Tìm ra cách chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine?

Chia sẻ Facebook
16/07/2022 13:43:04

Đó là lời khẳng định của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Ông nói biết cách giải quyết xung đột Nga-Ukraine nhưng sẽ chỉ trao đổi với Tổng thống Zelensky.

Nga nêu điều kiện đạt thỏa thuận hòa bình với Ukraine


Hãng tin Interfax ngày 14/7 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho biết, Nga sẽ phản hồi tích cực nếu Ukraine sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, tuy nhiên Kiev phải chấp nhận tình hình "thực tế về lãnh thổ".

Theo Thứ trưởng Rudenko, Ukraine phải đưa ra phản hồi rõ ràng đối với các đề xuất của Nga, trong đó Moscow yêu cầu Kiev phải chấp nhận tình trạng "không liên kết" và "phi hạt nhân hóa" để đạt được một thỏa thuận hòa bình. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng phải công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bán đảo Crimea và tình trạng của các nước "cộng hòa nhân dân" ly khai ở Donetsk và Lugansk tại vùng Donbass, miền Đông Ukraine.

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố, mục tiêu của Ukraine trong cuộc chiến là "giải phóng lãnh thổ, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, toàn bộ chủ quyền ở miền Đông và miền Nam Ukaine". Ông Kuleba cho biết thêm, đây cũng là lập trường đàm phán của Kiev.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Ukraine nói rằng, các cuộc hòa đàm giữa hai bên vẫn đang đóng băng. Theo ông Kuleba, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine không có tiến triển vì "lập trường của Nga và các hành động của họ chống lại Ukraine". Việc quay trở lại các cuộc đàm phán đã bị cản trở bởi việc tăng cường pháo kích ở cả hai bên chiến tuyến và các cuộc tấn công của Nga vào các thành phố, mặc dù họ khẳng định không nhắm vào dân thường.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi tháng 6 cho biết, nếu Ukraine muốn quay trở lại bàn đàm phán để chấm dứt xung đột, Moscow sẽ phải xem xét "tình hình trên thực địa". Ông Lavrov cáo buộc một số nước phương Tây không cho phép chính quyền Ukraine thiết lập lại nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột với Nga.


Ukraine kêu gọi lập tòa án đặc biệt điều tra Nga

Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi thành lập một "tòa án đặc biệt" để điều tra "những tội ác" của lực lượng Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. "Các cơ quan tư pháp hiện tại không thể đưa tất cả các bên có tội ra trước công lý. Do đó, cần có một tòa án đặc biệt để giải quyết những tội ác" từ chiến dịch quân sự của Nga, Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu trực tuyến tại một hội nghị về chiến sự Ukraine tại The Hague, Hà Lan hôm 14/7.

"Một tòa án sẽ đảm bảo sự trừng phạt công bằng và hợp pháp đối với những kẻ đã gây ra chuỗi thảm họa này. Phải có hình phạt bắt buộc và có nguyên tắc đối với tất cả tội phạm người Nga", ông Zelensky nói thêm.

Bài phát biểu của Tổng thống Zelensky diễn ra vài giờ sau khi giới chức Ukraine cáo buộc một cuộc tấn công của Nga giết chết ít nhất 20 dân thường, bao gồm trẻ em, ở thành phố Vinnytsia, miền Trung nước này.

Được tổ chức bởi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), Ủy ban châu Âu và Hà Lan, sự kiện tại The Hague nhằm đảm bảo những tội ác trong xung đột Ukraine sẽ bị trừng phạt. ICC đã mở một cuộc điều tra về tội ác chiến tranh vào tháng 3, không lâu sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tổng công tố Ukraine tháng trước cho biết, nước này đã mở hơn 16.000 cuộc điều tra về các hành vi có thể coi là tội ác chiến tranh trong chiến dịch quân sự của Nga, bắt đầu từ ngày 24/2. Về phía mình, Nga nhiều lần bác cáo buộc phạm tội ác chiến tranh hay nhắm mục tiêu vào dân thường ở Ukraine, khẳng định đây là chiến dịch "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa".

Tổng thống Brazil nói có cách để chấm dứt xung đột ở Ukraine

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hôm 14/7 cho biết, ông đã tìm ra cách để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng ông sẽ không chia sẻ về kế hoạch này cho tới khi trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tuần tới.

"Tôi sẽ nói với ông ấy quan điểm của mình. Giải pháp cho cuộc chiến này. Tôi biết cách để giải quyết cuộc xung đột này nhưng sẽ không nói với bất kỳ ai”. Nhà lãnh đạo Brazil từ chối nêu chi tiết về kế hoạch hòa bình mà ông đề xuất, song đánh giá cuộc xung đột này có thể được giải quyết "giống như cách cuộc chiến giữa Argentina và Anh kết thúc năm 1982". Ngày 2/4/1982, quân đội Argentina bất ngờ đổ bộ chiếm quần đảo Falkland tranh chấp với Anh, mở đầu cuộc chiến Falkland. Sau đó, Anh đã điều tới một hạm đội tàu chiến mạnh với mục tiêu tái chiếm quần đảo. Lực lượng Argentina bị áp đảo về lực lượng và đã đầu hàng vào tháng 6/1982.

Theo kế hoạch, nhà lãnh đạo Brazil dự kiến sẽ điện đàm với ông Zelensky ngày 18/7. Ông Bolsonaro cho biết, đã đồng ý tiến hành cuộc điện đàm ngay sau khi phía Ukraine đưa ra đề nghị.


Ông Bolsonaro đã đến thăm người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Moscow vào tháng 2, vài ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Đến nay, ông vẫn giữ quan điểm trung lập về xung đột.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. (Ảnh: Getty).

