Tìm mô hình phát triển mới cho ĐBSCL: Khó khăn nhưng phải kiên trì
Nhấn mạnh cái mới bao giờ cũng khó khăn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định sẵn sàng cùng doanh nghiệp để hình thành mô hình phát triển mới cho ĐBSCL.
ĐBSCL đang trong giai đoạn chuyển mình
Chiều 1/8, sau Lễ công bố Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022, tại Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo chính sách Phát triển ĐBSCL nhìn từ quy hoạch tích hợp" do VCCI Cần Thơ tổ chức phối hợp của Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP Hồ Chí Minh và Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GIZ).
Hội thảo nhằm ghi nhận các ý kiến trao đổi của các nhà quản lý, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế xoay quanh những kết quả nghiên cứu từ Báo cáo thường niên và những vấn đề đang diễn ra ở ĐBSCL để khuyến nghị về những chính sách thích ứng để ĐBSCL phát triển bền vững trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: "ĐBSCL đang trong giai đoạn chuyển mình để bước sang thời kỳ mới trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, kinh tế suy thoái và đặc biệt là sự tác động của BĐKH, các địa phương và doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi kinh tế, tìm kiếm nguồn lực cho phát triển…".
Các nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã cơ bản đầy đủ, là tiền đề cho giai đoạn phát triển mới, trong đó Quy hoạch tích hợp ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được ví như là một sự sắp đặt lại cấu trúc kinh tế của vùng vốn đã manh mún, bị chi phối bởi quan niệm phát triển và cách tiếp cận trong hoạch định tăng trưởng của từng địa phương.
Tuy nhiên, để các Nghị quyết quan trọng được triển khai, bản Quy hoạch tích hợp được nhanh chóng được thực thi, ông Võ Tân Thành cho rằng, điều này đòi hỏi các địa phương trong vùng cần định hình lại mô hình phát triển, theo đó các chính sách đi kèm cần được xây dựng một cách đầy đủ, mang tính thực tiễn để nắm bắt cơ hội phát triển mới. Để có những chính sách hiệu quả, các địa phương cần tìm hiểu những khó khăn thực tại của doanh nghiệp và những sáng kiến từ cộng đồng, từ đó cùng nhau hợp tác, cùng nhau tư duy để tìm mô hình phát triển mới…
Tìm kiếm động lực và nguồn lực phát triển mới cho ĐBSCL
Tại Diễn đàn, cho rằng ĐBSCL đang tụt hậu về kinh tế so với cả nước, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam nhấn mạnh, mô hình phát triển ĐBSCL hiện tại tuy hữu dụng trong quá khứ nhưng không còn phù hợp trong bối cảnh mới.
Do đó, để phát triển mô hình mới cho ĐBSCL, nhất thiết phải có:
- Tầm nhìn phát triển mới
- Tháo gỡ được các nút thắt phát triển cơ bản, phá "vòng xoáy" đi xuống.
- Động lực phát triển mới
- Nguồn lực đủ để thực hiện tầm nhìn.
Theo đó, TS. Vũ Thành Tự Anh nêu quan điểm cho rằng, mô hình phát triển mới cho ĐBSCL cần hài hòa kinh tế – xã hội – môi trường. Từng bước chuyển đổi thứ bậc ưu tiên dựa trên lợi thế so sánh: Từ lúa gạo – thủy sản – trái cây sang thủy sản – trái cây – lúa gạo cho vùng; Chú trọng chất lượng và giá trị hơn số lượng; Nước mặn, nước lợ chứ không chỉ nước ngọt đều là tài nguyên quý báu.
Về động lực tăng trưởng mới, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam nhấn mạnh việc phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại thay cho sản xuất nông nghiệp truyền thống và phát triển Kinh tế xanh (năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, dịch vụ sinh thái…).
Bên cạnh đó, để huy động nguồn lực phát triển cho ĐBSCL, cần sự ủng hộ và đồng thuận chính trị đóng vai trò hết sức quan trọng. TS. Vũ Thành Tự Anh cũng đặt ra câu hỏi: Nếu tư nhân đầu tư, người dân có ở lại?
Sau khi lắng nghe ý kiến của một số chuyên gia và tổ chức quốc tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ về những khó khăn của người nông dân: "Tôi trăn trở hàng ngày khi nghe tiếng kêu, lời than trách của nông dân từ Hà Giang tới Cà Mau. Mới đầu cũng buồn, giận nhưng nghĩ lại thì thấy thương bà con không thể biết được những gì chúng ta đang bàn về những lý thuyết. Đây là vấn đề của tất cả chúng ta".
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trích dẫn câu nói của lão nông Lê Văn Lam: "Chỉ cần lúa có giá, nông dân chúng tôi sẵn sàng ra đồng giăng mùng ngủ giữ lúa. Chứ giá lúa thấp, thì nông dân sẽ bỏ ruộng, đó mới là mất an ninh lương thực". Qua đó, Bộ trưởng đặt câu hỏi: "Chúng ta muốn bớt lúa thì người nông dân làm gì?".
Nhấn mạnh Nghị quyết Trung ương đề cập tới 3,5 triệu ha đất lúa sử dụng linh hoạt và "an ninh lương thực" có thêm "thực phẩm", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần giải những bài toán này và cho rằng, việc chuyển đổi chính sách cần xuất phát từ chính người nông dân, doanh nghiệp và chính quyền ĐBSCL, tránh sự thoát ly chính sách.
Theo Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐSBCL 2022 vừa công bố, bất chấp dịch bệnh, khu vực nông nghiệp tăng trưởng mạnh nhưng vẫn không đủ sức vực dậy kinh tế Vùng.