Tiểu thư đi lạc ở Hà Nội, 46 năm sống cực khổ mới được đoàn tụ với gia đình

Chia sẻ Facebook
26/04/2022 13:47:21

Ngày hôm ấy, cô bé Triệu Lệ Cần được bố mặc cho bộ quần áo mới, đứng ở cửa đợi mẹ về dẫn đi chụp ảnh, nhưng không ngờ lần chờ đợi này lại kéo dài 46 năm…

Con gái 3 tuổi ‘biến mất’ trước cửa nhà

Ngày 18/12/1963, cô bé Triệu Lệ Cần lúc bấy giờ 3 tuổi được bố là ông Triệu Đạt Quang mặc cho bộ quần áo mới, khoác thêm chiếc áo ấm đứng trước cửa nhà ở số 34 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, để đợi mẹ về dẫn đi chụp hình.

Trong một phút giây, ông Quang lạc mất con gái, cho rằng vì đợi mẹ quá lâu mà cô bé sốt ruột đi ngược lên tiệm làm tóc của mẹ cách đó 500m.

Hôm đó, tiệm đông khách, bà Nguyễn Kim Phượng làm về muộn. Thấy bà về một mình vì con gái không chạy lên quán, cả nhà hốt hoảng chạy đi tìm khắp nơi, rồi báo công an.

Hình ảnh bà Triệu Lệ Cần khi còn nhỏ. (Ảnh: VietNamNet)

Việc con gái mất tích quá bất ngờ khiến vợ chồng ông Quang bà Phượng đau đớn, dằn vặt. Mỗi lần ngồi bên mâm cơm, cả 2 vợ chồng lại chảy nước mắt nhớ tới hình ảnh tíu tít của con gái khi nào.

Ông Quang tạm gác công việc, cứ có tiền là mang đi tìm con. Ông như người mất hồn, lang thang khắp các bến xe, thấy chiếc nào trống thì leo lên đó để tìm con trong vô thức.

May mắn được đôi vợ chồng hiếm muộn nuôi dưỡng

Cô bé đi lạc Triệu Lệ Cần hôm đó gặp được bà Nguyễn Thị Oong (người làng Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) đi bán lược sừng tại chợ Đồng Xuân.

Bà Oong thấy bé gái trắng trẻo, xinh xắn đứng khóc bên bờ hồ Hoàn Kiếm một lúc lâu mà không ai đưa về, nên đã dẫn đứa bé về nhà trên chuyến xe cuối cùng của ngày về huyện Thường Tín.

Đến nhà mới, dù mới 3 tuổi, cô bé Cần vẫn nhận thức được đây không phải nhà mình. Cần sợ và khóc, vốn đã quen với ánh sáng của phố thị, về Thường Tín trong khung cảnh tối om, thấy đom đóm, đứa trẻ càng khóc to.


“Khi về sống với bố Đoành mẹ Oong, tôi khóc lớn vì chưa quen. Nhưng trẻ con mà, bị cuốn theo những đứa trẻ trong xóm, rồi cũng thích nghi với cuộc sống mới” , bà Cần kể.

Bà Triệu Lệ Cần năm 1980 và 1997 (Ảnh: Tổ Quốc)

Bố mẹ nuôi sau đó đặt cho bà Cần tên mới là Nguyễn Thị Thủy. Ông Nguyễn Văn Đoành, bố nuôi, nói rằng thời gian đầu, 2 vợ chồng ông vẫn thường ngóng trên đài xem có ai đăng tin tìm con thất lạc không, nhưng không thấy.

Vợ chồng ông Đoành khi đó đã kết hôn gần 20 năm nhưng không có con. Ngày đưa bé gái 3 tuổi về nhà, ông bà xem Cần như con đẻ, yêu thương hết mực.

Sau khi đưa Cần về nhà nuôi dưỡng, đến năm 1970, bà Oong có thai và sinh được một bé trai nhưng sau đó bà bị liệt người suốt 2 năm. Do hoàn cảnh, bà buộc phải cho bé Cần thôi đến trường khi vừa học hết lớp 4, ở nhà phụ mẹ chăm em. 5 năm sau, người mẹ tiếp tục sinh con trai thứ hai.

Năm 19 tuổi, cô bé Cần ngày nào đến tuổi kết hôn, chuyển về nhà chồng sinh sống. Thế nhưng, cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc và hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Bà Cần sau đó đưa con gái đến sống ở mảnh đất công xã cấp cho.


“Mọi người bảo tôi bị bố mẹ nuôi đuổi ra khỏi nhà, nương nhờ hàng xóm chăm sóc, rồi sống trong căn nhà hoang. Nhưng hoàn toàn không phải thế. Con gái lấy chồng phải theo chồng, ra ngoài ở riêng. Năm 2002, tôi tự xây nhà mới, vẫn được anh em họ hàng giúp sức” , bà Cần chia sẻ.

Cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt sau gần nửa thế kỷ

Gia đình ông Triệu Đạt Quang sau này sang Canada định cư, nhưng mỗi năm vẫn đều đặn về Việt Nam, trở lại căn nhà cũ số 34 Hàng Buồm với mong muốn may mắn tìm lại được con gái.

Bức ảnh của bà Cần khi nhỏ được treo trang trọng ở nhà, bên cạnh các thành viên khác. (Ảnh: VietNamNet/Dân Việt)


Ông Triệu Trọng Lễ, em trai ruột bà Cần, sau đó đã đăng ký tìm thân nhân trên chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly . Bức ảnh chụp cô bé Cần, được cắt ra từ tấm ảnh chụp chung với mẹ, là tín vật duy nhất và cũng mong manh nhất.


