Tín hiệu mừng và những thách thức ngành bán lẻ đang phải đối mặt

Chia sẻ Facebook
08/08/2023 12:25:17

Nguồn cung bán lẻ tăng và sự quay trở lại của nhu cầu tiêu dùng tại cửa hàng cho thấy dấu hiệu tích cực từ thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, ngành này cũng đang đối mặt nhiều thách thức.


Tín hiệu tăng trưởng tích cực


Theo Kinh tế & Đô thị , số liệu của Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội cho thấy, nửa đầu 2023, nguồn cung bán lẻ đạt 1,7 triệu m2, tăng 1% theo quý và 2% theo năm. Nguồn cung bán lẻ đã tăng trưởng trung bình 3%/năm trong 5 năm vừa qua. Trong đó, trung tâm thương mại tiếp tục duy trì tỷ trọng nguồn cung lớn nhất với 962.400m2, chiếm 56% tổng nguồn cung.

Từ năm 2019, nguồn cung các trung tâm bách hóa tăng trưởng lớn nhất, ở mức 10%/năm. Theo sau đó là khối đế thương mại với mức tăng 8%/năm và trung tâm thương mại với 2%/năm.

Công suất thuê trung bình của cả thị trường theo ghi nhận của Savills giảm 4 điểm % theo quý và 2 điểm % theo năm, xuống 87%. Tuy nhiên, bà Hoàng Nguyệt Minh – Giám đốc cấp cao, bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Hà Nội cho biết, công suất thuê hiện nay phụ thuộc lớn vào việc liệu thiết kế của trung tâm thương mại hay khối đế bán lẻ có thể đáp ứng được nhu cầu ngày một khắt khe từ các nhãn hàng hay không.

Theo bà Minh, trong nửa đầu năm 2023, thị trường bán lẻ Hà Nội ghi nhận hai hình thái phát triển rõ nét. Các trung tâm thương mại có mặt bằng tốt, chủ đầu tư chuyên nghiệp và đáp ứng tiêu chuẩn phê duyệt phòng cháy chữa cháy thu hút lượng khách thuê tốt, với giá thuê thậm chí cao hơn thời điểm cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, các dự án có mô hình bài bản và thiết kế hợp lý vẫn có thể thu hút các nhãn hàng. Đơn cử như các trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng, thiết kế nội thất, kỹ thuật đạt chuẩn như AEON Mall, Lotte Mall, The Loop by Takashimaya tại Indochina Plaza đều đạt tỷ lệ lấp đầy khá tốt.

Trong khi đó, tồn tại một tỷ lệ nhất định các mặt bằng khối đế và nhà phố không đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng về tiêu chuẩn thiết kế và công năng sử dụng. Thêm vào đó, việc các nhãn hàng sau Covid đều hạn chế việc mở tràn lan các mặt bằng và chỉ tập trung vào một cửa hàng flagship nên hệ thống những mặt bằng không đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ bị loại khỏi danh sách cân nhắc rất nhanh.

Góp phần vào sự thay đổi bức tranh bán lẻ tại Hà Nội phải nhắc tới việc các trung tâm thương mại có quy mô lớn đang chuyển dịch dần ra vùng ngoại ô. Các yếu tố giải trí độc đáo phần nào tạo nên yếu tố cạnh tranh cho phân khúc này. AEON Mall Hà Đông và Long Biên đã tổ chức những sự kiện đặc biệt, tạo điểm nhấn nhằm thu hút khách hàng như Eco Event 2023 và Dreamkids Got Talent. Trong khi đó, Vincom Ocean Park cũng tạo ra một tổ hợp vui chơi giải trí lớn bao gồm biển hồ nước mặn và chợ đêm.

Ngành bán lẻ vẫn đối mặt nhiều thách thức. Ảnh minh họa từ internet


Theo báo Đầu tư, số liệu do Cục Thống kê TP.HCM công bố mới đây, ước tính quý II/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố đạt 298.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với quý II/2022. Tăng cao nhất là hoạt động lữ hành với 78,6%, kế đến là doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 35,4%; bán lẻ tăng 10,7%; dịch vụ khác tăng 0,6%. So với quý I/2023, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II đã tăng 13,0% và tăng ở tất cả các hoạt động.

Chỉ tính riêng tháng 6/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dự ước đạt 102 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể thấy, sang quý II/2023, các hoạt động sản xuất, kinh doanh có những điểm sáng nhất định đã kéo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 tại TP.HCM ước đạt 561.000 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.


Sức ép thị trường


Theo Bnews , thông tin từ các chuyên gia kinh tế, thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng sôi động với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn và các hộ kinh doanh.

Cạnh tranh trong thị trường ngành bán lẻ cũng vô cùng khốc liệt bởi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn, đối thủ cũng không ngừng cải tiến sự chuyên nghiệp và hiện đại.

Từ giờ tới cuối năm, các doanh nghiệp sẽ chỉ còn chưa đầy 4 tháng để hoàn thành kế hoạch và các mục tiêu đề ra như mở rộng thị trường, thúc đẩy hoạt động tiêu dùng để gia tăng sản xuất thương mại.

Vì thế, hỗ trợ và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp ngành bán lẻ sẽ là 1 thách thức rất lớn, "buộc lòng" cần có những cơ chế kịp thời từ phía các cơ quan hoạch định chính sách, các địa phương và từ chính nội lực của doanh nghiệp.

