Tín dụng bị siết, giao dịch căn hộ ở TP Hồ Chí Minh vẫn tăng vì đâu?

Chia sẻ Facebook
21/08/2022 08:29:29

Thống kê của Savills cho thấy hơn 12.000 giao dịch căn hộ được thực hiện trong 6 tháng đầu năm, tăng 15% so với cùng kỳ 2021.


Trong báo cáo cập nhật về tình hình thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm nay, bộ phận nghiên cứu của Savills Việt Nam cho biết nguồn cung sơ cấp đạt gần 13.500 căn hộ, tăng trưởng tới 265% so với cùng kỳ năm trước, tăng cao nhất từ năm 2019. Trong 6 tháng cuối năm, đơn vị này dự báo tăng trưởng nguồn cung căn hộ tại TP Hồ Chí Minh vẫn duy trì được tốc độ như giai đoạn nửa đầu năm.

Thị trường căn hộ trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước dù lĩnh vực bất động sản đang chịu nhiều thách thức, đặt biệt là nguồn vốn vay bị kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, cần lưu ý mức so sánh này dựa trên số liệu của năm 2021 vốn là giai đoạn thấp điểm của thị trường bất động sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cả năm ngoái, TP Hồ Chí Minh ghi nhận chưa đến 10.000 căn hộ được cung ứng ra thị trường.

Tỷ lệ hấp thụ căn hộ trong 6 tháng đầu năm tại TP Hồ Chí Minh đạt 75%.


Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu của Savills Việt Nam, đánh giá nhìn chung nguồn cung căn hộ tại TP Hồ Chí Minh còn thấp với quỹ đất hạn chế, giá bán cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân. Do đó, các thị trường lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai có thể sẽ hưởng lợi.

Liên quan đến vấn đề tín dụng đổ vào bất động sản chậm bị thắt chặt, bà Trang cho rằng đây là tín hiệu tích cực bởi điều này cho thấy thị trường có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn. Chỉ những chủ đầu tư thật sự có nguồn lực về tài chính và phát triển bền vững sẽ tiếp tục tồn tại trên thị trường.

Về khía cạnh người mua nhà, việc siết tín dụng có thể làm giảm nhóm người mua đầu cơ, lướt sóng và không có nhu cầu ở thực, từ đó giúp người mua nhà có nhu cầu thực đến gần với cơ hội sở hữu nhà hơn.

"Tuy nhiên, chủ đầu tư phải đối mặt với việc chi phí sử dụng đất và giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng. Khó khăn của chủ đầu tư sẽ tác động đến giá bán cuối cùng của sản phẩm. Vì vậy, phân khúc nhà ở bình dân hay nhà xã hội vẫn là một cánh cửa cho các chủ đầu tư có thể tham gia vào và góp phần cho sự phát triển của xã hội", bà Trang khuyến nghị.

Về dài hạn, nguồn cung căn hộ mới tại TP Hồ Chí Minh được dự báo sẽ đạt 145.000 căn vào năm 2025, trong đó, TP Thủ Đức, quận 7 và huyện Nhà Bè dự kiến sẽ trở thành nguồn cung căn hộ chính cho TP Hồ Chí Minh. Riêng TP Thủ Đức ước tính sẽ chiếm 48% thị phần nguồn cung căn hộ tương lai.

Chia sẻ Facebook