Tin thế giới 1-7: Ông Tập sang Hong Kong rồi lại về, rồi lại sang; Hàn Quốc ký kết với NATO

Chia sẻ Facebook
01/07/2022 13:14:47

Lễ kỷ niệm 25 năm Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc; Ba Lan lên án hành vi phá hoại các ngôi mộ; Nga sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phân bón cho các nước thân thiện... là một số tin thế giới đáng chú ý sáng 1-7.

Một người đi xe đạp trong mưa bên dưới những lá cờ Trung Quốc và Hong Kong treo trên đường phố vào hôm 30-6, trước lễ kỷ niệm 25 năm Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc - Ảnh: REUTERS


* Ông Tập Cận Bình đi tàu cao tốc đến Hong Kong dự lễ kỷ niệm. Hôm nay (1-7) đánh dấu tròn 25 năm kể từ ngày Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ chủ trì lễ kỷ niệm này khi ông có chuyến thăm 2 ngày tại Hong Kong. Ông cũng sẽ dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lý Gia Siêu (John Lee).

"Sau những cơn bão, Hong Kong đã tái sinh từ ngọn lửa và trỗi dậy với sức sống mạnh mẽ" - ông Tập phát biểu khi đến Hong Kong bằng tàu cao tốc vào chiều 30-6.


Theo báo South China Morning Post , đi cùng ông Tập có phu nhân Bành Lệ Viên. Họ được đón tiếp với thảm đỏ, cờ, hoa, múa lân cùng dàn quan chức cấp cao Hong Kong vào hôm 30-6. Ông Tập đi tàu cao tốc từ TP Thâm Quyến sang Hong Kong, sau đó quay về Thâm Quyến nghỉ ngơi vào tối cùng ngày. Hôm nay 1-7, ông quay trở lại Hong Kong dự các hoạt động.


* Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo Tổng thống Yoon Suk Yeol đã gặp Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 30-6 để thảo luận các kế hoạch của Seoul về việc gia nhập thỏa thuận quan hệ đối tác mới với NATO, cũng như mở một phái bộ tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) .

Tại cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha), Tổng thống Yoon Suk Yeol và Tổng thư ký Stoltenberg đã đánh giá quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và NATO kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vào năm 2006.

Thông cáo của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc có đoạn: "Tổng thống Yoon bày tỏ hy vọng hợp tác song phương sẽ gia tăng sau khi ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác mới trong nửa cuối năm nay, cũng như liên lạc song phương sẽ được thể chế hóa hơn nữa sau khi Hàn Quốc mở phái bộ tại NATO".


* Ba Lan lên án hành vi phá hoại các ngôi mộ, yêu cầu chính quyền Belarus hỗ trợ. Hãng tin Reuters cho biết ngày 30-6, Ba Lan cáo buộc chính quyền Belarus tạo ra "bầu không khí khoan nhượng" đối với hành vi phá hoại các ngôi mộ của người Ba Lan, đồng thời yêu cầu Belarus trừng phạt các thủ phạm. Vụ việc này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Warsaw và Minsk.

Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết các thủ phạm không rõ danh tính gần đây đã phá hoại các bia mộ và công trình tưởng niệm của người Ba Lan ở một số địa điểm, chủ yếu ở tây Belarus - nơi từng là một phần của Ba Lan trước Thế chiến 2 và là nơi chôn cất nhiều binh sĩ Ba Lan.


Căng thẳng đang gia tăng giữa hai quốc gia láng giềng này liên quan đến cuộc khủng hoảng người di cư mà Liên minh châu Âu (EU) và Ba Lan cho rằng do Belarus gây ra - cáo buộc đã bị Minsk bác bỏ. EU cũng cáo buộc Belarus hỗ trợ Nga trong chiến dịch quân sự của Matxcơva ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp của họ ở Matxcơva, Nga vào ngày 30-6 - Ảnh: REUTERS


* Theo Hãng tin Tass, ngày 30-6, phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Matxcơva sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu phân bón của các nhà sản xuất nông nghiệp đến từ các nước nằm trong danh sách quốc gia thân thiện.


"Chúng tôi đã trao đổi về các vấn đề được cả thế giới và tất cả quốc gia quan tâm trong thời điểm hiện tại. Ý tôi là việc cung cấp thực phẩm và các hàng hóa nông nghiệp, trong đó có phân bón, cho thị trường toàn cầu" - ông Putin nói.


* Mỹ đàm phán thất bại tại Venezuela. Theo Hãng tin Reuters, các quan chức Mỹ cho biết một phái đoàn Mỹ do ông Roger Carstens, trưởng đoàn đàm phán về con tin của Tổng thống Joe Biden, dẫn đầu đã kết thúc chuyến thăm Venezuela vào ngày 30-6 sau khi không đạt được mục tiêu trả tự do cho bất kỳ người Mỹ nào bị giam giữ ở quốc gia Nam Mỹ này.


* Ngày 30-6, tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nhất trí Philippines và Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì và củng cố trật tự hàng hải dựa trên luật lệ. Ngoại trưởng Hayashi cho biết Nhật Bản sẽ ủng hộ nỗ lực của Manila trong việc cải tiến thiết bị của lực lượng bảo vệ bờ biển nước này.


* Trên kênh truyền hình Rossiya 24 , Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết các nước OPEC+ đã quyết định cùng nhau tăng sản lượng khai thác dầu trong tháng 8 lên 648.000 thùng/ngày.

Tắm bùn mừng vụ mới

Một người nông dân trầm mình trong bùn giữa đồng trong Ngày lúa quốc gia của Nepal - thời điểm mở đầu cho mùa vụ mới. Hình chụp ở làng Tokha, ngoại ô thủ đô Kathmandu - Ảnh: AFP

Chính quyền Paris đặt tên phi công Đỗ Hữu Vị cho một quảng trường; Ông Putin nói "không có vấn đề gì" nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO; Nga trao trả tù binh là lính tiểu đoàn Azov... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 30-6.

Chia sẻ Facebook