Tìm hiểu thang âm ngũ cung trong âm nhạc Huế – P2
Âm nhạc Việt không chỉ có thang âm ngũ cung. Ngoài ra ta có thang âm nhị cung, tam cung, tứ cung, thất cung. Tuy nhiên nước Việt nằm trong...
Hò (viết theo chữ Hán là hợp ): đây là âm bậc mở đầu cho việc kết hợp các âm thanh để trở thành một hệ thống thang âm. Hò có thể tương đương với âm do3 trong âm nhạc Tây phương nhưng cũng có thể là âm khác, như fa chẳng hạn. Vì vậy trong nhạc Việt có các tên gọi là dây hò nhứt, dây hò nhì, dây hò ba, dây hò tư, dây vọng cổ … tùy theo âm hò (chủ âm) được chọn từ một âm bậc nào đó.
Xự ( tứ ): nghĩa là âm thanh thứ tư, tương đương với re3, là bậc trầm của re4, re5. Âm re5 là âm thanh thứ tư của chu kỳ quãng 5, sau fa-do-sol. Và xự là âm bậc được dịch xuống hai quãng 8 của re5.
Xang ( thượng ): nghĩa là âm trên cao, trên hết, nguồn gốc xa xưa. Xang ở đây là fa3, âm thanh gốc của chu kỳ quãng 5.
Xê ( xích ): có nghĩa là cây thước đo, trước kia có tên là thương và thái thốc . Tên này được chọn như một âm bậc với ý nghĩa giữ mãi hình bóng cội nguồn: đường thẳng của cây thước là hình ảnh của mũi tên to (thái thốc). Xê tương đương với sol3.
Cống (hay công ): tức là công cụ, công dụng tức là âm bậc dùng để chuyển cung, đổi điệu hay chuyển hệ sang một thang âm khác. Cống ở đây là la3, đôi khi nó biến thành sib ở trường hợp có chuyển hệ. Vì vậy nó được xem như công cụ để chuyển sang thang âm khác.
Líu ( lục ): tương đương với do4, là âm bậc thứ 6 của thang âm do3. Ta thấy có mối liên hệ giữa hò và líu , tức là người xưa muốn dùng líu để nhắc lại vị trí đứng đầu của hò để nhấn mạnh sự kết hợp âm thanh quanh âm bậc xang mà không hàm ý một quãng 8.
Ú ( ngũ ): tương đương với re4, là âm bậc thứ 5 của thang âm gốc: xang (fa).