Tìm hiểu chế độ nô tì ngày xưa ở nước ta

Chia sẻ Facebook
16/09/2022 07:58:35

Nô tì là đầy tớ gái; đầy tớ trai là nô bộc. Tuy nhiên theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, nô tì là từ gọi chung cả trai và gái. Theo các sử gia xưa, nô tì cũng chỉ chung trai và gái.

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận

Qua sự kiện lịch sử dưới đây, chúng ta suy ra chế độ nô tì có trước đời nhà Lý:

Năm 1043, vua Lý Thánh Tông cấm dân bán hoàng nam làm nô tì. Hoàng nam là con trai từ 18 tới 20 tuổi; sở dĩ có lệnh cấm này vì hoàng nam là nguồn nhân lực của quân đội.

Trải qua các triều đại Trần và Lê, chế độ nô tì vẫn còn tồn tại cho tới thời lưu dân khai hoang miền Thủy Chân Lạp.

Xuất thân của nô tì

Chỉ có giai cấp quyền quý như các vương hầu, công chúa, các thế gia vọng tộc và các phú hộ mới nuôi nô tì. Nô tì là con nhà nghèo bị cha mẹ bán cho các nhà quyền quý hoặc phú hộ. Cũng có trường hợp người độc thân vì quá nghèo nên tự bán mình làm nô tì như mẹ của vua Lê Uy Mục.


Có trường hợp cha mẹ không muốn bán con, chỉ dùng con làm “vật thế chân” để vay nợ (gọi là đợ con), hy vọng khi làm ăn khá giả sẽ trả nợ chuộc con. Nhưng không may, nợ nần không trả được nên cha mẹ đành bỏ con làm nô tì.

Năm 1290 cả nước bị nạn đói thảm hại, nô tì chỉ bán được 1 quan, bằng giá tiền 3 thăng gạo (thăng cũng gọi là thưng là đơn vị đo lường không nhất định nhưng người ta dùng bàn tay cầm thăng để đong gạo, như vậy dung tích của thăng không quá một lít).

Nguồn nô tì còn là vợ con của các tội nhân can tội phản nghịch.

Năm 1125 thủ lĩnh châu Quảng Nguyên là Mạc Hiền làm phản bị bắt và phát lưu đi Nghệ An, vợ con và gia nhân bị sung làm nô tì và phân chia cho các vương hầu và công chúa.

Năm 1434 thổ tù Lạng Sơn là Hoàng Nguyên Ý nổi loạn, bị đánh dẹp phải bỏ trốn sang nhà Minh bên Tàu, vợ con và gia nhân bị bắt làm nô tì phân chia cho các công thần.

Các quan đại thần trong triều nếu phạm trọng tội, vợ con cũng bị sung làm nô tì.

Năm 1437 Đại Tư Đồ Lê Sát lộng hành bị vua Lê Thái Tông đưa cho Ngự Sử Đài luận tội. Các quan phần lớn thù hận Lê Sát nên kết án trảm (chém). Nhưng vì là công thần từng phò Lê Lợi kháng chiến chống giặc Minh nên Lê Sát được vua cho lựa chọn cách tự xử. Lê Sát tự thắt cổ chết, vợ con bị sung làm nô tì. Riêng con gái của Lê Sát là nguyên phi Ngọc Dao khỏi bị làm nô tì nhưng bị phế xuống làm thứ nhân.

Đại đô đốc Lê Ngân có con gái là Nhật Lệ được tuyển làm Huệ Phi, một trong mấy bà phi của Lê Thái Tông. Muốn con mình được vua yêu, Lê Ngân kín đáo lập bàn thờ Quan Thế Âm trong nhà và mướn một bà đồng ngày ngày cầu nguyện. Việc này bị cáo giác, vua nổi giận bắt Lê Ngân phải thắt cổ chết, vợ con bị sung làm nô tì. Riêng Huệ Phi bị giáng xuống làm một chức quan nhỏ trong nội cung (có lẽ Thái Tông ngờ Lê Ngân âm mưu dùng con gái mê hoặc mình nhằm chiếm đoạt ngai vàng?).

Có trường hợp triều thần phạm tội, bản thân tội nhân bị phạt làm nô tì.

Đời nhà Lý, Đỗ Anh Vũ ỷ thế Lê Thái Hậu lộng hành bị vua Anh Tông phạt làm điền nhi (nông nô cho công điền).

