Tiêu thẻ tín dụng vô tội vạ, giới trẻ hóa con nợ vì sống ham hư vinh
Thẻ tín dụng có nhiều lợi ích nên giới trẻ bất chấp chi tiêu một cách vô tội vạ. Thế nhưng, ít ai biết rằng, đằng sau đó là những hậu quả mà nhiều bạn trẻ đang phải hứng chịu.
Làm thêm 3 việc cùng lúc để “kéo cày” trả nợ tín dụng không còn là câu chuyện quá hiếm trong giới trẻ. Với thói quen tiêu trước trả sau, lấy tiền từ thẻ tín dụng này trả lãi thẻ khác, nhiều người vô tư cầm trong tay cả xấp thẻ tín dụng nhưng không biết đây là “quả bom nổ chậm”.
Thẻ tín dụng là quả bom nổ chậm mà nhiều bạn trẻ không lường trước được. (Ảnh: Dân Trí)
Nhà nhà, người người mở thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng dù xuất hiện muộn nhưng những năm gần đây đang chiếm lĩnh thị phần lớn. Vốn có phân khúc khách hàng rộng nên dòng thẻ này có động lực phát triển cực kỳ lớn, đồng thời nó cũng sở hữu không ít ưu điểm vượt trội cùng chính sách mở đường của cơ quan quản lý…
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 6/2022, có tới 12 tổ chức tín dụng phát hành thẻ tín dụng nội địa trong đó có 3 công ty tài chính và ngân hàng. So với cuối năm 2021, số lượng thẻ tăng 26% và đạt con số 543.000 thẻ.
Loại thẻ này cực kỳ phổ biến. (Ảnh: Dân Trí)
Đồng thời, Napas đã có con số thống kê cho thấy, số lượng chi tiêu giao dịch qua thẻ tăng trưởng mạnh trong 5 năm trở lại đây, đạt 45% và giá trị giao dịch đạt 40%. Nếu xét trên online, con số này con lớn hơn nữa khi số lượng giao dịch là 87% và giá trị giao dịch là 107%. Như vậy có thể thấy được rằng, mọi người đã dần quen với việc dùng thẻ nội địa chi tiêu thay vì rút ATM.
Cũng theo con số thống kê từ NHNN, mỗi người không chỉ có một mà rất nhiều thẻ tín dụng. Tính đến giữa năm 2021, số lượng thẻ đang được lưu hành lên tới 110 triệu ứng với số lượng 66% dân số trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Tính trung bình, mỗi người trưởng thành ở nước ta có từ 2 đến 3 thẻ ngân hàng.
Số lượng chi tiêu cũng rất lớn. (Ảnh: Dân Trí)
Trong đó, giới trẻ là những người tiên phong, dễ dàng tiếp xúc và hào hứng nhất với loại thẻ này. Bởi thẻ tín dụng cho chi tiêu trước, trả tiền sau. Trong khi sinh viên hay người đi làm có mức chi tiêu cực kỳ lớn và không phải lúc nào cũng sẵn tiền trong túi. Hay loại thẻ này cũng được các sàn thương mại điện tử, hãng xe công nghệ, quán ăn… đưa vào thanh toán nên được giới trẻ ngày càng ưa chuộng.
Thành con nợ vì “mở thẻ có mất gì đâu”
Với tâm lý miễn phí hoàn toàn mở thẻ, chưa kể thẻ tín dụng còn có hàng loạt ưu đãi, hoàn tiền… khiến người tiêu dùng cực kỳ hứng thú. Họ luôn tâm niệm rằng, cứ mở trước vì đằng nào chẳng mất tiền.
Vì không hiểu rõ cơ chế của thẻ tín dụng, nhiều người vô tình trở thành con nợ. Theo nguyên tắc, thẻ ngân hàng tự động khóa khi trong một thời gian dài khách hàng không sử dụng và phát sinh giao dịch. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào từng ngân hàng nên dù không sử dụng dịch vụ, nếu thẻ người dùng chưa được ngân hàng chủ động khóa thì vẫn phải chi trả chi phí thường niên.
Nhiều bạn trẻ dùng thẻ tín dụng để chi tiêu mua sắm. (Ảnh: Daily Mail)
Anh K. (ở Hà Nội) từng chủ quan khi được mở thẻ miễn phí. Vì không có nhu cầu sử dụng nên sau đó anh không dùng đến. Tuy nhiên, một thời gian sau anh nhận được thông báo nợ 1 triệu đồng từ phía ngân hàng. Anh đã hoàn thành khoản nợ nhưng gần đây, công ty thu hồi nợ tiếp tục thông báo, anh còn 230 đồng đã quá hạn thanh toán 2 năm và bị xếp vào nợ nhóm 5 trên Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC).
