Tin sáng 26-3: Số ca COVID-19 cả nước thấp nhất hơn 3 tuần qua, đã qua đỉnh dịch?
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 24 giờ (từ 16h ngày 24-3 đến 16h ngày 25-3) cả nước ghi nhận 108.979 ca nhiễm mới tại 62 tỉnh, thành phố. So với ngày trước đã giảm 11.035 ca. Đây là ngày có số ca nhiễm thấp nhất hơn 3 tuần qua.
Trước đó, vào ngày 2-3 cả nước ghi nhận 110.280 ca, gần tương đương với số mắc mới ngày 25-3, những ngày kế tiếp số ca liên tục leo thang, đỉnh điểm vào ngày 16-3 với 180.552 ca. Số ca mới đã giảm dần đều từ 17-3 đến nay và ngày 25-3 là thấp nhất trong 3 tuần qua.
Riêng tại Hà Nội, địa phương liên tục đứng đầu về số ca mắc mới, trong ngày 25-3 ghi nhận 10.803 ca. Đây là mức thấp nhất hơn 1 tháng qua (thời điểm có số mắc mới trong ngày tương đương là 27-2 với 11.517 ca).
Hiện toàn TP có hơn 264.300 người mắc COVID-19 đang điều trị, theo dõi, giảm gần 14.000 ca so với ngày trước.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội, phó giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho hay TP đã bước qua đỉnh dịch.
Tính chung cả nước, báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết so sánh tuần này với tuần trước, số mắc mới tuần này giảm 26,3%, số ca tử vong ít hơn 19,2%, số ca nặng, nguy kịch giảm 3,1%.
So sánh tháng này với tháng trước, số mắc mới tăng hơn 5 lần nhưng số khỏi bệnh tăng 7 lần, số tử vong thấp hơn 12,1%. Đáng chú ý, TP.HCM không phải là địa phương có số ca mắc mới cao thời gian qua nhưng hiện lại có số ca chuyển nặng cao nhất với 565 ca, kế đến là Bến Tre 452 ca, Hà Nội 302 ca...
Bộ Y tế giao Sở Y tế quyết định đối tượng tiêm vắc xin COVID-19 liều cơ bản, nhắc lại
Ngày 25-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký văn bản số 1506 gửi các đơn vị liên quan về việc tiêm vắc xin COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành tham mưu chủ tịch UBND quyết định đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.
Với Cục Y tế, Bộ Công an và Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng tham mưu lãnh đạo bộ của đơn vị mình quyết định đối tượng tiêm phù hợp.
Bộ yêu cầu các đơn vị cần xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm vắc xin COVID-19, đảm bảo an toàn, hiệu quả, khoa học.
Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng. Tiếp tục thực hiện các nội dung khác theo chỉ đạo tại công văn 10722 ngày 17-12-2021 và công văn 508 ngày 28-1-2022 của Bộ Y tế về tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Theo Bộ Y tế, người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin mRNA (vắc xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất) có thể tiêm liều nhắc lại bằng vắc xin do AstraZeneca sản xuất, thời gian tiêm tối thiểu là 3 tháng sau tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản.
Theo hướng dẫn của các chuyên gia, nhóm người cao tuổi và có bệnh nền sẽ là nhóm đầu tiên nên tiêm mũi vắc xin nhắc lại (mũi 4).
Phát hiện thuốc giả được bán trực tuyến
Cục Quản lý dược nhận được các văn thư của Văn phòng đại diện Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd Thụy Sĩ tại Hà Nội thông tin việc phát hiện mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả, trên nhãn ghi: Actemra 400mg/20mL, số lô B2101B32.
Mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả do khách hàng cung cấp được mua từ một website bán thuốc tại Việt Nam có các dấu hiệu khác biệt so với mẫu lô thuốc Actemra 400 mg/20 mL, số lô B2101B32 do Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd phân phối và chỉ lưu hành tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Cục Quản lý dược đề nghị tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn, đảm bảo kinh doanh thuốc có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới người dân biết để không mua thuốc qua các thông tin trên mạng Internet, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có đầy đủ hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của thuốc.
