Tìm thấy hóa thạch loài chim cánh cụt lớn nhất từng tồn tại
Hóa thạch hơn 55 triệu năm tuổi ở New Zealand tiết lộ một loài chim cánh cụt khổng lồ chưa từng được biết đến nặng 154kg.
Trong nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Paleontology hôm 8/2, các nhà cổ sinh vật học đặt tên cho loài chim cánh cụt tiền sử mới là Kumimanu fordycei . Hóa thạch của nó được tìm thấy cùng với 8 mẫu vật khác bên trong những tảng đá có niên đại cách đây 55,5 - 59,5 triệu năm trên bãi biển Bắc Otago ở Đảo Nam của New Zealand.
Dựa trên kích thước và mật độ xương của hóa thạch so với chim cánh cụt hiện đại, ước tính Kumimanu fordycei có thể nặng tới 154kg, biến nó trở thành loài chim cánh cụt lớn nhất từng được biết đến. Để so sánh, một nam thanh niên 20 tuổi ở Mỹ nặng trung bình 90kg. Do bộ xương không hoàn chỉnh, các nhà nghiên cứu không chắc chắn về chiều cao của sinh vật.
Trước đây, loài chim cánh cụt lớn nhất được ghi nhận là Palaeeudyptes klekowskii, sống ở Nam Cực 37 triệu năm trước. Chúng nặng khoảng 116kg và cao 2m. Loài lớn tiếp theo là Kumimanu biceae nặng khoảng 121kg và cao 1,8m.
Trong 8 mẫu vật chim cánh cụt khác được khai quật ở Bắc Otago còn có thêm một loài mới là Petradyptes stonehousei. Nó nặng khoảng 50kg, chỉ lớn hơn một chút so với chim cánh cụt hoàng đế còn sống hiện nay.
Hai loài mới có khả năng nằm trong số những loài chim cánh cụt cổ đại đầu tiên, vì vậy khám phá này có thể làm sáng tỏ cách chim cánh cụt khổng lồ tiến hóa theo thời gian.
"Kumimanu fordycei và Petradyptes stonehousei có xương chân chèo tương đối nguyên thủy, giống với những loài chim có thể bay trên không trung và dùng cánh để đẩy cơ thể khi bơi dưới nước, chẳng hạn như chim anca và hải âu cổ rụt. Tuy nhiên, cả hai loài chim cánh cụt mới đều không thể bay" , tác giả đầu tiên của nghiên cứu Daniel Ksepka, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Bruce ở Greenwich, nói với Live Science .
Chim cánh cụt có thể đã mất khả năng bay để bơi lặn vào khoảng 60 triệu năm trước, không lâu trước khi hai loài mới xuất hiện. Vì vậy, những con chim cánh cụt đầu tiên này vẫn chưa phát triển chân chèo hiệu quả như được nhìn thấy ở những con chim cánh cụt về sau.
Kích thước của K. fordycei cho thấy xu hướng khổng lồ đã phát triển từ rất sớm trong dòng dõi chim cánh cụt. Điều đó chứng tỏ những lợi thế của kích thước lớn, như khả năng điều hòa nhiệt và lặn hiệu quả hơn, đã gây áp lực chọn lọc rất mạnh đối với chim cánh cụt ngay sau khi chúng mất khả năng bay.
Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng điều kiện môi trường độc đáo của New Zealand cổ đại đóng một vai trò quan trọng trong sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của chim cánh cụt khổng lồ.