Tiểu tiện bậy sẽ bị phạt tới 250.000 đồng từ hôm nay 25-8

Chia sẻ Facebook
25/08/2022 14:00:13

Nghị định số 45 quy định, phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ hôm nay 25-8.

Điều 25 của Nghị định đã quy định việc xử phạt vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường

Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, hành vi vận chuyển nguyên liệu, vật liệu không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông sẽ phải chịu mức xử phạt từ 2 đến 4 triệu đồng.

Nghị định 45 cũng nêu rõ, phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hoạt động quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, lễ hội, khu du lịch, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác khi Không có đủ công trình vệ sinh công cộng, phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng yêu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường theo quy định.

Đối với quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường, Nghị định 45 nêu rõ mức xử phạt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Về quy định xử phạt phân loại rác vừa nêu, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết đang có cách hiểu chưa đúng về thời điểm áp dụng xử phạt đối với hành vi không thực hiện phân loại rác thải từ đầu nguồn.

Theo ông Thịnh, ngày 25-8 là thời điểm Nghị định 45 có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt. Cũng giống như Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, một số chế định ghi trong luật cũng phải thực hiện có lộ trình.

Ông Thịnh cho biết thêm Luật Bảo vệ Môi trường quy định UBND cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn. Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh, thành triển khai hướng dẫn thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện của địa phương. Lộ trình thực hiện chậm nhất là vào ngày 31-12-2024.

"Như vậy, đến ngày 1-1-2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Đến thời điểm đó, nếu không thực hiện phân loại tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính" - ông Thịnh nhấn mạnh.

Nghị định cũng quy định mức phạt tiền từ 200 đến 250 triệu đồng đối với hành vi không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Chia sẻ Facebook