Tổng thống Biden: Cuộc chiến của Nga ở Ukraine sẽ là một thất bại chiến lược

Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho Ukraine để đảm bảo Nga chịu thất bại trong cuộc xung đột này, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định ngày 14/7 trong chuyến thăm 4 ngày tới Israel và Saudi Arabia. Bình luận trên được ông Biden đưa ra trong cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo khác về phản ứng trước cuộc chiến ở Ukraine cũng như tình trạng thiếu hụt lương thực ngày càng tồi tệ hơn trên toàn cầu.

"Cuộc chiến của Tổng thống Putin ở Ukraine là một thách thức với hòa bình và sự ổn định trên thế giới. Cuộc chiến này sẽ là một thất bại chiến lược", Tổng thống Biden nói trong cuộc họp báo ở Jerusalem sau cuộc gặp với Thủ tướng Israel Yair Lapid. "Thế giới tự do phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine bảo vệ nền dân chủ. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine và người dân Ukraine", nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố.

Chính sách về Ukraine đã gây chia rẽ Israel và Mỹ. Israel luôn thận trọng trong việc chỉ trích Nga, và sự thận trọng này đã làm dấy lên những chỉ trích từ Mỹ. Israel đã nhiều lần thể hiện sự ủng hộ với Ukraine, cũng như cung cấp cứu trợ nhân đạo và các trang thiết bị bảo hộ cho Kiev. Tuy nhiên, nước này chưa gửi vũ khí cũng như chưa áp bất kỳ lệnh trừng phạt chính thức nào lên Moscow.


Cùng ngày, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - bà Janet Yellen nói rằng, cuộc xung đột tại Ukraine khiến lạm phát tăng vọt vào thời điểm thế giới đang phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch Covid-19 , đe dọa gây ra nạn đói và tình trạng nghèo khổ lan rộng.

“Thách thức lớn nhất hiện nay của chúng ta bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Chúng ta đang chứng kiến những tác động tiêu cực lan tỏa từ cuộc xung đột đó ở mọi ngóc ngách trên thế giới, đặc biệt là về giá năng lượng tăng cao và tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng”, bà Yellen nhận định.

"Cộng đồng quốc tế cần phải làm rõ về việc buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin chịu trách nhiệm về những hậu quả kinh tế và nhân đạo toàn cầu trong cuộc xung đột”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói thêm. Đồng thời, bà Yellen cho biết, bà sẽ tiếp tục gây thúc ép các đồng minh G20 tại cuộc họp để yêu cầu áp giá trần lên dầu Nga, nhằm gây sức ép buộc Moscow phải chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cũng như giúp giảm giá năng lượng.

Ở chiều ngược lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, cho biết nỗ lực của nhóm G7 nhằm áp mức trần lên giá dầu Nga thực tế chỉ làm cho giá dầu tăng cao thêm.

Trong khi đó, bà Yulia Zhdanova, cố vấn phái đoàn Nga trong các cuộc trao đổi ở Vienna, Áo về an ninh quân sự và kiểm soát vũ trang cho rằng, phương Tây đang làm mọi thứ để ngăn Kiev tham gia vào tiến trình hòa bình. "Đã đến lúc phương Tây quyết định họ thực sự muốn đạt được điều gì: Những cuộc đàm phán hay chiến thắng của Ukraine “trên chiến trường”. Cho tới nay, họ làm mọi thứ để ngăn cản Kiev tham gia vào tiến trình hòa bình cũng như bơm vũ khí cho Ukraine". Theo nhà ngoại giao này, phương Tây vẫn tiếp tục những hành vi đối đầu với Nga, đặc biệt khi cố vấn Ủy ban Mỹ về Hợp tác và An ninh ở châu Âu Pual Massaro nói rằng, Ukraine được phép tấn công Belarus và Nga.

Quân nhân Ukraine dỡ các lô tên lửa chống tăng do phương Tây viện trợ hồi tháng 2/2022. (Ảnh: AP).


EU xem xét gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Nga

Mới đây, ông Petr Fiala, Thủ tướng Czech - quốc gia đang giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), xác nhận khối đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 7 nhắm vào Nga. Dự kiến, vòng trừng phạt mới nhất của EU đối với Nga sẽ nhằm vào xuất khẩu vàng của Moscow và thắt chặt các lỗ hổng hiện có. Bên cạnh đó, gói trừng phạt thứ 7 của EU cũng sẽ đưa vào “danh sách đen” thêm nhiều thực thể và cá nhân Nga được cho là có liên hệ với điện Kremlin, đồng thời sẽ bổ sung một số hàng hóa vào danh sách hiện có nhằm ngăn chặn hành vi "né" lệnh trừng phạt.

Gói trừng phạt thứ 7 dự kiến sẽ được công bố trong tuần tới. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ ban hành các hướng dẫn về những loại hàng hóa có thể và không thể vận chuyển từ Nga đến khu vực châu Âu qua lãnh thổ Litva. Đáng chú, các biện pháp trừng phạt tiếp theo của EU sẽ không bao gồm lĩnh vực năng lượng của Nga. Trước đó, gói trừng phạt thứ 6 bao gồm các lệnh cấm nhập khẩu than và dầu của Nga, nhưng loại trừ Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc - những nước nhận dầu từ Nga qua đường ống.

Nhập khẩu vàng của Nga đã bị Mỹ, Anh, Nhật Bản và Canada cấm. Quyết định này được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Đức vào tháng trước.


TÚ ANH (T/h)

Chia sẻ Facebook