Tìm mua căn hộ giá 500 triệu đồng ở đâu?
Căn hộ có giá 500 triệu đồng ở các thành phố lớn không phải là không có. Cụ thể, đó là các căn hộ nhà ở xã hội có diện tích nhỏ.
Nhà ở xã hội đang "nóng" dần trở lại
2 tháng trở lại đây, nhà ở xã hội bỗng nhiên nóng trở lại. Khi 1 số doanh nghiệp lớn cho biết sẽ xây dựng hàng loạt các dự án nhà ở xã hội. Vinhomes cho biết đã nộp đơn xin xây dựng 1 số dự án tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Công ty Hòa Bình nộp hồ sơ xin xây dựng 2 dự án tại Lĩnh Nam và Vĩnh Hưng, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ngoài ra, một số công ty như Becamex IDC, Viglacera, APEC, Nam Long… cũng tuyên bố trở lại đường đua xây dựng nhà ở xã hội. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội, giá 300-500 triệu đồng/căn đang rất lớn, nhưng nhiều năm qua, gần như bị biến mất.
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty Hòa Bình, cho biết: ""Ở Hà Nội, theo chúng tôi tìm hiểu, có 500 nghìn người đang có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Từ năm 2014 đến giờ, chưa có căn nhà ở xã hội nào dành cho công chức viên chức, người lao động, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang công an, bộ đội, ủng hộ đề án nhà ở xã hội, để có nhà ở bằng thu nhập của mình".
Thực tế, các căn hộ có giá bán 300-500 triệu đồng đã xuất hiện tại một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh thành phát triển mạnh các khu công nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Miền, tỉnh Bắc Ninh, nói: "Tôi đang ở một dự án nhà ở xã hội, giá 500 triệu đồng, 60m2 hợp với 2 vợ chồng. Không đủ điều kiện mua nhà đất, may có các dự án như thế này".
Sự xuất hiện trở lại của các dự án nhà ở xã hội, dù ít dù nhiều, đang khiến rất nhiều người thu nhập trung bình và thấp kỳ vọng sẽ sớm mua được nhà ở an cư, nhất là tại các thành phố lớn.
Ngoài nhà ở xã hội, người mua nhà nhu cầu mua căn hộ ở tầm tiền đó thì có thể tìm hiểu thêm các căn hộ chung cư mini do cá nhân hoặc các tổ chức xây dựng, thường tại trung tâm các thành phố lớn. Nó giống như 1 căn phòng nhỏ khép kín. Nhưng nhược điểm là hầu hết các căn hộ chung cư mini đều chưa được cấp sổ đỏ , do chưa đạt nhiều tiêu chí về mặt pháp lý. Ngoài ra, tại TP Hồ Chí Minh, trước đây cũng đã có doanh nghiệp xây nhà ở thương mại với diện tích nhỏ khoảng 25m2 với mức giá vừa phải.
Nguyên nhân nhà ở xã hội "nóng" trở lại
Nhiều người đang rất tò mò là tại sao một loại hình nhà giá rẻ đắt khách đang gần như biến mất trên thị trường suốt mấy năm qua, nay lại đột nhiên nóng trở lại.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết: "Chính phủ và Quốc hội đã có hai chính sách lớn. Thứ nhất là 15.000 tỷ đồng cho người vay, thứ 2 là hỗ trợ cho các doanh nghiệp với lãi suất 2%, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Từ đầu 2022, Bộ Xây dựng đã đi làm việc trực tiếp, mời DN triển khai các dự án, chỉ từ đầu năm đã khởi công được 11 dự án, 26 nghìn căn".
Như vậy, ngoài nguyên nhân nhu cầu trên thị trường quá lớn, các chính sách ưu đãi về lãi suất, về thuế, về tiền sử dụng đất cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp quay trở lại phát triển, xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chia sẻ, vẫn còn một số vướng mắc cần được tháo gỡ để các dự án đề xuất trên giấy sớm trở thành hình hài nhà ở thật sự.
Đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho nhà ở xã hội
Dù nộp hồ sơ xin xây dựng nhà ở xã hội trên 2 khu đất thuộc sở hữu của doanh nghiệp cách đây nửa năm, nhưng đến nay Công ty này vẫn chưa được thành phố đồng ý chủ trương đầu tư. Đại diện doanh nghiệp cho rằng, việc xử lý thủ tục cần được đẩy nhanh hơn nữa. Ngoài ra, hiện nay không ít doanh nghiệp rất "trăn trở" việc muốn làm nhà ở xã hội, nhưng lại không có quỹ đất.
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty Hòa Bình, nói: "Các tỉnh, thành phố phải có quỹ đất làm nhà ở xã hội. Còn nếu chưa có tiền giải phóng mặt bằng, ngân sách chưa bố trí được thì các doanh nghiệp sẽ ứng tiền. Phát triển nhà ở xã hội đầu tiên phải có quỹ đất".
Trong gói hỗ trợ năm nay, doanh nghiệp triển khai nhà ở xã hội sẽ được hỗ trợ 2% lãi vay thương mại. Còn người mua, thuê, sẽ được vay với lãi suất ưu đãi. Các doanh nghiệp cho biết, quá trình triển khai giải ngân nguồn vốn này cần được đẩy nhanh hơn.
Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cát Tường nhận định: "Nên ưu tiên dự án nào sắp làm được để sớm có nhà, chứ không phải cho tất cả các dự án đăng ký, không thì đến hết năm ko có dự án nào đủ điều kiện. Nguồn vốn sẽ dàn trải, ko trọng tâm. Nên tập trung cho dự án cụ thể".
Thị trường đang rất "khát" nhà ở xã hội
Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu BĐS cho thấy, thị trường đang rất "khát" nhà ở xã hội, với các căn hộ từ 500 triệu tới 1 tỷ đồng. Nhu cầu thì lớn, nhưng giá nhà lại tăng chóng mặt. Đơn cử, giá bán căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh trung bình đã đạt tới 65 triệu đồng/m2 trong quý II vừa qua.
Thị trường đang rất "khát" các căn hộ nhà ở xã hội. Để "giải tỏa" cơn khát này, nếu các doanh nghiệp chỉ đăng ký thôi thì chưa đủ. Điều quan trọng nhất vẫn là thúc đẩy để các dự án trở thành hiện thực, xây được các căn hộ với giá thành vừa phải cho người dân. Và để làm được điều này, cần sự ủng hộ của chính quyền các địa phương và thủ tục pháp lý thực hiện pháp lý cần được rút ngắn, đẩy nhanh hơn nữa.