Tìm đường cho doanh nghiệp đến được với gói hỗ trợ lãi suất 2%

Chia sẻ Facebook
05/08/2022 01:40:43

Trên một số diễn đàn của các nhóm ngành nghề, nhiều doanh nghiệp đang tự hỏi lẫn nhau liệu gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho 11 nhóm ngành có gặp phải nghịch lý “ném phao” cho “người khỏe”. Họ băn khoăn làm thế nào để tiếp cận và thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ, trong khi thực tế hàng loạt doanh nghiệp đang điêu đứng sau hai năm đại dịch Covid-19, từng ngày mong mỏi được tiếp sức.

Tìm đường cho doanh nghiệp đến được với gói hỗ trợ lãi suất 2%

Các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mong muốn được xem xét giải quyết ngay các vướng mắc khi triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất. Ảnh minh họa: VITAS

Thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng


Tại một cuộc hội thảo gần đây, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng việc thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất vẫn là bài toán khó đối với doanh nghiệp. Bởi vì muốn được ngân hàng thương mại đồng ý cho vay, doanh nghiệp phải thỏa mãn các điều kiện theo đúng quy định. Ở vị trí của các tổ chức tài chính, các ngân hàng không thể thực hiện các quyết định vượt ngoài tầm kiểm soát, thiếu an toàn về vốn.

Ông nêu ý kiến dù có thể đang trong tình hình khó khăn nhưng các địa phương nên thành lập trở lại các quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổ chức này là đơn vị đứng ra bảo lãnh các doanh nghiệp thiếu điều kiện vay vốn nhưng cần vốn để phục hồi và phát triển. Vốn của tổ chức này được hình thành từ ngân sách nhà nước của từng địa phương, với sự phối hợp của hiệp hội ngân hàng, hiệp hội doanh nghiệp. Quỹ phải thẩm định chính xác phương án kinh doanh, khả năng phục hồi, đầu ra của doanh nghiệp, từ đó hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất.

Chia sẻ quan điểm này, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, góp ý rằng nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện hỗ trợ thì cần được bảo lãnh tín dụng. Cần xem phương án của doanh nghiệp có thể tạo ra dòng tiền trả nợ không, nếu phương án tốt thì cho vay. Cần thay đổi điều kiện cho vay một cách phù hợp và ngân hàng chịu trách nhiệm trong việc thẩm định này. “Chẳng hạn, một doanh nghiệp mua thiết bị, qua thẩm định giá có thể cho thế chấp bằng chính thiết bị này”, ông Hưng nêu ví dụ.

Ông Nguyễn Viết Toàn, Công ty Kỹ thuật tự động ETEC, Chủ tịch Hội Doanh nhân quận Tân Phú (TPHCM) đã chia sẻ câu chuyện thực tế rằng hội đã làm việc với các tổ chức tín dụng trên địa bàn và đều nhận được câu trả lời là chờ hướng dẫn.

Trong khi đó, thời hạn của gói tín dụng chỉ kéo dài đến hết năm 2023 và theo các doanh nghiệp, như vậy là quá ngắn để xoay xở thủ tục vay vốn và nhận hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng gói hỗ trợ này được triển khai sớm để giảm chi phí tài chính, đặc biệt trong bối cảnh các tổ chức tín dụng đã tăng lãi suất cho vay. Mặt khác, nên kéo dài thời hạn gói hỗ trợ bởi hiện đã là quý 3-2022, nếu chỉ áp dụng đến hết năm 2023 thì thời gian thụ hưởng của doanh nghiệp còn rất ngắn.

Ông Phạm Huy Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã nêu nguyện vọng mà tổ chức này gửi đến Ngân hàng Nhà nước, đó là xem xét giải quyết ngay các vướng mắc khi triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất.

Chẳng hạn, Nghị định 31 quy định doanh nghiệp muốn được hỗ trợ 2% lãi suất không được tham gia các chương trình hỗ trợ khác từ ngân sách nhà nước. Thế nhưng, thực tế là ngân hàng thương mại không nắm được các khách hàng đã được hỗ trợ từ chương trình khác hay chưa. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể nội dung này hoặc cho phép khách hàng cam kết. Sau khi các ngân hàng thương mại hỗ trợ vốn vay đối với họ, Ngân hàng Nhà nước sẽ xác minh sau hoặc tăng cường hậu kiểm, xử lý nghiêm những trường hợp gian lận. Như vậy, mới có thể giải ngân cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhanh chóng, kịp thời.

Bà Hà Thị Cẩm Vân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thiên An Phú, dẫn chứng từ thực tế trong năm 2021 một số ngân hàng không làm thủ tục ân hạn cho khách hàng kịp, mặc dù đã tất toán các khoản vay, dẫn tới bị lưu vết và thành nợ xấu. Nếu bị lưu vết tới 5 năm thì các ngân hàng sẽ từ chối tái cấp tín dụng cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa này. Đây cũng là vấn đề cần giải quyết. Mặt khác, trong hoạt động doanh nghiệp, vốn lưu động thường bị kẹt ở các khoản bảo lãnh. Vòng quay vốn từ lúc ký hợp đồng, hoàn thành công việc đến lúc nhận được tiền nhanh nhất là 60 ngày. Vì thế, nếu không có sự trợ giúp, giảm lãi suất từ ngân hàng thì các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Qua ghi nhận của chúng tôi, các doanh nghiệp, hợp tác xã mong muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét nới điều kiện được hỗ trợ như tài sản bảo đảm, khoản vay có số dư nợ gốc bị quá hạn, số dư lãi chậm trả trong hai năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các ngân hàng cũng gặp những trở ngại riêng. Nếu hướng dòng vốn tín dụng ưu đãi đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có tài sản bảo đảm… thì rủi ro bị đẩy sang phía ngân hàng. Do vậy, việc xét duyệt kéo dài thêm, nguồn vốn tín dụng không đến đúng thời điểm doanh nghiệp cần, cũng như không phát huy hết hiệu quả.

Các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mong muốn được xem xét giải quyết ngay các vướng mắc khi triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất. Ảnh minh họa: VITAS

Linh hoạt trong điều chỉnh hạn mức tín dụng

Một giải pháp để gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai hiệu quả là điều chỉnh hạn mức (room) tín dụng hợp lý. Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra định hướng tín dụng năm 2022 tăng khoảng 14% nhưng đến nay các ngân hàng đã sử dụng quá nửa chỉ tiêu tín dụng của cả năm. Đây vướng mắc cần tháo gỡ. Hàng loạt ngân hàng đã kiến nghị được nới room tín dụng để có thêm vốn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và có thể thực hiện những chương trình ưu đãi lãi suất một cách hiệu quả.

Room tín dụng được chính thức triển khai vào năm 2011 trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn lạm phát rất cao, xuất phát từ việc gia tăng cung tiền liên tục ở mức rất cao trong nhiều năm. Room tín dụng quy định tăng trưởng tín dụng tối đa của ngành ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước công bố vào đầu mỗi năm. Dựa trên mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ phân phối tỷ lệ room tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong nước tùy vào tình hình của các ngân hàng như chất lượng tín dụng và hiệu quả quản lý tín dụng.

Trong bối cảnh chưa thể bỏ cấp room tín dụng, nhiều chuyên gia gợi ý Ngân hàng Nhà nước có thể linh hoạt hơn thay vì cấp room bằng mệnh lệnh hành chính như hiện nay.

Một số ý kiến đề nghị ngành ngân hàng không giới hạn room tín dụng với doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo… vì có sự an toàn cao hơn so với nhiều lĩnh vực khác.

Chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực đánh giá với lộ trình lâu dài, Ngân hàng Nhà nước cần bỏ cấp room tín dụng. Việc cấp room chỉ nên được coi là giải pháp tạm thời.

Theo ông Lực, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục linh hoạt, xem xét cấp hạn mức cho ngân hàng theo từng tháng hoặc xem xét nới room cho từng ngân hàng ngay khi có yêu cầu, thay vì gom các yêu cầu vào một đợt rồi mới thực hiện. Điều này sẽ giúp các ngân hàng cho vay kịp thời và không bị gián đoạn trong hoạt động kinh doanh.


Trong một vài năm tới, Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu công cụ quản lý phù hợp, mang tính thị trường hơn. Chẳng hạn, giám sát thông qua hệ số an toàn vốn CAR , giúp giám sát cả tài sản và vốn của ngân hàng. Phương pháp này mang tính bao trùm hơn và cũng theo thông lệ quốc tế.

Chia sẻ quan điểm nêu trên, một chuyên gia tài chính – ngân hàng khác là TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng không nhất thiết phải áp trần tăng trưởng tín dụng với từng ngân hàng, thay vào đó có thể kiểm soát dòng vốn tín dụng của các tổ chức bằng những yếu tố khác. Đó là tính thanh khoản, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động, tỷ lệ an toàn vốn, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Quang Thịnh


TBKTSG

Chia sẻ Facebook