Tin sáng 29-3: TP.HCM ca mới giảm sâu nhưng ca nặng tăng nhẹ; Hà Nội, TP.HCM đều là 'vùng xanh'
Theo số liệu từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến tối 28-3, cả nước có hơn 788.000 ca COVID-19 đang điều trị, cách ly tại nhà; gần 20.000 bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly và hơn 103.000 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Riêng TP.HCM, dù là địa phương có số ca nhiễm thấp hơn nhiều tỉnh, thành khác (hai ngày gần nhất 27 và 28-3 duy trì dưới 1.000 ca) nhưng lại là địa phương có số ca đang điều trị tại bệnh viện cao thứ 2 trên cả nước với 3.657 ca (tỉnh Kon Tum dẫn đầu với 5.926 ca).
Hiện TP có 572 bệnh nhân nặng, nguy kịch, 78 bệnh nhân thở HFNC (tăng 1,9% so với tuần trước), 10 bệnh nhân thở máy không xâm lấn, 66 bệnh nhân thở máy xâm lấn, 8 bệnh nhân lọc máu, 5 bệnh nhân thở ECMO.
Chiến dịch bảo vệ nhóm người có nguy cơ tại TP.HCM dự kiến kết thúc vào ngày 31-3.
Tính đến ngày 22-3, trên hệ thống ghi nhận được 240.858 người thuộc nhóm nguy cơ cao (người trên 65 tuổi có bệnh nền).
Trong số này có 41.926 người đã được tầm soát, qua đó phát hiện 1.478 người mắc COVID-19 và điều trị kịp thời với Molnupiravir, 2.893 người được tiêm vắc xin COVID-19.
Khoảng 1 tuần trở lại đây, số ca bệnh nặng (thở máy xâm lấn) có dấu hiệu tăng nhưng với những giải pháp hiệu quả, sự nỗ lực, quyết tâm của ngành y tế TP, số ca mắc mới và số ca tử vong trên địa bàn TP đang tiếp tục giảm.
Ca COVID-19 cả nước giảm liên tục, TP.HCM và Hà Nội đều đạt tiêu chuẩn ‘vùng xanh’
Theo kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19 ngày 28-3 cho thấy có 5 tỉnh thuộc vùng cam (cấp độ 3); 21 tỉnh, thành thuộc vùng vàng (cấp độ 2); 37 tỉnh, thành còn lại đạt vùng xanh (cấp độ 1), trong đó có TP.HCM và Hà Nội.
Cả nước hiện có có 4.482 phường, xã thuộc vùng xanh (chiếm 42,3%); 2.709 phường, xã thuộc vùng vàng (chiếm 25,5%); 3.135 phường, xã thuộc vùng cam (chiếm 29,6%); số xã, phường thuộc vùng đỏ là 257 (chiếm 2,4%).
So với đánh giá cấp độ dịch cách đây 10 ngày, số phường, xã thuộc vùng xanh đã tăng 145. Số phường, xã thuộc vùng đỏ giảm 146. Số phường, xã thuộc vùng vàng và cam không có sự thay đổi nhiều.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số ca mắc mới COVID-19 có xu hướng giảm nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành trong thời gian gần đây.
Nếu như ngày 18-3, số ca mắc mới là 163.174 ca thì các ngày sau đó giảm liên tục, đến ngày 27-3 còn 91.916 ca mới. Số ca mắc mới trong ngày giảm, kéo theo số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua cũng giảm xuống còn 116.330 ca/ngày.
So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới ngày 28-3 giảm 40,5%, số tử vong giảm 33%, số ca nặng giảm 17,3%. So sánh tuần này với tuần trước, số ca mắc mới giảm 37,2%, số tử vong giảm 14,6%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 20,1%, số ca nặng, nguy kịch giảm 11,9%.
Tuy nhiên so tháng này với tháng trước, số mắc mới tăng 3,7 lần nhưng ca tử vong giảm 16,6%, số khỏi bệnh tăng 6 lần, số điều trị tại bệnh viện tăng gần gấp đôi, số ca nặng, nguy kịch tăng 33,2%.
Triển khai tiêm vắc xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi tại điểm tiêm và tại trường
Hôm qua 28-3, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh thành, Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại cho người đến lịch tiêm chủng.
Với trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học thuộc nhóm 5 đến dưới 12 tuổi, nhóm không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.
Xây dựng sớm kế hoạch, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể triển khai ngay khi được phân bổ vắc xin, theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và tại trường học đối với những nơi tổ chức học tập tập trung tại trường. Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức vận động người dân đưa trẻ trong độ tuổi đến tiêm chủng.
Về loại vắc xin được sử dụng: hiện Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện vắc xin Pfizer và dự kiến trong tuần này sẽ phê duyệt vắc xin Moderna loại dành cho trẻ em.
Trước đó, hôm 20-3, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo, giao Bộ Y tế nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho lứa tuổi 3 - 5 tuổi.
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 28-3 thông báo vừa ghi nhận thêm 9.328 ca COVID-19 mới, giảm thêm gần 300 ca so với ngày 27-3. M ột số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.244), Hoàng Mai (649), Long Biên (527), Thanh Trì (500), Sóc Sơn (402). Ngày 28-3, Hà Nội bổ sung thêm 180.000 ca COVID-19 mới, cộng dồn số mắc trong đợt dịch 4 đến nay là 1.450.118 ca.
Tính tới hết ngày 27-3, Hà Nội có 238.072 bệnh nhân đang điều trị, theo dõi (giảm 7.000 ca), trong đó chỉ còn 1.675 người điều trị tại viện; 192 người điều trị tại cơ sở thu dung quận/huyện/thị xã; số còn lại hơn 236.200 người theo dõi cách ly tại nhà. Những ngày gần đây, số ca tử vong do COVID-19 trong ngày khoảng 1-3 người. Tổng số người tử vong do COVID-19 đến nay là 1.320 người.
- Yên Bái đã ghi nhận hơn 104.000 ca COVID-19, tương đương khoảng 1/8 dân số toàn tỉnh. N gày 28-3, thêm 3.795 ca mắc mới. Có 3.498 bệnh nhân đủ điều kiện khỏi bệnh, nâng tổng người khỏi lên 77.302. Yên Bái vẫn là 1 trong 5 tỉnh thuộc cấp độ dịch COVID-19 thứ 3 - tương đương với "vùng cam" nhưng không còn xã, phường, thị trấn nào là vùng đỏ; 162 xã, phường, thị trấn cấp độ 3.
- Nam Định tính đến chiều 27-3 đã tiêm 3.185.772 liều vắc xin COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên; trong đó, mũi 1 là 1.148.962 liều (đạt tỉ lệ 98,9%); mũi 2 là 1.132.750 liều (đạt tỉ lệ 97,91%); mũi 3 là 904.060 liều (đạt tỉ lệ 88,86% số người đã tiêm 2 mũi có mặt tại địa phương).
Toàn tỉnh cũng đã tiêm 316.092 mũi vắc xin COVID-19 cho nhóm từ 12 - 17 tuổi; trong đó, số tiêm mũi 1 là 158.593 trẻ (99,6%), số tiêm mũi 2 là 157.499 trẻ (98,9%). Tỉnh đã tiếp nhận tổng số 3.066.841 liều vắc xin COVID-19 và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin năm 2021-2022 theo kế hoạch, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Bản tin COVID-19 chiều 28-3 của Bộ Y tế cho biết số mắc mới đã giảm tiếp còn 83.376 ca, chỉ bằng 40% so với cao điểm hơn 10 ngày trước, đặc biệt TP.HCM giảm chỉ còn 745 ca mới trong ngày.