Nhận định về bức tranh thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian tới, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây luôn có sức hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Theo đánh giá độc lập của một công ty nghiên cứu thị trường, sự hấp dẫn này đến từ quy mô dân số Việt Nam ở mức tương đối cao, tỉ lệ tham gia của nhà bán lẻ hiện đại vẫn còn rất thấp, chỉ hơn 20% nên dư địa phát triển còn rất nhiều. Tuy nhiên, hạn chế của thị trường bán lẻ hiện nay là chưa có sự tập trung, thiếu vắng những nhà bán lẻ vận hành quy mô lớn, đặc biệt là đối với ngành liên quan đến thương mại điện tử.

"Cảm giác các nhà bán lẻ hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử còn khá manh mún, nhỏ lẻ nên chưa tạo được nguồn lực lớn để phát triển", ông Đức nói.

Ngoài ra, còn hạn chế khác là nguồn lực của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn còn lép vế so với nhà bán lẻ ngoại. Sự suy giảm sức mua trong ngành bán lẻ ở thời điểm gần đây cũng là những phản ánh đầu tiên cho thấy thách thức hiện hữu mà ngành này đang phải đối mặt và cần có những động thái để thích ứng và thay đổi với xu thế thời cuộc, với sự thay đổi về thói quen và văn hóa của người tiêu dùng. Cùng với đó là sự hỗ trợ từ phía những chính sách, giải pháp tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước.

Đơn cử như việc giảm thuế giá trị gia tăng mới đây từ 10% về 8%, các doanh nghiệp bán lẻ phải thực hiện rất nhanh để mặt bằng giá mới có thể hỗ trợ sức mua thị trường. Hay như giải pháp liên quan đến việc hợp tác của các đơn vị thuộc ngành bán lẻ, tạo nên sự kích cầu mang tính chất tổng thể của nền kinh tế để có những hỗ trợ tốt hơn. Các nhà bán lẻ phải là đơn vị phản ánh tiếng nói trực tiếp của người tiêu dùng, của đơn vị sản xuất để tạo nên chuỗi toàn diện trong cung cầu giai đoạn hiện nay. Bản thân Saigon Co.op cũng đang có những thương thảo với Saigontourist Group, Vietravel... thực hiện những chương trình kích cầu chéo này, ông Đức chia sẻ.

Ở góc độ nghiên cứu, bà Đinh Thị Bảo Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt, cùng với những thay đổi mạnh mẽ của phương thức phân phối hàng hóa dựa trên nên tảng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nhà bán lẻ nội địa đang đứng trước nhiều thách thức lớn.

Hội nhập quốc tế về cả kinh tế, công nghệ và văn hóa được thúc đẩy bởi chính những xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nên sẽ tác động nhanh, mạnh hơn đến thị trường bán lẻ Việt Nam trong những năm tới đây.

Sự thay đổi về nhân khẩu học xã hội của người tiêu dùng sẽ diễn ra với tốc độ chưa từng thấy, tạo nên nhu cầu và mong muốn ngày càng mở rộng và đa dạng. Cùng với đó là sự thay đổi về độ tuổi trung bình, các bệnh lý liên quan.... cũng có thể kéo theo những tác động đến cơ cấu hàng hóa tiêu dùng và ngành bán lẻ.


Theo Kinh tế & Đô thị , báo cáo hành vi người tiêu dùng Việt Nam 2023 của McKinsey & Company cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam, mặc dù lạc quan nhất thế giới, vẫn giữ thái độ thận trọng và đang dần thay đổi hành vi tiêu dùng của mình. Họ có xu hướng giảm thiểu chi tiêu trên hầu hết các ngành hàng, trừ các ngành hàng cốt lõi như tạp hóa, xăng dầu, ngành hàng sức khỏe cá nhân, cũng như các ngành hàng mang tính trải nghiệm cao và chất lượng tiên tiến.

Theo Savills, sự dịch chuyển từ chi tiêu cho sở thích cá nhân về những chi tiêu cơ bản phần nào làm giảm triển vọng ngành bán lẻ. Trong đó, các phân khúc thời trang, mỹ phẩm, giải trí và thể hình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Những yếu tố bất lợi của nền kinh tế thế giới khiến người tiêu dùng phải suy nghĩ lại về mục tiêu tài chính và tối ưu hóa chi tiêu cho những mặt hàng thiết thực hơn.

Ngược lại, điều này giúp các chuỗi siêu thị hưởng lợi khi người tiêu dùng gia tăng chi tiêu đáng kể cho các sản phẩm gia dụng, chăm sóc cá nhân và thực phẩm. Các chuỗi siêu thị như AEON Mall (36%), Win Mart (27%) và Go! (19%) vẫn đang duy trì vị trí dẫn đầu thị phần đối với loại hình này. Các chuỗi bán lẻ lớn đang theo đuổi các chiến lược mở rộng nhằm đảm bảo vị thế trên thị trường và xây dựng nhận diện thương hiệu. Bên cạnh đó, ngành giáo dục và chăm sóc sức khỏe vẫn duy trì hoạt động ổn định trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chưa đạt mức kỳ vọng.

Bà Hoàng Nguyệt Minh - GĐ cấp cao, bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Hà Nội cho rằng, từ nay đến cuối năm, để duy trì hoạt động cũng như tiếp tục thúc đẩy động lực phục hồi trong ngành bán lẻ, các nhãn hàng sẽ cần thận trọng hơn và lên kế hoạch chi tiết trong giai đoạn sắp tới.


Đào Vũ (T/h)

Chia sẻ Facebook