Tìm việc nhẹ lương cao, hàng chục nghìn ‘mẹ bỉm sữa’ bị lừa

Chia sẻ Facebook
13/04/2022 01:42:54

Nhật và Hiếu nhắm vào các ‘mẹ bỉm sữa’ có kinh tế thiếu thốn đang cần việc làm, lừa tuyển họ làm cộng tác viên để bán mỹ phẩm dỏm, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng. 

Vào năm 2018, Lê Huy Nhật (trú Thanh Hóa) và Nguyễn Hữu Hiếu (29 tuổi, quê Thái Bình) quen nhau thông qua mạng xã hội. Cả 2 cùng mở nhiều công ty, chuyên kinh doanh, buôn bán mỹ phẩm.

Trong quá trình đăng tin tuyển dụng tại các hội nhóm việc làm, thấy nhiều phụ nữ đang nuôi con nhỏ kinh tế thiếu thốn, có nhu cầu kiếm việc từ xa, cả 2 lên kế hoạch lừa tiền từ họ bằng chiêu tuyển cộng tác viên.

Lê Nhật Huy bên lô mỹ phẩm giả nhập về để lừa cộng tác viên. (Ảnh: Vnexpress)

Tháng 10 cùng năm (2018), Nhật và Hiếu lập nhiều Fanpage đứng tên các công ty nơi mình đang làm giám đốc, chuyên bán các loại mỹ phẩm như mặt nạ dưỡng da, son môi, sữa tắm, nước hoa… chạy quảng cáo để tăng mức độ tiếp cận.

Dưới vỏ bọc là những doanh nhân thành đạt, cả 2 đã tuyển 100 nhân viên, phân ra nhiều cấp quản lý, làm việc ở nhiều chi nhánh trong nước như Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hà Tĩnh, TP.HCM.


Nhóm quản lý nhận lương 10 – 15 triệu đồng/tháng, thêm tiền ‘hoa hồng’ 13 – 30% tùy vào số hàng bán ra.


Nhóm này lên Fanpage đăng tin tuyển cộng tác viên làm việc online, ưu tiên các ‘mẹ bỉm sữa’ , hứa hẹn lương cứng hơn 10 triệu đồng/tháng.

Theo mô tả công việc, các bà mẹ bỉm sữa hàng ngày chỉ cần đăng bài viết và hình ảnh về các mặt hàng mỹ phẩm, khách có nhu cầu mua sản phẩm thì nhập hàng của công ty về để bán.

Không có khách, họ vẫn được hưởng 50.000 đồng/ngày. Nếu có khách, họ nhận 100.000 đồng, ngoài ra một sản phẩm bán ra còn được hưởng tiền chênh lệch 10 – 20%.

Một số đối tượng trong đường dây ‘siêu lừa’ của Nhật và Hiếu tại cơ quan điều tra. (Ảnh: Vnexpress)

Những mỹ phẩm được rao bán từ 500.000 đến 8 triệu đồng/sản phẩm. Tuy nhiên đây đều là hàng giả, kém chất lượng, giá cao gấp 40 – 50 lần chi phí thực.


Khi có ‘con mồi’ tham gia đường dây, nhân viên trong nhóm của Nhật và Hiếu sẽ sử dụng sim rác hoặc lập tài khoản mạng xã hội ảo gọi điện, nhắn tin đặt mua hàng với số lượng lớn, nói dối để sử dụng, tặng đối tác hoặc nhập về bán lại kiếm lời. Cộng tác viên nhận đơn xong sẽ liên lạc lại với công ty, sau đó phải chi từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng để nhập hàng về giao cho khách.


Để nạn nhân tin tưởng, chúng in ra một ‘phiếu bảo đảm’ , cam đoan sẽ được hoàn trả hàng nếu giữ lại phiếu. Tuy nhiên lúc đơn vị chuyển phát nhanh phản hồi mỹ phẩm đã được giao đến tay các cộng tác viên, phía công ty và ‘khách đặt mua hàng’ ban đầu lập tức cắt đứt liên lạc, hủy các tài khoản mạng xã hội. Vì địa chỉ giao dịch ghi trên chứng từ đều là giả nên các nạn nhân dù cố gắng cũng không thể trả lại số hàng kém chất lượng đã lỡ đặt về.