Vua còn cho phép chiêu mộ nô tì để thực hiện một kế hoạch dinh điền nào đó.

Năm 1266 vua Trần Thánh Tông xuống chiếu cho các vương, hầu, công chúa, phò mã và cung tần đều được phép mộ người nghèo đói làm nô tì để khẩn hoang lập điền trang. Nô tì được phép lấy nhau và sở hữu ruộng riêng. Tuy nhiên họ vẫn phải làm việc không công cho chủ. Điền trang ra đời từ đó. Các phú hộ cũng phỏng theo điền trang, lập ấp riêng cho mình.

Sau này Hồ Quý Ly chuẩn bị cướp ngôi nhà Trần, hạn chế quyền lợi của các vương hầu và công chúa. Mỗi điền trang chỉ được sở hữu 10 mẫu ruộng và giữ lại một số nô tì theo cấp khoản ấn định cho mỗi phẩm hàm. Số ruộng dư bị sung công để cấp cho người nghèo không có ruộng hoặc làm công điền.

Thân phận nô tì

Nô tì phải sống trọn đời với chủ. Họ có thể lấy nhau nhưng phải được chủ chấp thuận.

Kinh tế ngày xưa phần lớn là nông nghiệp nên công việc của nô tì là canh tác, chăn nuôi và phục dịch những việc dù nặng hay nhẹ cho chủ. Nô tì thường bị chủ khai thác sức lao động quá mức, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Nếu chống lại chủ bằng bạo lực khiến chủ bị thương, nô tì bị xử tử hình. Trường hợp chủ giết chết nô tì chỉ bị phạt 60 trượng. Nếu nô tì bị chủ giết chết mà có anh em bà con cũng làm nô tì, những người này được trả tự do như một cách đền bù.

Nếu nô tì phạm tội, bị xử nặng hơn lương dân. Tuy vậy vẫn có nô tì trốn chủ gia nhập vào các đảng cướp hoặc các nhóm phản nghịch.

Năm 1354 một người tên là Tề xưng là cháu ngoại của Hưng Đạo Vương tụ tập bọn nô tì của các vương hầu bỏ trốn, lập thành đảng cướp hoành hành ở Lạng Giang và Nam Sách.

Nhằm ngăn ngừa nạn nô tì bỏ trốn, vua Trần Dụ Tông xuống chiếu buộc các vương hầu và công chúa phải xăm chữ vào trán nô tì theo phẩm hàm cùa mình và phải kê khai vào sổ hộ tịch.

Phỏng theo cách này, năm 1401 Hồ Hán Thương bắt chủ nô phải xâm vào trán nô tì hình hỏa châu hoặc khoanh đỏ hoặc một hay hai khoanh đen tùy theo phẩm hàm của các vương hầu và công chúa.


Tội nhân thường phạm thời Trần Thái Tông cũng bị xâm chữ vào trán và bị đày đi làm “hoành” (nông nô cho công điền) hoặc làm “lao thành” phục dịch trong các đội tượng quân (voi trận).

Tuy vậy cũng có những chủ nô có lòng nhân từ, đối xử tử tế với nô tì khiến họ trung thành với chủ cho tới già. Có những lão bộc được chủ tin cậy giao cho việc quản lý tài sản.

Một số vua chúa cũng quan tâm đến số phận của các nô tì.

Năm 1292 vua Trần Nhân Tông cho phép những người vì hoàn cảnh nghèo khó phải bán con làm nô tì nay được chuộc lại.

Năm 1499 vua Lê Hiến Tông cấm dân mua người Chàm và Man làm nô tì (Man là các sắc tộc miền thượng du).

Năm 1115 Linh Nhân hoàng thái hậu xuất tiền trong kho nội phủ để chuộc con gái trước đây bị bán làm nô tì rồi gả cho trai nghèo không vợ hoặc góa vợ.

Nô tì của các vương hầu và công chúa có thể được dạy võ nghệ làm quân trừ bị cho triều đình.

Năm 1336 Hưng Hiếu Vương đem quân đánh dẹp người Man nổi loạn, lập được công lớn. Các tướng sĩ đều được thăng phẩm hàm. Trong số lập được công lớn có Phạm Ngãi, vì là nô tì nên chỉ được cấp ruộng đất thay cho chức tước.


Các vương hầu và công chúa còn cho nô tì học múa hát để giải trí riêng trong phủ. Do đó có tục ngữ “ăn cơm chúa múa tối ngày.”

