Danh sách địa điểm nhạy cảm bao gồm quảng trường Thời đại, các tòa nhà chính phủ, cơ sở y tế, thư viện, công viên, vườn thú, trường học, trại hè, trung tâm cai nghiện, nơi tạm trú cho người vô gia cư, viện dưỡng lão, các phương tiện công cộng, nơi tiêu thụ thức uống có cồn, bảo tàng, nhà hát, sân vận động và những nơi khác, các điểm bầu cử.
* Ngày 1-7, Hãng thông tấn Tass dẫn nguồn tin cho biết 2 công dân Anh là Dylan Healy và Andrew Hill bị buộc tội có "các hoạt động đánh thuê" tại Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), một vùng lãnh thổ do phe ly khai ở miền đông Ukraine kiểm soát dưới sự hậu thuẫn của Nga. Cả hai đều từ chối hợp tác.
Trước đó, ngày 29-4, Bộ Quốc phòng Nga công bố một video cho thấy một người Anh bị thương bị bắt giữ tại Ukraine. Bộ cho biết người này là ông Andrew Hill. Đài BBC lúc đó dẫn lời tổ chức phi lợi nhuận Presidium Network cho biết ông Dylan Healy là một tình nguyện viên nhân đạo bị bắt giữ tại một chốt kiểm tra ở nam Ukraine.
Gia đình của họ cho biết họ ký hợp đồng chiến đấu cho quân đội Ukraine nên không phải là lính đánh thuê, mà là lính chính quy.
* Ngày 1-7, Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đang gửi cho Ukraine 2 hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS , 4 radar phản pháo bổ sung và tới 150.000 viên đạn pháo cỡ nòng 155mm, như một phần trong gói vũ khí mới nhất của họ cho Ukraine, theo Hãng tin AFP.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó đã công bố gói hỗ trợ 820 triệu USD dành cho Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Tây Ban Nha.
* Na Uy cam kết hỗ trợ 1 tỉ euro (1,04 tỉ USD) trong năm 2022 và 2023 để giúp Ukraine tự vệ , hỗ trợ những người gặp khó khăn và để tái thiết đất nước sau cuộc chiến với Nga.
* Ngày 1-7, ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc đã cam kết mua tổng cộng gần 300 máy bay Airbus , theo Reuters. Đây là đơn đặt hàng lớn nhất của các hãng hàng không Trung Quốc kể từ khi bùng phát COVID-19, và là bước đột phá lớn cho châu Âu khi Boeing (Mỹ) vẫn bị đóng băng một phần tại Trung Quốc.
Air China và China Southern Airlines cho biết sẽ mua mỗi hãng 96 máy bay A320 Neo trị giá 12,2 tỉ USD theo giá niêm yết. China Eastern Airlines nói sẽ mua 100 máy bay cùng loại, trị giá 12,8 tỉ USD.
* Ngày 1-7, có 15 nhân viên và cựu nhân viên Tesla đã đệ đơn kiện hãng sản xuất xe điện tử Mỹ , cáo buộc họ đã bị lạm dụng và phân biệt chủng tộc tại các nhà máy của công ty này.
Tesla đã không bình luận về vụ kiện mới nhất, theo Reuters. Công ty đang đối mặt với ít nhất 10 vụ kiện liên quan đến quấy rối tình dục hay phân biệt chủng tộc trên khắp nước Mỹ.
* Các nhân viên sân bay đã đình công tại sân bay quốc tế chính của Paris là Roissy-Charles de Gaulle , ngày 1-7, buộc sân bay phải hủy bỏ khoảng 10% chuyến bay và gây thêm gián đoạn cho các chuyến du lịch đầu mùa hè, theo Reuters.
Nhiều nhân viên mặt đất đã biểu tình trước một nhà ga để yêu cầu tăng lương nhằm giảm bớt gánh nặng của lạm phát cao, được thúc đẩy bởi nhu cầu đi lại bằng máy bay tăng cao và tình trạng thiếu nhân viên một phần do đại dịch COVID-19 gây ra.
Nhà điều hành sân bay ADP nói với Hãng Reuters rằng họ dự kiến có 100 chuyến bay bị hủy, gồm 50 chuyến đến và 50 chuyến khởi hành, trong ngày.
Chứng khoán Mỹ tăng trở lại
* Nửa cuối năm 2022 bắt đầu với việc thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm ngày 1-7, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh nhất kể từ khi COVID-19 tấn công thị trường chứng khoán vào tháng 3-2020, theo Hãng tin Reuters.
Giá đồng (copper) giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng qua.
Cổ phiếu thấp vào đầu phiên tại New York nhưng tăng ở cuối phiên và kết thúc ở mức cao hơn. Thị trường Mỹ sẽ đóng cửa ngày 4-7 để nghỉ lễ Quốc khánh.
Tại thị trường Mỹ ngày 1-7, chỉ số Dow Jones tăng 321,83 điểm, tức 1,05%, lên 31.097,26 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 39,95 điểm, tương đương 1,06%, lên 3.825,33 điểm và chỉ số Nasdaq tăng 99,11 điểm, hay 0,9%, lên 11.127,85 điểm.
Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI tăng 0,39%. Tại châu Âu, chỉ số STOXX giảm 0,02%.
Giá dầu thô Mỹ tăng 2,67 USD, lên mức 108,43 USD/thùng và giá dầu Brent tăng 2,6 USD, lên mức 111,63 USD/thùng.
Giá Bitcoin giảm 2,16% xuống còn 19.494,40 USD/Bitcoin.
Tokyo nóng quá!
Lễ kỷ niệm 25 năm Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc; Ba Lan lên án hành vi phá hoại các ngôi mộ; Nga sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phân bón cho các nước thân thiện... là một số tin thế giới đáng chú ý sáng 1-7.