Tin nhắn vào điện thoại - thuốc trị 'đại dịch cô đơn' ở Nhật Bản

Chia sẻ Facebook
15/06/2022 01:03:11

Tổ chức phi lợi nhuận Enrich ra mắt dịch vụ miễn phí dành cho người trưởng thành thông qua mạng xã hội Line ở Nhật Bản. Dịch vụ này gửi tin nhắn định kỳ đến điện thoại của người dùng để xác nhận sự an toàn của họ.

"Đại dịch cô đơn" đã trở nên tồi tệ hơn tại Nhật Bản trong suốt đại dịch COVID-19, khi mọi người có ít cơ hội gặp gỡ nhau hơn - Ảnh minh họa: JAPAN TIMES/GETTY IMAGES

Lâu nay, khi nói đến thực tế xã hội Nhật Bản nhiều người qua đời trong cô độc, người ta thường nghĩ đến những người cao tuổi sống neo đơn. Tuy nhiên, hiện nay ngày càng nhiều người ở độ tuổi trung niên lo lắng họ có thể chịu chung số phận.

Ông Isao Konno, 62 tuổi, có em trai là Yoshio Konno qua đời trong cô độc ở tuổi 51 vào tháng 2-2015 tại nhà riêng do bị hạ thân nhiệt và một tuần sau đó thi thể mới được phát hiện. Lần cuối ông Isao liên lạc với em trai mình là 3 ngày trước khi em trai qua đời và ông luôn ước giá như mình sớm nhận ra tình trạng sức khỏe của em trai.

Trăn trở về cái chết cô đơn của em trai đã thôi thúc ông Isao thành lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên Enrich, với mong muốn giúp những người neo đơn không rơi vào thảm cảnh tương tự.


Dịch vụ này tự động gửi tin nhắn định kỳ đến điện thoại của người dùng để xác nhận sự an toàn của họ. Nếu không nhận được phản hồi "OK" từ người dùng trong vòng 24 giờ, hệ thống sẽ tiếp tục gửi tin nhắn hoặc gọi điện thoại để xác nhận lần nữa. Nếu người dùng vẫn không phản hồi, hệ thống sẽ gửi cảnh báo đến các số điện thoại liên hệ khẩn cấp.


Tính đến tháng 5-2022, dịch vụ này có khoảng 5.800 người đăng ký, phần lớn ở độ tuổi 30-50.

Tháng 4 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản công bố kết quả một cuộc khảo sát hơn 20.000 người trưởng thành ở nước này. Điều ngạc nhiên là số người được hỏi ở độ tuổi 20-30 cho biết họ cảm thấy cô đơn nhiều hơn số người cao tuổi.

"Đại dịch cô đơn" đã tồn tại ở Nhật Bản từ rất lâu trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt được áp dụng để ngăn chặn COVID-19 khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn khi mọi người có ít cơ hội gặp gỡ nhau hơn.

Các cơ quan y tế công cộng ở Nhật Bản đã có nhiều biện pháp hỗ trợ những người cao tuổi sống một mình. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu sự hỗ trợ dành cho những người trẻ tuổi đang đối mặt với sự cô đơn và cô lập xã hội vốn là những tình trạng khó xác định, phức tạp và khó giải quyết.

Cô đơn là cảm thấy một mình dù các tiếp xúc xã hội nhiều như thế nào. Cảm giác này có thể tác động đến tất cả chúng ta - già, trẻ, lớn, bé - và vào bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời.

Chia sẻ Facebook