Tín hiệu mừng và những thách thức với thị trường bất động sản TP.HCM
Hoạt động kinh doanh bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh đến nay đã có dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách.
Tín hiệu hồi phục
Theo Công an TP.HCM , trong Quý III/2023, TP.HCM đã xác nhận đủ điều kiện để bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 2 dự án nhà ở thương mại với tổng số 954 căn nhà tương đương tổng diện tích sàn 149.460 m2 gồm 734 căn hộ chung cư và 220 căn nhà thấp tầng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố có 15 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện mở bán với 15.020 sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, tương đương 1.557.365 m2 diện tích sàn được đưa ra thị trường gồm 13.767 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng. Trong đó, phân khúc cao cấp có 9.969 căn và phân khúc trung cấp có 5.051 căn, không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân. Theo đó, nguồn cung nhà ở từ các dự án nhà ở thương mại được đưa ra thị trường trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng 17,6% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Thành phố cấp phép mới dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với 4 dự án, vốn đăng ký là 54,2 triệu USD, chiếm 13,4% trên tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố. Ngoài ra còn có 11 lượt dự án điều chỉnh với vốn đăng ký 12,7 triệu USD, 20 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị 5,3 triệu USD. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản 9 tháng đầu năm là 72,2 triệu USD.
Hoạt động kinh doanh BĐS tại TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm -8,71% so với cùng kỳ; trước đó, 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm -11,58% và Quý I năm 2023 tăng trưởng âm đến -16,2%. Doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản giảm -4,7% so với cùng kỳ; trước đó 6 tháng đầu năm giảm -8,3% và 4 tháng đầu năm giảm đến -14,6%.
Theo đánh giá tình hình thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục phát triển, có tín hiệu hồi phục nhẹ so với nửa đầu năm 2023 và cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là do toàn hệ thống chính trị nói chung và chính quyền Thành phố nói riêng đã có những động thái tháo gỡ các vướng mắc pháp lý của từng dự án, có giải pháp phối hợp liên ngành để tháo gỡ những khó khăn khác nhau của các dự án.
Tuy nhiên, sự hồi phục vẫn chưa ổn định và cần tháo gỡ vướng mắc đối với các nội dung kiến nghị liên quan đến nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại chung cư và nhà ở thương mại trên địa bàn TP. Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khơi thông nguồn vốn trong tình hình mới, thúc đẩy sự phục hồi và tạo đà phát triển cho doanh nghiệp, đảm bảo lành mạnh, hướng đến đón thời cơ mới để phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh.
Việc rót vốn còn dè dặt
Theo báo Công thương , mặc dù thị trường bất động sản thành phố đang có tín hiệu phục hồi nhưng nhiều số liệu cho thấy việc rót vốn đầu tư trong nước và nước ngoài đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tại TP.HCM còn dè dặt.
UBND TP.HCM cũng cho biết 9 tháng đầu năm chỉ có 1.103 doanh nghiệp ngành bất động sản được thành lập, giảm 46,3% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 43.143 tỷ đồng giảm 60%. Số liệu trước đó 6 tháng đầu năm 2023 có 689 doanh nghiệp, giảm 52,6% và vốn đăng ký đạt 26.750 tỷ đồng, giảm 63,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản 9 tháng đầu năm là 72,2 triệu USD. Trước đó, 6 tháng là 131 triệu USD và quý I năm 2023 là 6,9 triệu USD.
UBND TP.HCM nhìn nhận, nguyên nhân giảm sút số vốn đầu tư nước ngoài của 9 tháng đầu năm 2023, chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn.
Điều đó cho thấy, việc rót vốn đầu tư trong nước và nước ngoài đối với hoạt động kinh doanh bất động sản còn dè dặt. Thông qua những số liệu trên, UBND TP.HCM đánh giá, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn chưa tích cực nhưng có tín hiệu hồi phục so với đầu năm 2023 và năm 2022, góp phần thúc đẩy hoạt động ngành xây dựng.
Nguyên nhân là TP.HCM đã có những động thái tháo gỡ các vướng mắc pháp lý của từng dự án, có giải pháp phối hợp liên ngành để giải quyết những khó khăn khác nhau của các dự án.
Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng đang có những chính sách giảm lãi suất cho vay - là cơ hội khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong tình hình mới.
Đồng thời doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã chủ động thay đổi phương thức hoạt động, điều chỉnh danh mục đầu tư, cơ cấu lại phân khúc sản phẩm, tính toán lại giá bán, thời hạn và phương thức thanh toán.
Sự nỗ lực của các bên đã có một số kết quả tích cực, tạo niềm tin, động lực cho doanh nghiệp, thể hiện rõ vai trò đồng hành cùng doanh nghiệp của Thành phố trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, giữ ổn định kinh tế - xã hội.
Đào Vũ (T/h)