Vua Trần Dụ Tông thích coi hát tuồng (hát bộ) nên ngày xuân vua cho các ban hát của các vương hầu và công chúa vào trong triều hát thi. Vua đích thân chấm điểm và phát thưởng.

Điền nô, thời kỳ cuối cùng của chế độ nô tì


Trong cuốn “Biên Hòa Sử Lược Toàn Biên” , tác giả Lương Văn Lựu trích dẫn một đoạn trong thư tịch cổ “Vũ Biên Tạp Lục” như sau:

Ở phủ Gia định đất Đồng Nai, từ các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu trở vào toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm. Họ Nguyễn trước kia đánh với Cao Man lấy được đất rồi chiêu mộ dân có vật lực ở phủ Điện Bàn, Quảng Nghĩa, Quy Nhơn (xứ Quảng Nam) di cư đến, chặt cây khai phá trở thành bằng phẳng, đất đai màu mỡ.

Phủ Chúa cho họ chiếm lấy, lập vườn trồng cau, làm nhà ở. Lại cho thu nhận con trai con gái thổ dân Châu Mạ ở các đầu nguồn bị bán làm nô tì. Người đen tóc quăn giá tiền là 20 quan, người hơi trắng chỉ hơn 10 quan. Chúng lấy nhau sinh đẻ nuôi nấng, lớn lên lấy việc cày ruộng làm nghề nghiệp, vì đó mà lúa nhiều.

Ở các địa phương mỗi nơi có từ 30 tới 40, 50 nhà giàu. Mỗi nhà có từ 50 tới 60 điền nô và từ 300 tới 400 trâu bò, rộn ràng gặt hái không rỗi.

Thật ra lưu dân mua điền nô từ con buôn. Người Tàu len lỏi vào các bộ lạc Châu Mạ, dùng gạo và muối để mua con cái của những người nghèo đói sau đó bán lại cho lưu dân.

Người Tàu có mặt ở Đồng Nai từ năm 1679 do Chúa Hiền cho phép Tổng Binh Quảng Đông là Trần Thượng Xuyên và Tổng Binh Quảng Tây là Dương Ngạn Địch cùng 3 ngàn thuộc hạ được định cư tại Biên Hòa và Mỹ Tho. Họ chuyên về thương mại và thủ công nghệ, chỉ có một số nhỏ sống bằng nông nghiệp.


Trong Tập San Sử Địa số 19-20 năm 1970 của Đại Học Sư Phạm Sài Gòn có đăng bài “Việc mãi nô dưới vòm trời Đông Phố và chủ đất thật của vùng Đồng Nai” của Bình Nguyên Lộc.

Theo tác giả, người Châu Mạ tự gọi mình là Chì-au Mạ. Chì-au có nghĩa là người, vậy Chì-au Mạ có nghĩa là người Mạ.

Người Mạ chỉ sống từng bộ lạc, không có tổ chức xã hội lớn hơn. Địa bàn sinh hoạt của họ – trước khi lưu dân tới khai hoang – là vùng từ Biên Hòa lên tới Phan Thiết. Vùng này không phải của Miên nhưng là vùng trái độn giữa Chàm và Miên.

Họ giống hệt người Việt, có người biết chữ nho.

Chỉ sống bằng nghề làm rẫy nên họ không biết làm lúa nước. Lưu dân dùng họ làm những việc nặng nề khác như phát quang, đốn cây, chuyên chở, nhất là đào giếng (họ chịu đựng được tình trạng thiếu oxy dưới độ sâu).

Lưu dân khẩn hoang tới đâu là họ lui dần vào rừng, không chống đối.

Cũng có một số sống chung với lưu dân và lấy vợ lấy chồng người Việt. Lâu dần họ bị đồng hóa thành người Việt (tác giả có biết một số người Việt gốc Mạ có danh phận sống ở Sài gòn).

Khi Pháp ổn định việc cai trị, tuy không có luật cấm mãi nô, nhưng các chủ nô vẫn dần dần trả tự do cho điền nô. Tới năm 1930 thì nạn này chấm dứt.


Bùi Quý Chiến
“Chế độ nô tì ngày xưa”
Trích đăng từ Đặc San Lâm Viên (www.dslamvien.com)

Chuyện người xưa hôn nhân “cưỡng cầu” mà vẫn “trọn vẹn”


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook