Tìm giải pháp thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Chia sẻ Facebook
16/09/2022 01:29:05

Nhiều chủ đề nóng về vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế đã được thảo luận tại hội thảo khoa học về kinh tế tuần hoàn ngày 15/9.

Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam là xu hướng tất yếu

Ngày 15/9 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học: "Kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và định hướng phát triển ở Việt Nam". Sự kiện do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Viện Tư vấn công nghệ và Đào tạo Toàn Cầu và các cơ quan liên quan tổ chức.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với nhiều quốc gia và khu vực kinh tế, trong đó có những cam kết về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái, nên việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam là xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Tại hội thảo, các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo các Bộ Ban ngành Trung ương và địa phương; các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học cũng như các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp làm rõ hơn cơ sở lý luận – thực tiễn về phát triển kinh tế tuần hoàn; chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt về phát triển kinh tế tuần hoàn của quốc tế; đề xuất các chủ trương, chính sách định hướng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đối tác FTA; tiếp cận tài chính xanh, tài chính số phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn ở nước ta trong giai đoạn mới.

Nhiều chủ đề nóng đã được đưa ra trao đổi như: Tổng quan về kinh tế tuần hoàn; một số lý luận và thực tiễn về việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; phát triển kinh tế tuần hoàn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Áp dụng khoa học tư duy hệ thống trong nghiên cứu xây dựng mô hình hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; một số kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế tuần hoàn; ứng dụng các giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại một số khu vực, xu hướng phát triển các lĩnh vực kinh tế trên thế giới và Việt Nam; hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính, tín dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong giai đoạn mới và vai trò của Ngân hàng đối với việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; ứng dụng cách tiếp cận Tầm nhìn chiến lược (foresight) trong hoạch định chính sách thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam…Từ đó, đưa ra các định hướng quy hoạch, thúc đẩy và phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới tương lai phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn

Trình bày tại hội thảo, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã nêu vấn đề áp dụng khoa học tư duy hệ thống trong nghiên cứu xây dựng mô hình hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu

Theo đó, kinh tế tuần hoàn là một khái niệm đã phát triển qua nhiều thập kỷ để trở thành một sự thay thế khả thi cho hệ thống tiêu dùng lãng phí hiện tại. Nó đang dần dần hình thành và được áp dụng, đòi hỏi ít hy sinh của người tiêu dùng hay ngành công nghiệp. Hệ thống này sẽ đi tiên phong trong thiết kế, bảo trì, sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất, tân trang và tái chế lâu dài.

Khi thế giới ngày càng nhận thức được tác động của loài người đối với hành tinh của chúng ta, hệ thống kinh tế mới cần phải giải quyết bản chất hữu hạn của tài nguyên không tái tạo, mà còn xử lý lượng chất thải lớn đã tạo ra.

Trong tự nhiên, khái niệm chất thải không tồn tại, bởi vì mọi thứ đều được biến đổi, đóng vai trò là nguyên liệu thô cho các chu kỳ mới. Kinh tế tuần hoàn biến đổi logic của sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ dựa trên ba nguyên tắc:

- Loại bỏ chất thải và ô nhiễm theo nguyên tắc.

- Giữ sản phẩm và nguyên liệu theo chu kỳ sử dụng.

- Tái tạo hệ thống tự nhiên.

Như vậy, nền kinh tế tuần hoàn là sự thay thế cho tư duy: lấy đi, làm ra, tiêu thụ, vứt bỏ.

PGS. TS. Nguyễn Văn Thành cũng đề xuất một số giải pháp thích ứng với những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho nền kinh tế tuần hoàn gồm: (1) Số hóa các luồng vật liệu, (2) Kết nối các giải pháp tuần hoàn, (3) Áp dụng tư duy hệ thống dẫn dắt hệ thống, tác động vào điểm đòn bẩy.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS Trần Quốc Toản – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Tư vấn Công nghệ và Đào tạo toàn cầu cho biết: Những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu là rất hữu ích cho việc xây dựng cơ chế, chính sách. Ban Tổ chức sẽ tiếp thu, tổng hợp và trình lên Bộ TN&MT và các cơ quan có trách nhiệm liên quan. Tuy nhiên, phát triển KTTH là vấn đề rộng lớn, phức tạp, đa diện, đa cấp độ, mang tính dài hạn, cần được nghiên cứu sâu hơn, hệ thống hơn cả về lý luận và thực tiễn.

PGS.TS Trần Quốc Toản hy vọng và tin rằng rằng các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, tổ chức sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển KTTH, triển khai có hiệu quả các mô hình mới.

Chia sẻ Facebook