Tin sáng 22-3: Cả nước giảm 9.440 ca, Việt Nam đứng 13 trên thế giới về tổng ca nhiễm
Ngày 21-3, cả nước ghi nhận 131.713 ca nhiễm mới, tại 63 tỉnh, thành. Số mắc mới ngày 21-3 đã giảm 9.440 ca so với ngày trước đó và giảm 30% so với "đỉnh" của đợt dịch này. Tính từ đầu mùa dịch, số nhiễm trong nước đã hơn 8 triệu ca.
Với số mắc này, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 13 trong số 227 quốc gia và vùng lãnh thổ có thống kê ca mắc trên trang Worldometters, trang web thống kê số mắc mới hằng ngày, số tử vong... liên quan đến COVID-19 từ đầu vụ dịch đến nay.
Ở thời điểm chống dịch tốt nhất (đầu năm 2021), Việt Nam ở vị trí 174.
Nhưng số ca nhiễm mới đang liên tục giảm trong vòng 1 tuần qua. Hiện cả nước vẫn đang có 4.169 ca bệnh nặng đang điều trị. Con số này có tăng nhẹ bởi những ngày trước duy trì ở mức khoảng 3.600 - 3.800 ca, nhưng so với giai đoạn cao điểm số ca chuyển nặng đã giảm rất nhiều. Trong tháng qua số mắc mới tăng 6 lần nhưng số tử vong giảm 30%.
Về ca tử vong, trong ngày cả nước có 69 ca. Các tỉnh Bạc Liêu, Đồng Nai, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang dẫn đầu số ca tử vong với 5 ca/tỉnh. Hiện tỉ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm cả nước tiếp tục giảm xuống mức 0,5%, trong khi giai đoạn cao điểm tỉ lệ này là 2,2%.
Riêng tại TP.HCM, theo báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP cho biết, hiện các bệnh viện đang điều trị 4.967 bệnh nhân, trong đó có 408 trẻ em dưới 16 tuổi, 87 bệnh nhân nặng đang thở máy, 3 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Về số trẻ khám và điều trị COVID-19 tại 3 bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP, chánh văn phòng Sở Y tế TP Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, trong 24 giờ qua có 288 trẻ nhập viện.
Tính đến nay, số trẻ dương tính qua khám nội trú là 631 em, trong đó có 59 trẻ cần nhập viện điều trị. Hiện có 16 trẻ thở oxy qua mặt nạ và 4 ca thở máy xâm lấn.
Khi nào được coi là tình trạng "hậu COVID-19"?
Theo các bác sĩ, COVID-19 cấp được tính trong vòng 1 tháng từ lúc khởi phát bệnh, thêm 2 tháng theo dõi tiếp gọi là COVID kéo dài. Ngoài thời gian này nếu có các triệu chứng cơ năng, thực tổn, tâm thần không giải thích được bằng nguyên nhân khác được xem là "hậu COVID".
Đa số tình trạng "hậu COVID" có thể gặp là các biểu hiện rất nhẹ như mệt mỏi, hụt hơi, tức ngực... Tình trạng bệnh ở giai đoạn COVID-19 cấp càng nặng thì hậu COVID sẽ càng nặng và kéo dài.
Biểu hiện hậu COVID-19 rất phong phú, để chẩn đoán bác sĩ cần hỏi các triệu chứng COVID-19 cấp tính và các biểu hiện lúc thăm khám để đưa ra yêu cầu xét nghiệm và chẩn đoán, xử trí phù hợp.
Nhiều bệnh viện các tuyến đã mở phòng khám hậu COVID-19 để thăm khám và điều trị cho người bệnh gặp tình trạng này. Tình trạng ho kéo dài sau khi mắc COVID-19 là di chứng gặp ở nhiều F0.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp các di chứng về thần kinh, nhận thức, bị khó thở hay đau tức, nặng ở ngực... Các triệu chứng bất thường này đều cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, đánh giá và điều trị.
Chấn chỉnh công tác quản lý, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa yêu cầu giám đốc Sở Y tế, chủ tịch UBND các huyện và thành phố Cà Mau khẩn trương chỉ đạo chấn chỉnh việc quản lý, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.
Cụ thể, F0 khi có đủ các điều kiện cách ly, điều trị tại nhà phải được cấp ngay túi thuốc điều trị COVID-19, thuốc điều trị F0 tại nhà phải đúng với chỉ định của ngành y tế; khắc phục ngay tình trạng để người dân tự mua thuốc hoặc các F0 chia sẻ đơn thuốc với nhau trong điều trị.
Vinh danh 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu trong phòng, chống dịch COVID-19
Giải thưởng Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 ưu tiên tuyên dương các cá nhân có thành tích xuất sắc liên quan đến công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2021.
10 Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 gồm:
Bác sĩ Nguyễn Đăng Quang, phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM;
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Tuấn Thành, thường trực Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành;
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Xuân Tùng, cán bộ Trung tâm chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Nhi trung ương;
Bác sĩ Đặng Văn Hòa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Giang;
Bác sĩ Đặng Thị Yến Vy, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương;
Thượng úy Nguyễn Đức Tiến, Bệnh viện 19-8, Bộ Công an;
Bác sĩ Lê Thị Lan, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2;
Bác sĩ Lê Minh Ngọc, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội;
Bác sĩ Lò Thị Thanh Hợp, Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên;
Thiếu tá Vũ Sơn Giang, Bệnh viện Quân y 175.
Tình hình dịch COVID-19 ở một số tỉnh thành
- Hà Nội , từ 18h ngày 20-3 đến 18h ngày 21-3 ghi nhận 17.916 ca COVID-19. Hiện nay, gần 99% người mắc COVID-19 ở Hà Nội đều được theo dõi, điều trị tại nhà. Số bệnh nhân phải vào viện điều trị chỉ chiếm khoảng 1%. Tỉ lệ tử vong tính từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 là 0,15%.
- Quảng Bình từ 6h ngày 20-3 đến 6h ngày 21-3 ghi nhận thêm 2.882 ca COVID-19, trong đó 2.377 ca cộng đồng. Tổng số ca COVID-19 của Quảng Bình là 83.401 ca, trong đó 55.272 ca đã khỏi. Hiện tại, có 27.124 F0 đang điều trị tại nhà; 67 trường hợp tử vong.
- Nghệ An thông tin từ 18h ngày 20-3 đến 6h ngày 21-3 ghi nhận 2.960 ca COVID-19. Trong đó, có 783 ca cộng đồng, 2.177 ca đã được cách ly từ trước. Số ca tử vong trong 12 giờ qua là 2. Tổng ca COVID-19 từ đầu mùa dịch đến nay là 353.251 ca.
Số ca COVID-19 giảm ngày thứ 4 liên tiếp sau khi tới "đỉnh" của đợt dịch là trên 180.000 ca hôm 16-3. Cùng việc số ca tại Hà Nội và các tỉnh thành dịch nóng như Bắc Ninh, Nghệ An... giảm nhiệt, có phải đỉnh dịch lần này đã qua?