Hỗ trợ vật tư y tế phòng, chống COVID-19 trị giá 1 triệu USD cho Việt Nam
Ngày 25-3, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã tổ chức bàn giao các trang thiết bị y tế và vật tư phục vụ tiêm vắc xin trị giá 1 triệu USD cho Việt Nam để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Các trang thiết bị và vật tư này do USAID tài trợ, được cung cấp thông qua UNICEF trong giai đoạn từ tháng 11-2021 đến tháng 2-2022, bao gồm 2,5 triệu xilanh, 125.000 khẩu trang N95 và 250 máy theo dõi bệnh nhân.
Trong thời gian qua, kể từ năm 2020, Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam 32,72 triệu USD bao gồm 30,2 triệu liều vắc xin Pfizer và Moderna; các trang thiết bị, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật phòng chống dịch. Trong đó, 24 triệu USD được hỗ trợ thông qua USAID .
Bộ Y tế đã phân bổ toàn bộ số khẩu trang cho Sở Y tế các tỉnh thành Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hà Nội và Trường đại học Y dược thuộc Đại học Huế; 250 máy theo dõi bệnh nhân cho Bệnh viện Nội tiết trung ương (20 máy); Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (100 máy); Sở Y tế thành phố Hà Nội (70 máy); Sở Y tế tỉnh Phú Thọ (30 máy) và Sở Y tế tỉnh Hải Dương (30 máy).
Trong thời gian sắp tới, dự kiến 1 triệu USD sẽ được hỗ trợ thông qua việc cung cấp trang thiết bị bao gồm tủ lạnh và máy tính để hỗ trợ hoạt động tiêm chủng phòng COVID-19 tại Việt Nam, đặc biệt dành cho tuyến xã.
UNICEF, với tư cách là đối tác COVAX chính tại Việt Nam, đã chuyển giao vắc xin COVID do Chính phủ Mỹ tài trợ với tổng số hơn 33 triệu liều tính tới thời điểm hiện tại.
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội giảm mạnh số ca mắc COVID-19. T ừ 18h ngày 24-3 đến 18h ngày 25-3, Hà Nội ghi nhận 10.803 ca COVID-19, trong đó có 4.103 ca tại cộng đồng. Các quận, huyện ghi nhận nhiều F0 trong ngày như: Hà Đông có 1.615 ca; Mê Linh 689 ca; Hai Bà Trưng 689 ca; Hoài Đức 525 ca; Sóc Sơn 495 ca. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 1.241.567 ca.
Từ ngày 18 đến 24-3, Hà Nội ghi nhận 123.134 ca COVID-19, trong đó có 28 người tử vong; trung bình ghi nhận 17.591 ca bệnh/ngày, giảm 39,3% so với tuần trước đó. Số bệnh nhân nhẹ không triệu chứng chiếm 99,34%; bệnh nhân triệu chứng trung bình chiếm 0,53%; chỉ có 0,13% bệnh nhân nặng, nguy kịch; số ca tử vong giảm.
- Phú Thọ tổ chức dạy học phù hợp với tình hình, diễn biến dịch COVID-19. Đ ối với giáo dục mầm non, các cơ sở căn cứ tình hình, điều kiện thực tế phối hợp với phụ huynh thống nhất phương án chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp, trên cơ sở tự nguyện và đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Cấp tiểu học, THCS, phối hợp với cơ quan y tế đánh giá thực trạng quyết định hình thức tổ chức dạy học phù hợp (trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến từ ngày 28-3). Ưu tiên bố trí dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 9.
Bản tin COVID-19 chiều 25-3 của Bộ Y tế cho biết ca mắc cả nước tiếp tục giảm, chỉ còn trên 108.000 ca, giảm khoảng 40% so với cao điểm. Riêng Hà Nội chỉ còn 10.803 ca, bằng 1/3 so với hơn 10 ngày trước.