Tìm hiểu về việc chống tham quan dưới thời quân chủ nước ta

Chia sẻ Facebook
12/01/2023 03:06:02

Vào những thời kỳ thịnh trị tại các triều đại khác nhau, việc chế tài quan tham luôn được ưu tiên nhằm giúp cho xã hội ổn định, bên cạnh đó còn khuyến thích sự thanh liêm, đào tạo nên và tạo điều kiện cho các vị quan vì dân vì nước.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Nhà Lý – Trần

Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô về Hoa Lư, đánh dấu thời kỳ văn minh phát triển đến cực thịnh, các triều đại cũng kéo dài nhiều đời vua, chứ không tồn tại ngắn ngủi như thời nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê trước đó.

Văn minh phát triển, nhà Lý chú trọng việc chế tài xử lý các quan tham. Đại Việt Sư lý Toàn thư có ghi chép lại rằng:


Quý Mùi (1043), vua đã xuống chiếu cho Quyến khố ty (ty coi việc kho lụa) “ai nhận riêng một thước lụa của người thì xử 100 trượng, từ 1 tấm đến 10 tấm trở lên thì phạt trượng theo số tấm, gia thêm khổ sai 10 năm”.


Đến thời vua Lý Thánh Tông, Vua không chỉ phòng tránh nạn tham quan mà còn có chính sách khuyến khích quan thanh liêm. Vua đưa ra một hình thức thưởng tiền đặc biệt cho các quan, gọi là tiền “dưỡng liêm”, tức nuôi dưỡng sự liêm khiết, đến thời nhà Nguyễn cũng áp dụng việc thưởng này.


Thời vua Lý Anh Tông có lệ khảo khóa đối với các quan, cứ 9 năm một lần, nếu ai không có lỗi gì mới được thăng chức, nếu ai có điều tiếng hay nhũng nhiễu dân chúng thì không được thăng. Sách “Việt sử cương mục tiết yếu” có chép rằng rằng: “Tháng 2, khảo xét thành tích các quan (9 năm 1 lần khảo xét). Các quan văn võ sau khi khảo xét đủ, không có tội lỗi thì được thăng cấp”.


Nhờ có những lần khảo khóa này mà chỉ những ai trị dân tốt, không phạm tội mới được cất nhắc thăng chức, được xem là thay mặt Vua mà cai quản dân chúng, những vị quan này rất tốt và hầu hết không ai ức hiếp dân chúng. Nhà sử học Phan Huy Chú cũng nhận xét rằng: “Quan đều đáng tài, không có nhũng lạm”.


Thời nhà Trần kế tục các chính sách của nhà Lý. Năm 1250, vua Trần Thái Tông đặt ra cơ quan “Ngự sử đài” nhằm giám sát quan lại các cấp, giữ kỷ cương cho triều đình, các triều đại sau này vẫn tiếp tục duy trì cơ cấu này.

Thời nhà Lý, Trần tín ngưỡng Phật Pháp, luật pháp quy định là công cụ để ước chế được tâm của con người, nhưng Vua dùng Phật Pháp để giáo hóa dân chúng và quan lại. Các vị Vua thời mạt không còn tín ngưỡng Phật Pháp, chỉ lo ăn chơi hưởng thụ, quan lại cũng hùa theo mới khiến xã hội rối loạn, kỷ cương phép nước không còn.

Nhà Lê

Thời nhà Lê, Phật giáo không còn được xem trọng như trước, nhưng Nho học rất được xem trọng. Nhà Lê chú trọng vào công cụ là luật pháp để ổn định Xã Tắc, từ đó bộ luật Hồng Đức ra đời.

Đến thời vua Lê Thánh Tông thì bộ luật Hồng Đức đã được cải tiến và hoàn chỉnh, định ra chế độ giám sát giữa các quan, quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các quan, đồng thời có chế độ kiểm tra giám sát giữa các quan cùng các biện pháp thưởng phạt công minh. Bộ máy nhà nước thời nhà Lê cồng kềnh hơn nhưng vẫn đảm bảo được sự vững mạnh và hiệu quả.


Vua Lê Thánh Tông thành lập “Lục khoa” có trách nhiệm điều tra các sai phạm của quan lại ở Lục bộ. Còn ở địa phương thì vẫn dùng cơ quan “Giám sát Ngự sử” để thường xuyên kiểm tra các quan địa phương.