Khoảng 3 năm sau đó, manh mối về đường dây trên mới dần được hé lộ khi Công an Hà Tĩnh phát hiện một nhóm nam nữ thanh niên trên địa bàn thường tụ tập nhau ăn chơi, có biểu hiện bất minh về kinh tế.

Quá trình rà soát từ trên mạng cho đến ở ngoài đời thực, cảnh sát xác định nhóm này đang tham gia vào một tổ chức lừa đảo trực tuyến quy mô lớn. Tuy nhiên những thanh niên ở Hà Tĩnh trên chỉ là quản lý cấp một và nhân viên dưới trướng của Nhật và Hiếu.


Theo Trung tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng phòng cảnh sát hình sự, Công an Hà Tĩnh, thủ đoạn mua mỹ phẩm giá rẻ về, sau đó tuyển cộng tác viên lừa nhập hàng với giá cao hơn thực tế nhiều lần rồi ‘bom hàng’ rất khó chứng minh bản chất, vì đơn thuần chỉ là giao dịch mua bán. Một số cơ quan từng tiếp nhận đơn tố cáo của bị hại đã vào cuộc tìm hiểu, song đều không đủ chứng cứ vững chắc để kết tội.

Ngoài ra, Nhật và Hiếu ít liên lạc với nhân viên dưới trướng mà ủy quyền cho những trợ lý thân tín. Khi thấy bị động, chúng sẽ xóa sạch dấu vết. Trong khi nhiều bị hại lại có tâm lý xấu hổ, sợ gia đình biết chuyện nên từ chối hợp tác với cơ quan chức năng.


Phải 4 tháng sau, lực lượng chức năng mới có đủ tài liệu để dựng lên hồ sơ vụ án và chân dung về 2 ‘siêu lừa’ đội lốt giám đốc. Lúc này, đường dây trên đã lan ra hơn 45 tỉnh thành. Với mong muốn ‘phủ sóng mạng lưới’ trên toàn quốc, Nhật và Hiếu đã mở thêm hàng chục chi nhánh tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Đến giữa tháng 04/2021, Công an Hà Tĩnh quyết định kiểm tra đồng loạt hàng chục địa điểm ở nhiều tỉnh thành, bắt gần 40 người, thu 3,6 tỷ đồng tiền mặt cùng nhiều tang vật liên quan.

Nhật và Hiếu bị công an bắt giữ tại Hà Nội. Cả 2 ban đầu luôn khẳng định việc nhập hàng về bán cho cộng tác viên chỉ là giao dịch dân sự. Tuy nhiên sau đó đã nhận tội.

Phía cảnh sát xác định, từ khi hoạt động vào năm 2018 đến thời điểm bị xóa sổ, Nhật và Hiếu cùng đồng phạm đã lừa hàng chục nghìn người tại 45 tỉnh thành trên cả nước, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.


Chỉ tính riêng 6 tháng cuối năm 2020, số nạn nhân bị lừa là hơn 3.000. Trung bình một nạn nhân bị lừa khoảng 7 – 8 triệu đồng, có trường hợp vì muốn ‘gỡ gạc’ nên mất vài chục triệu đồng.


Về nguyên nhân, cơ quan điều tra cho biết, ngoài việc nhẹ dạ cả tin thì một số người cũng vì ham lợi nhuận, tin vào lời hứa hão huyền ‘làm ít, hưởng nhiều’ hay ‘việc nhẹ lương cao’ nên ‘sập bẫy’.


Hiện vụ án vẫn đang được điều tra mở rộng. Từ tháng 07/2021 đến nay, đã có thêm hàng chục ‘chân rết’ của đường dây trên bị phát hiện. Nhật và Hiếu cùng các đồng phạm đã bị khởi tố, bắt giam và cấm đi khỏi nơi cư trú về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’.


Theo Vnexpress

Chia sẻ Facebook