Sử dụng thẻ tín dụng không giống như tiền mặt, các bạn có thể tự thanh toán mà không vướng vào nỗi lo việc đã trả đủ hay chưa. Chính vì vậy, lâu dần với những khoản mua thoải mái phục vụ nhu cầu sống, giới trẻ “lún sâu” và phụ thuộc quá nhiều vào vay tiền thông qua thẻ tín dụng. Cứ thế, mọi người lấy tiền của thẻ này thanh toán phí trả góp cho thẻ kia và một ngày, họ bỗng trở thành “con nợ” của thẻ tín dụng. Với văn hóa chi tiêu và tận dụng của nhiều người khi kinh tế đang cực kỳ khó khăn, thẻ tín dụng dường như là cái phao cứu sinh. Tuy nhiên nhìn ở phía cạnh khác, nó không khác gì quả bom nổ chậm.
Nhiều bạn trẻ dùng thẻ để mua son phấn. (Ảnh: Daily Mail)
Vấn nạn này xảy ra với giới trẻ trên toàn thế giới, xét riêng ở châu Á, chẳng hạn tại Hàn Quốc khi số nợ mà người dân phải gánh là hơn 1,5 nghìn tỷ USD, trong khi GDP của nước ngày chỉ khoảng 1,63 nghìn tỷ USD. Hay tại Trung Quốc, giới trẻ chi tiêu cực kỳ vô tội vạ khi việc vay tín dụng dễ dàng. Như Rachel Chen, một sinh viên sống tại Tứ Xuyên ngoài giờ đi học còn phải đi làm thêm 3 công việc nhưng vẫn chưa thể trả hết các khoản nợ của mình. Tài chính không dư giả nhưng cô gái này lại lựa chọn các khoản vay tín dụng vào sản phẩm làm đẹp, quần áo…
Việc chi tiêu thẻ tín dụng đã trở nên phổ biến. (Ảnh: Sina)
Hãy dùng thẻ tín dụng thông minh
Từ những hệ lụy trên, giới trẻ cần hiểu rõ rằng, thẻ tín dụng không thể chi tiêu bừa bãi mà nó cần được sử dụng một cách thông minh để tránh nuôi “quả bom nổ chậm” bên người. Trước hết, khi dùng thẻ, mỗi người cần hiểu rõ các điều khoản, quy định khi chi tiêu như: Điều kiện mở thẻ tín dụng cá nhân, các loại phí bắt buộc khi sử dụng, thời hạn thanh toán nợ, điều khoản thanh toán nợ trễ hạn, chương trình ưu đãi tích điểm…
Mọi người cần để ý khi tiêu thẻ. (Ảnh: Dân Trí)
Đồng thời, mỗi người không nên mở quá nhiều thẻ tín dụng bởi có thể dễ mất kiểm soát chi tiêu hay thu nhập thấp hơn hạn mức. Đồng thời, thẻ sẽ có thời hạn trả nợ dài từ khoảng 30 ngày tới 45 ngày, do đó không phải ai cũng có thể quản lý tốt tình trạng chi tiêu cũng như trả nợ. Mở càng nhiều, bạn càng có nhiều khoản nợ và hậu quả về sau càng lớn.
Sau tất cả, một điều cực kỳ quan trọng đó chính là cần chi tiêu phù hợp, không để bản thân dính vào “bẫy tín dụng”. Nếu không với khả năng chi trả không đủ, bạn sẽ thường xuyên phải “kéo cày trả nợ” ngày qua ngày mà không hết. Hãy luôn kiểm soát chi tiêu bản thân phù hợp với mức thu nhập. Nhất là giới trẻ, khi chưa kiếm được tiền hay mức thu nhập thấp, cần phải đong đếm nhiều nếu muốn mua bất cứ mặt hàng nào.
Hãy cân nhắc để không trở thành con nợ. (Ảnh: Dân Trí)
Việc tiêu thẻ tín dụng quá tay là vấn đề nan giải ở nhiều nước trên khắp thế giới. Một số quốc gia thậm chí đã ra quy định về việc hạn chế người dân tiêu trước trả sau. Chính vì những hậu quả trên, mọi người phải thật cẩn thận khi sử dụng loại thẻ này.
Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN.
Các loại thẻ tín dụng, vay nợ đang trở thành xu hướng được mọi người ưa chuộng. Không thể phủ nhận rằng, những phương thức chi tiêu này cực kỳ tiện lợi về nhiều mặt. Tuy nhiên, nó sẽ trở thành hậu quả nếu nhưng người dùng không tìm hiểu kỹ. Dù sử dụng bất cứ sản phẩm nào cũng cần hiểu chính sách, để trở thành một người dùng thông minh chứ không phải nhận hậu quả vì sự thiếu hiểu biết của bản thân. Điều này cực kỳ quan trọng nhất là khi công nghệ số đang phát triển rầm rộ.
Cùng theo dõi thêm bài viết tại đây.