Năm đó, hàng xóm của bà Cần là bà Nguyễn Thị Lệ vô tình xem được đoạn thông tin của chương trình, thốt lên “Ôi sao giống cô Thủy (Cần) thế” . Nhận tin, bà Cần bật tivi xem lại chương trình, ngờ ngợ về gốc gác của bản thân.


Bà Lệ đã nhờ chị dâu từng công tác tại Viện Giám định Pháp y tâm thần liên lạc với Như chưa hề có cuộc chia ly. Các thông tin liên tục trùng khớp, đặc biệt là bí mật về vết sẹo nơi cổ chân trong một lần bé Cần được bố chở đi bằng xe đạp không may bị xước lớn. Chương trình cũng xin mẫu tóc của bà Cần để làm xét nghiệm ADN.


Tháng 09/2009, bà Cần và con gái liên tục ra vào Sài Gòn, làm việc với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly . Hôm đó, mẹ con bà Cần đi tàu hỏa, gặp trúng cơn bão, buộc phải dừng lại ở Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). Hai mẹ con bà Cần kẹt trên tàu hơn 1 ngày, rồi bắt xe khách ngược ra Hà Nội dù còn cách TP.HCM nửa đoạn đường.

Bà Nguyễn Thị Thủy (tức bà Cần) có cuộc sống khó khăn, là mẹ đơn thân, mưu sinh bằng nghề làm lược sừng thuê. (Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly)


“Tôi tự nhủ số mình vất vả, đến ngày đoàn tụ gia đình cũng chưa hết khó khăn” , bà Cần nhắc lại. Hai ngày sau, bão tan, mẹ con bà đi máy bay vào TP.HCM, đến trường quay bí mật của Như chưa hề có cuộc chia ly , mà không biết rằng bất ngờ lớn nhất cuộc đời đang chờ đợi.


Bà Cần bước vào trường quay trong bộ áo mới, bước ra từ ô cửa ‘bí mật’ để trở về với gia đình. Ngỡ cũng ô cửa xưa ấy mà bà bước chân ra ngoài và đi lạc, giờ đây lại được mở ra để đón bà trở về.


Cả gia đình ôm chầm lấy người con, người em, người chị. Sau những tiếng khóc, câu đầu tiên bà Cần thốt lên lời là “Con nhớ mẹ”. Nỗi nhớ dài đằng đẵng 46 năm!

Bà Cần đoàn tụ cùng gia đình năm 2009 trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly)


“Tôi bất ngờ và xúc động, không diễn đạt được trọn vẹn cảm xúc. Bao nhiêu năm không gặp, muốn xem bố mẹ đẻ và anh chị em sống như thế nào” , bà Cần chia sẻ và nói không thấy tiếc nuối bất cứ điều gì vì đây là số phận đã an bài. Sinh ra là con của bố Quang mẹ Phương, sống làm con của bố Đoành mẹ Oong, bà đều chấp nhận.


Ông Quang ngỏ ý đón mẹ con Cần qua Canada sinh sống, nhưng bà không đồng ý. Một phần vì giấy tờ thủ tục rất rắc rối, phần khác vì đã quen cuộc sống ở Việt Nam. “Tôi bảo với bố mẹ, nếu sang Canada chơi thì được, nhưng để sống thì không. Các anh chị em ruột – mỗi người đều có gia đình riêng ở Canada, tôi không muốn nhờ vả, tá túc người nọ người kia” , bà Cần cho hay.

Từ đó hàng năm, để thỏa nỗi nhớ mong con, vợ chồng ông Quang bà Phương đều đặn về Việt Nam từ tầm tháng 10 đến tháng 04 năm sau.

‘Không lãng quên những người đã chung sống hàng chục năm’


Hơn 1 năm sau chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly , bố nuôi bà Cần qua đời vì bệnh tật. Mãi đến năm 2017, lần đầu tiên bà sang Canada theo dạng visa du lịch 1 năm, chính thức đoàn tụ với gia đình.


Năm 2019, bà Cần tiếp tục sang Canada một vài tháng. Khi mới về Việt Nam, bà nhận tin mẹ đẻ qua đời, lại đặt vé qua chịu tang. Từ đó đến tháng 4/2022, bà bị ‘mắc kẹt’ tại Canada hơn 2 năm do dịch bệnh Covid-19, không thể về dự đám tang của mẹ nuôi hồi tháng 6 năm ngoái.

Bà Cần đau đớn không thể về Việt Nam nhìn mặt bà Oong lần cuối, chỉ ra mộ thắp cho mẹ nuôi vài nén hương.


“Tôi rất buồn vì bố nuôi, 2 người mẹ đều mất, chỉ còn lại bố Quang. Hai bên gia đình chung sống rất hòa hợp, không hề oán trách nhau. Tôi vẫn luôn tôn trọng bố mẹ nuôi và chung sống tốt đẹp với 2 em trai nuôi. Không phải tìm thấy được bố mẹ đẻ, là ngay lập tức lãng quên những người chung sống hàng chục năm qua với mình” , bà Cần suy tư.


Bà cho biết thêm, giờ bà có 2 gia đình để về, sống vui vẻ an yên tuổi già. Dù giàu hay nghèo, bà đều hạnh phúc, chỉ mong các anh em sống hòa thuận. “Cuối đời nhận lại được bố mẹ đẻ, tôi mãn nguyện lắm rồi”, bà nói.


Xuân Hạ (t/h)

Chia sẻ Facebook