Quan lại thời nhà Lê đều từ con đường khoa cử, chỉ những ai thi đỗ những kỳ thi Nho học mới được cử ra làm quan. Những người thi đỗ đều là những nhà Nho kinh qua những kinh điển Nho học, hiểu đạo lý làm người, nên thường làm quan giữ được kỷ cương phép nước, vì dân và triều đình mà làm tròn bổn phận.

Thời vua Lê Thánh Tông lần đầu tiên áp dụng thử việc với các quan lại. Sau một thời gian bổ nhiệm, triều đình sẽ xem xét kết quả. Thanh liêm, trung thực luôn là tiêu chí được chọn dùng.

Nhà Lê Trung Hưng và nhà Nguyễn

Thời Lê Trung Hưng và nhà Nguyễn chú trọng thi cử chọn người hiền tài. Muốn làm quan thì chỉ có con đường khoa cử chứ không có đường khác, dẫu là con quan lớn đầu Triều mà không thi đậu thì cũng không được bổ nhiệm làm quan.

Nhà Nguyễn vẫn duy trì Đô ngự sử để giám sát các quan lại, tránh tham quan nhũng nhiễu của dân. Nhà Nguyễn có bộ luật Gia Long nổi tiếng nghiêm khắc, nhất là với quan lại, vì quan càng giữ chức vụ cao càng phải nêu gương. Triều đình chỉ phạt trực tiếp người phạm tội, không phạt thân quyến, bỏ một số hình phạt như tru di tam tộc.

Quan lại hưởng bổng lộc cao hơn dân chúng, nhưng nếu quan nhà Nguyễn phạm luật thì hình phạt cũng cao hơn dân chúng. Ví dụ luật quy định:

“Quan lại dùng uy thế vô cớ bắt trói người và tra khảo họ nơi tư gia (không kể có thương tích hay không thương tích) thì tăng hơn người thường hai bậc tội. Nếu nạn nhân chết, người ấy bị xử treo cổ”.

Quan lại mà lấy trộm Nội phủ thì đều bị đem chém, bất kể trộm nhiều hay ít, vì thế mà vào năm 1823 quan nội phủ Lý Hữu Diệm ăn cắp hơn một lạng vàng bị đem chém.

Để tránh nạn tham quan cường quyền ức hiếp dân chúng, luật Gia Long có quy định như cưỡng đoạt con gái nhà lành bị thắt cổ:

“Cưỡng đoạt vợ con gái nhà lành bán cho người khác làm thê thiếp, hay đem dâng cho vương phủ, cho nhà huân công hào thích thì đều bị xử giam chờ thắt cổ”.

Năm 1822, vùng Quảng Đức và Quảng Trị bị thiên tai, triều đình cho mở kho thóc cứu dân, nhưng một số quan lại ở địa phương lại lấy bớt thóc, việc bị phát hiện, tất cả đều bị đem chém để làm gương.

Các quan tham nhũng của dân đều bị tịch thu tài sản, tội nặng đều bị đem chém trước dân.


Cùng với việc xử nghiêm các quan tham, nhà Nguyễn cũng chú trọng ban thưởng cho các quan thanh liêm, ngoài việc trả bổng lộc cho các quan, còn có khoản tiền “dưỡng liêm” nhằm nuôi dưỡng sự liêm khiết. Thời vua Gia Long khoản tiền này chỉ cấp cho Tri phủ và Tri huyện, vì vua Gia Long cho rằng các quan phủ huyện chức nhỏ nhưng lại gần gũi dân nhất, nên thêm cho khoản tiền “dưỡng liêm” nhằm đảm bảo cho cuộc sống của họ, bản thân có thể thanh liêm phục vụ dân chúng.


Đến thời vua Minh Mạng thì các quan hưởng tiền “dưỡng liêm” được mở rộng thêm chức Tri châu, Đồng tri phủ, nhằm khuyến khích sự tiết tháo trong sạch. Đến thời vua Tự Đức thì tiền “dưỡng liêm” được mở rộng thêm cho các quan thu thuế. Nói chung chỉ các quan địa phương được hưởng tiền này, các quan thuộc bộ máy trung ương ở kinh thành không được hưởng số tiền này.


Từ các tư liệu lịch sử cho thấy số tiền “dưỡng liêm” là khá lớn, ngang với mức bổng lộc mà các quan nhận được hàng tháng, đây cũng là phần thưởng xứng đáng cho sự liêm khiết của các quan.


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook