Tin đồn thất thiệt nguy hại cho nền kinh tế và môi trường đầu tư
Các hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác gây hoang mang dư luận đã tác động tiêu cực đến an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ và an ninh đầu tư.
"Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa" vốn là thành ngữ của người xưa, ám chỉ việc lan truyền thông tin trong cộng đồng nhưng bị hạn chế rất nhiều so với ngày nay, khi “thế giới phằng” với sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội (MXH) thông tin được lan truyền với tốc độ cực nhanh. MXH với hàng tỷ người tham gia là kênh thông tin hữu ích, song đây cũng là môi trường trợ giúp cho những tin đồn thất thiệt, tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng nhanh chóng được phát tán.
Vi phạm tăng chủ yếu vẫn xử phạt hành chính
Điều đáng báo động là tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên Internet, MXH hiện nay đang diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Tin đồn, tin giả được nhiều đối tượng, tổ chức phát tán đã gây tổn hại rất lớn đến danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức và DN tạo ra trào lưu, xu hướng, tư tưởng lệch lạc, làm méo mó bản chất hoạt động của nhiều DN, tác động xấu đến các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản… khiến nhiều DN mất uy tín, giảm doanh thu gây nguy hiểm cho cả nền kinh tế.
Những đối tượng xấu đã triệt để lợi dụng các tính năng của MXH để tuyên truyền, vu cáo, gây rối loạn về thông tin... mạo danh người nổi tiếng để đăng tải tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận; lợi dụng các sự kiện nóng, các vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận nhằm mưu lợi cho cá nhân, tổ chức của mình.
Thông tin từ Bộ Công an, tính trong 10 tháng năm 2022, lực lượng công an đã khởi tố, điều tra 527 vụ phạm tội trên không gian mạng, tăng 144% so với năm 2021. Với các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, các cơ quan chức năng đã khởi tố 63 vụ với 68 bị can, xử phạt hành chính 455 đối tượng, gọi, hỏi, răn đe và yêu cầu khắc phục hậu quả với 1.500 đối tượng.
Theo quy định hiện hành, người có hành vi tung tin giả, thông tin sai sự thật có thể bị phạt hành hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng MXH để thực hiện 1 trong các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…
Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định, người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, gây dư luận xấu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Mức phạt với tội này là phạt tiền từ 30 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông; gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm.
Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm. Tuy nhiên, việc áp dụng riêng rẽ đối với hành vi này lại chưa được cụ thể, rõ ràng nên thường chỉ dừng lại xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền, ít khi chuyển sang xử lý hình sự.
Nâng nhận thức của người dùng mạng xã hội
Nhận xét về các hành vi vi phạm trên không gian mạng, Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hoà thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, ngoài một số cá nhân tổ chức có chủ đích, phần lớn người sử dụng MXH làm công cụ phát tán thông tin sai sự thật, thông tin thiếu kiểm chứng chưa hiểu và lường trước được hệ quả từ việc làm của mình, cũng như chưa hiệu được tính chất nghiêm trọng của vấn đề mình đưa ra.
“Có nhiều trường hợp người tung tin đồn chỉ vì ức chế tâm lý, coi MXH như quyền lực cá nhân để thực hiện hành vi tung tin đồn, bôi nhọ cá nhân, tổ chức DN… đặc biệt nếu những hành vi này xuất phát từ những cá nhân và tổ chức ở nước ngoài hiện nay vẫn rất khó xử lý”, Luật sư Hoàng Tùng chia sẻ.
Để ứng phó với những hành vi này, theo Luật sư Hoàng Tùng ngoài các chế tài xử lý đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp Luật, các tổ chức, DN cần kịp thời trao đổi với đối tượng phát tán để làm rõ; thu thập các bằng chứng, thông tin liên quan, nếu cần thiết phải lập vi bằng để tránh trường hợp đối tượng tẩy xóa bằng chứng, sau đó nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền.
“Cá nhân, tổ chức và DN tuyệt đối không để bị các đối tượng xấu dẫn dắt cuốn theo trào lưu tranh cãi dễ dẫn đến những phát ngôn, hành động thiếu văn minh. Về lâu dài, ngoài việc tăng cường định hướng nâng cao sự hiểu biết của người dùng MXH từ các cơ quan hữu quan, các DN cần có bộ phận chức năng liên tục theo dõi, giám sát thông tin, kịp thời phát hiện những hành vi bôi nhọ, những tin đồn thất thiệt gây tổn hại đến uy tín của DN mình, nhất là những tin đồn liên quan đến các DN có uy tín, những cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội”, Luật sư Hoàng Tùng khuyến nghị.
CEO Lê Dung - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) cho rằng, đứng trước quá nhiều nguồn thông tin không được kiểm soát chặt chẽ đang khiến người dân, nhất là người dùng MXH có cảm giác được “tự do về mặt ngôn luận”. Nhiều khi 1 cá nhân chỉ cần nghe được một nguồn tin không cần biết đúng - sai đã lập tức lan truyền trên mạng gây nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến nhiều cá nhân, tổ chức và cộng đồng DN.
“Đặc tính lan truyền thông tin trên MXH khiến người dùng có cảm giác quá dễ dãi, cho nên cần làm tốt hơn về tuyên truyền giáo dục nhằm làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dùng MXH trong hoạt động truyền tin. Trong công tác quản lý, cần có nhiều hơn chế tài phát luật để phòng ngừa cũng như xử lý tình trạng này. Về mặt kỹ thuật, các cơ quan chức năng cần phối hợp bổ sung các bộ lọc, kiểm soát từ khóa trong quá trình tìm kiếm và truy cập nhằm loại bỏ, hạn chế, kiểm soát các thông tin trước khi được lan truyền”, bà Dung đề xuất.
Trường hợp bị tung tin đồn ác ý, thông tin sai sự thật, bà Dung khuyến nghị các DN cần bình tĩnh để xử lý. Đặc biệt, mỗi DN cần thiết lập cho mình 1 bộ phận chuyên gia về pháp chế, đội ngũ cố vấn truyền thông để kịp thời xử lý những sự cố, khủng hoảng truyền thông lan truyền. Điều quan trọng hơn trong hoạt động của mình, các DN luôn phải xác định tinh thần thượng tôn pháp luật là trên hết, là hàng đầu, nhất là đối với các start-up để phòng ngừa và hạn chế tối đa các rủi ro không đáng có từ những tin đồn thất thiệt./.
Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an: Lợi dụng việc Bộ Công an xử lý một số vụ án, các thế lực thù địch, phần tử xấu đã đăng tải, tán phát nhiều tin giả, tin sai sự thật liên quan đến kinh tế, tài chính, tiền tệ; mục đích nhằm gây hoang mang dư luận, gây rối loạn, mất an ninh, an toàn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích, hoạt động bình thường của người dân, nhà đầu tư và DN.