Tin sáng 7-4: Ngày 9-4, gần 1 triệu liều vắc xin cho trẻ về đến Việt Nam, bắt đầu tiêm từ 15-4

Chia sẻ Facebook
08/04/2022 07:21:42

Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, ngày 9-4 tới, gần 1 triệu liều vắc xin COVID-19 đầu tiên dành cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ về đến Việt Nam và triển khai tiêm chủng ngay sau khi hoàn thành kiểm định vắc xin, tức khoảng ngày 15-4.

Hà Nội tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi - Ảnh: NAM TRẦN


Thông tin trên cũng cho biết lô gần 1 triệu liều kể trên là lô vắc xin đầu tiên trong số trên 20 triệu liều vắc xin cho trẻ em về tới Việt Nam. Sau lô này, tới ngày 12-4 sẽ có lô thứ 2.


Số vắc xin này dành tiêm cho trẻ lớp 6, sau đó khi các lô kế tiếp về đến Việt Nam sẽ tiếp tục tiêm chủng cho trẻ lứa tuổi nhỏ hơn.

Trước đó, phát biểu tại phiên họp của thường trực Chính phủ với UBND các tỉnh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quý 2-2022 là tiêm chủng cho trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm vét cho nhóm 12-17 tuổi.

Hiện nhóm 5 đến dưới 12 tuổi là nhóm dễ cảm nhiễm với COVID-19 nhất do chưa tiêm vắc xin. Thời gian qua, khoảng 20% trẻ trong độ tuổi này đã mắc COVID-19.

Đồ họa: NGỌC THÀNH


Hậu COVID-19 ở trẻ em có thực sự đáng lo?

Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) cho biết hậu COVID-19 ở trẻ có thể gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan, trong đó thường gặp các triệu chứng tâm thần kinh như mệt mỏi, rối loạn vị giác, khứu giác, đau đầu, kém tập trung, các triệu chứng hô hấp hay gặp là ho kéo dài, đau họng, khó thở...

Ngoài ra trẻ có thể đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực. Hội chứng viêm đa hệ thống sau nhiễm tuy hiếm gặp nhưng là tình trạng nặng và có thể nguy hiểm đến tính mạng, có thể xuất hiện sau 2-6 tuần mắc COVID-19.

Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý không phải tất cả các triệu chứng xuất hiện ở trẻ sau mắc COVID-19 đều là hậu COVID-19. Trước khi kết luận triệu chứng đó do hậu COVID-19, cần loại trừ các nguyên nhân khác. Chỉ làm các xét nghiệm thăm dò cần thiết khi có biểu hiện triệu chứng.

Nguyên tắc trong tiếp cận hậu COVID-19 ở trẻ em phải phối hợp nhiều chuyên khoa, chẩn đoán bằng phương pháp loại trừ, điều trị triệu chứng, phục hồi chức năng và hướng dẫn cha mẹ và trẻ tự điều chỉnh.

Liên quan đến việc dự phòng hậu COVID-19 cho trẻ, bệnh viện cho biết hiện nay chưa có bất kỳ một biện pháp vật lý, thuốc hay thực phẩm nào giúp ngăn chặn việc xuất hiện hậu COVID-19.

Phương pháp duy nhất giúp không mắc hậu COVID-19 là dự phòng nhiễm cho trẻ bằng cách thực hiện đầy đủ các biện pháp dự phòng COVID-19 thích hợp và cho trẻ tiêm vắc xin COVID-19 theo khuyến cáo ngành y tế.

Nhân viên y tế phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận 8, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH


Theo dõi sau tiêm cho trẻ như thế nào?

Lô vắc xin cho trẻ em đầu tiên về tới Việt Nam là vắc xin Moderna, sử dụng được cho trẻ 6 tuổi trở lên (tới đây sẽ có thêm vắc xin Pfizer loại dành cho trẻ 5 tuổi trở lên về Việt Nam).

Vắc xin Moderna liều trẻ em có dung tích 25 ml/liều, mỗi trẻ tiêm 2 liều cách nhau 28 ngày. Nhà sản xuất cũng cho biết các tác dụng phụ rất thường gặp sau tiêm (có thể gặp ở 1/10 người tiêm) gồm sưng đau dưới cánh tay, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp và cứng khớp, đau, sưng, mẩn đỏ tại chỗ tiêm...

Ngoài ra còn các phản ứng ít gặp hoặc hiếm gặp như ngứa tại chỗ tiêm, chóng mặt, đau dạ dày, xệ tạm thời một bên mặt, sưng ở mặt (gặp ở những bệnh nhân từng tiêm thẩm mỹ ở mặt), giảm xúc giác hoặc cảm giác. Các phản ứng quá mẫn hoặc phản vệ được coi là phản ứng không xác định tần suất (rất hiếm gặp).

Nhân viên y tế lấy mẫu cho người dân phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN


Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành


- Hà Nội tối 6-4 thông báo ghi nhận 4.037 ca COVID-19 mới, giảm hơn 1.000 ca so với ngày 5-4. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Long Biên (250); Sóc Sơn (234); Gia Lâm (231); Hà Đông (226); Mê Linh (197). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 1.511.885 ca. Hà Nội đến thời điểm này có thể đánh giá đã bước qua đỉnh dịch COVID-19. Số ca mắc trong kỳ cuối tháng 3 trở lại đây giảm mạnh (giảm khoảng 45%).


Đến hết ngày 5-4, Hà Nội còn 166.382 ca đang điều trị, theo dõi, trong đó chỉ còn 843 người điều trị trong bệnh viện; hơn 165.500 người đang theo dõi cách ly tại nhà. Hà Nội không còn F0 nào điều trị tại cơ sở cách ly. Ngày 5-4 Hà Nội ghi nhận 2 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 lên 1.330 người.

Bệnh viện điều trị COVID-19 ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN


- Hà Nam từ đầu năm đến nay ghi nhận 75.569 ca COVID-19. Trong đó 68.350 người đã khỏi bệnh, ra viện. Đến thời điểm hiện tại, cả 66 ca COVID-19 ở Hà Nam tử vong đều thuộc nhóm người cao tuổi, có nhiều bệnh nền và đa phần chưa tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ.


- Đồng Tháp nâng cao tỉ lệ tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại vắc xin COVID-19. Trong thời gian gần 3 tuần, toàn tỉnh đã tiêm được hơn 197.400 liều vắc xin, trong đó tiêm 13.374 liều bổ sung và 178.171 liều nhắc lại (mũi 3). Tính đến ngày 6-4, tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 và mũi 2 đạt trên 99%. Tỉ lệ người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm mũi 1 vắc xin COVID-19 là trên 99,3%, mũi 2 đạt gần 99%.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Qua thăm dò, hầu hết phụ huynh sẵn sàng cho trẻ tiêm vắc xin, tuy nhiên một số phụ huynh còn phân vân hoặc chưa đồng ý.

Chia sẻ Facebook