Tin sáng 8-7: Khuyến cáo người dân không làm hộ chiếu nhanh thông qua 'cò mồi'

Chia sẻ Facebook
08/07/2022 13:45:12

Bảo tồn văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch; Bị phạt đến 3 triệu đồng nếu đốt phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu dân cư, các tuyến giao thông chính; Phim Thor, tình yêu và sấm sét ra mắt khán giả Việt... là một số tin đáng chú ý.

Người dân ùn ùn đi làm hộ chiếu mẫu mới - Ảnh: ĐAN THUẦN

Công an TP.HCM khuyến cáo người dân không làm hộ chiếu nhanh thông qua "cò mồi"


"Lợi dụng tình trạng người dân xếp hàng để nộp hồ sơ cấp phát hộ chiếu đông, nhiều đối tượng "cò mồi" đã dụ dỗ, lôi kéo người dân trả tiền để được cấp hộ chiếu nhanh. Trên thực tế, những đối tượng này không thể can thiệp, tác động vào quy trình cấp phát hộ chiếu".


Đây là khẳng định của thượng tá Lê Mạnh Hà, phó trưởng Phòng tham mưu (PV01), Công an TP.HCM tại buổi họp báo về tình hình dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội TP chiều 7-7.


Thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay, đơn vị này đã điều tra và phát hiện một số đối tượng "cò mồi" mời chào người dân làm hộ chiếu nhanh ở bên ngoài cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Chiêu trò của các đối tượng này là lợi dụng tâm lý người dân đến làm hộ chiếu đông, lừa gạt có thể giúp làm hộ chiếu nhanh để lấy tiền.


Tuy nhiên, thượng tá Hà khẳng định, các đối tượng này không thể can thiệp, tác động vào quy trình cấp phát hộ chiếu. Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh đã trao đổi với Công an quận 3 xử lý các đối tượng này, đồng thời trong quá trình tiếp nhận hồ sơ có đối chiếu căn cước công dân để cấp số thứ tự nhằm ngăn ngừa tình trạng "cò" xếp hàng lấy số và bán lại số thứ tự.

Bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký quyết định phê duyệt "Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030".

Mục tiêu nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

Làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, ngoại thành Hà Nội) đã có truyền thống và nổi tiếng về nghề nặn tò he (con giống bột) hơn 300 năm - Ảnh: HOÀNG NGỌC THẠCH


P hấn đấu đến năm 2030 khôi phục, bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống; phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch; trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả.


Xây dựng kế hoạch khôi phục, bảo tồn đối với nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền; hỗ trợ các nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận và đang hoạt động hiệu quả để phát triển và nhân rộng; phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống (nhà thờ tổ nghề, không gian làm nghề, cảnh quan làng nghề...); khôi phục, tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, phát huy các giá trị văn hóa của nghề và làng nghề trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa; phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Đốt phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu dân cư, các tuyến giao thông chính sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng

Chính phủ vừa có nghị định mới quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cụ thể, phạt tiền từ 2,5 - 3 triệu đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.

Lực lượng chữa cháy vất vả khống chế vụ cháy rừng ở huyện Diễn Châu, Nghệ An năm 2020, đám cháy do một phụ nữ đốt rác bất cẩn bên bìa rừng gây ra - Ảnh: DOÃN HÒA

Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký, kiểm kê, báo cáo và quản lý thông tin về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y theo quy định; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sai quy định và gây ô nhiễm môi trường.

Đối với hành vi không thực hiện việc đánh giá và kiểm soát hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo quy định bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng.

Phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép và gây ô nhiễm môi trường.

Đối với hành vi nhập khẩu hóa chất, vật liệu chứa hóa chất nguy hại không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường bị phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng.

Thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước bị phạt đến 50 triệu đồng.

Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước trái quy định về bảo vệ môi trường...

Đắk Lắk: Sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở y tế


Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, nhiều cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đang rơi vào tình trạng thiếu thuốc điều trị, trong khi đó công tác đầu thầu, mua sắm thuốc còn nhiều bất cập, khó khăn. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh và gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột một trong những đơn vị thiếu thuốc và khó khăn trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc - Ảnh: TTXVN


Sở Y tế Đắk Lắk đã có công văn tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Trong đó nêu rõ cả danh mục thuốc đấu thầu cấp địa phương (Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk thực hiện) và danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp cơ sở (các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thực hiện) đều gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc.


Đối với danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp cơ sở, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công lập đều xảy ra tình trạng thời gian đấu thầu thuốc kéo dài. Nếu có đấu thầu được thì có quá nhiều mặt hàng rớt thầu hoặc không có nhà thầu tham gia.


Hoạt động đáng chú ý hôm nay


- 14h ngày 8-7, nhà thiết kế Võ Việt Chung tổ chức buổi ra mắt sách kỷ niệm 25 năm làm nghề với tựa đề “ Mặc Nưa ”, tại Lan Anh Village (phường Bình An, TP Thủ Đức, TP.HCM) và công bố 5 đại sứ có mặt trong dự án thiện nguyện vì trẻ em Việt Nam (phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM thực hiện) gồm: Lan Khuê, Minh Tú, Phương Khánh, Ngân Anh, Diệu Ngọc.


Không gian buổi ra mắt sách sẽ được nhà thiết kế Võ Việt Chung tái hiện thời kỳ vàng son của Hòn Ngọc Viễn Đông những năm 1960.


- Hôm nay, phim Thor, tình yêu và sấm sét của đạo diễn Taika Waititi, các diễn viên Chris Hemsworth, Tessa Thompson, Natalie Portman, Chris Pratt... ra mắt khán giả Việt. Vốn từng là một chiến binh hùng mạnh của Asgard, trải qua vô số trận chiến lớn nhỏ nhưng sau sự kiện trong Avengers: Endgame (2019) cùng vô số mất mát, Thần Sấm không còn muốn theo đuổi con đường siêu anh hùng. Từ đây, anh lên đường tìm ra ý nghĩa của cuộc sống và nhìn nhận lại bản thân mình.

Thị trường căn hộ tại TP.HCM "bùng nổ" trong quý 2, giá tiếp tục tăng 1,7% theo quý và 8,6% theo năm; Bộ Công thương cảnh báo các thủ đoạn chiếm đoạt tài sản qua sàn thương mại điện tử; Đại biểu HĐND chất vấn... là các tin đáng chú ý sáng nay.

Chia sẻ Facebook