Tiểu quan làm tới chức tể tướng bởi không động tâm trước nữ sắc

Chia sẻ Facebook
19/03/2023 09:38:17

Thời kỳ Tuyên Tông triều Minh, tại huyện Thái Hoà, Giang Tây có một vị quan Điển Sử phụ trách bắt kẻ phạm tội tên là Tào Nãi. Tào Nãi vốn là người có học thức, nhân phẩm đoan chính, nổi tiếng vì hiếu thuận phụng dưỡng mẹ kế. Câu chuyện về Tào Nãi cự tuyệt nữ sắc khá ly kỳ, bởi sau này cậu đã trở thành một vị “Tể Tướng Trạng Nguyên” của triều Minh.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh, Public Domain)


Một lần nọ, khi Tào Nãi tham dự việc bắt cướp thì gặp một thiếu nữ dung mạo xinh đẹp ở trạm dừng chân. Vị thiếu nữ này gặp Tào Nãi thì động lòng, muốn hiến thân cho Tào Nãi. Tào Nãi nhìn thấy dung nhan xinh đẹp của cô gái cũng động lòng, nhưng lập tức cảnh cáo cô gái rằng: “Cô là trinh nữ, ta không thể xâm phạm” . Thời đó người ta tin rằng việc nam nữ có hành vi bất chính trước hôn nhân là một tội lớn, gọi là tội tà dâm, là việc thất đức, khiến phúc đức hao tổn.


Tào Nãi từ chối cô ta xong, ở phòng bèn lấy giấy viết xuống 4 chữ “Tào Nãi bất khả!” (Tào Nãi không được làm thế!) rồi đốt lên, thề với Trời rằng nhất quyết không để bản thân phạm phải việc tà dâm, không làm trái dẫu là nửa bước. Cậu ta đốt mấy chục lần, suốt đêm mỗi khi tâm thần bất định bèn dùng cách này để cảnh giới bản thân. Cứ như thế, Tào Nãi vượt qua được sự cám dỗ của nữ sắc.


Sau này, Tào Nãi vào kinh ứng thí. Vào ngày thi, ban đầu đầu óc Tào Nãi nặng trịch, không biết phải trả lời như thế nào. Rồi đột nhiên Tào Nãi nhìn thấy có một tờ giấy từ không trung bay tới bàn thi của mình, trên giấy viết 4 chữ “Tào Nãi bất khả” .

Điều kỳ lạ là, sau khi Tào Nãi nhìn thấy bốn chữ đó, thì đầu óc đột nhiên trở nên linh hoạt, rõ ràng, mạch văn tuôn trào như suối, hành văn bay bổng như nước chảy, vô cùng thông thuận.

Vào ngày báo tên bảng vàng, Tào Nãi xếp đầu bảng, trở thành trạng nguyên tân khoa vào năm Tuyên Đức Minh Tuyên Tông thứ 8 (Năm 1433). Sau khi Tào Nãi đỗ đầu thiên hạ, ông vào viện Hàn Lâm nhậm chức. Ông làm quan tới chức Thị Lang bộ Lại kiêm học sỹ Hàn Lâm.


Sau khi Minh Anh Tông kế vị, Tào Nãi đảm nhiệm chức Kinh Diên giảng quan, giảng về sử sách cho vua. Ông phụ trách biên tập và tuyển chọn cuốn “Tuyên Tông Thực Lục”. Được hiệu chỉnh những câu chuyện có thực về hoàng đế các triều đại là một niềm vinh hạnh hữu hạn.


Năm Chính Thống Minh Anh Tông thứ 11 (Năm 1446), ông đảm nhiệm chức Thủ Phụ Nội Các, mọi người thường gọi ông là “Tể Tướng Trạng Nguyên” . Ông đảm nhiệm chức vị này 10 năm .

Sau khi tạ thế trong trận Thổ Mộc, ông được truy phong làm Thượng Thư Bộ Lại, đại học sỹ Văn Uyên Các, và ban tặng thêm chức Thái Phó, con cháu ông cũng được phong cấp áo gấm trăm hộ.

Tài tử phạm nữ sắc tiền đồ tận diệt


Vào năm Gia Tĩnh Minh Thế Tông (Năm 1522 – 1566 sau công nguyên), tại Gia Thiện, Chiết Giang có vị tài tử tên là Lục Bang, tự là Tú Khanh, hiệu là Quỹ Trai. Một đời vị tài tử này viết được 10 cuốn “Lục Quỹ Trai Tập”. Ngoài ra 2 cuốn “Quỹ Trai Tạp Trước” đều được thu thập vào trong “Tứ Khố Tổng Mục” và lưu truyền cho hậu thế.

Lục Bang có cậu quý tử tên là Lục Trọng Tích, từ nhỏ đã giỏi văn thơ, thông minh hơn người, những cuốn sách đã từng đọc qua cậu bé có thể học thuộc làu làu như cháo chảy. Lúc đó mọi người đều cho rằng cậu là bậc kỳ tài, có hậu phúc, tiền đồ rộng mở.

Năm Lục Trọng Tích 17 tuổi, cậu ta theo thầy riêng họ Khâu vào kinh thành chuẩn bị ứng thí. Cậu thường nhìn trộm cô gái ở phòng đối diện. Người xưa coi nữ sắc là điều đại kỵ của người học trò, bởi những chuyện này không hợp với lễ, cũng không phải là hành vi đoan chính, khiến người ta sao nhãng việc học hành. Người ở tuổi thành niên, nhất là học trò mà phạm vào nữ sắc như vậy thì sẽ thất đức, phúc báo hao tổn, tiền đồ sẽ không còn nữa.


Người thầy của Lục Trọng Tích thấy cậu phạm nữ sắc như vậy lại không can ngăn, khuyên bảo học trò, trái lại còn bảo Lục Trọng Tích rằng: “Miếu Đô Thành Hoàng ở ngoài Tuyên Vũ Môn rất linh nghiệm, hữu cầu tất linh, vì sao không tới cầu xin cho được toại nguyện?”. Lục Trọng Tích nghe lời thầy nên cũng tìm tới miếu.

Đêm hôm đó Lục Trọng Tích trở về thì nằm mộng, tỉnh dậy thì khóc thống thiết không dừng. Mọi người kinh hãi hỏi nguyên do, cậu ta nói:

“Vừa rồi ta nằm mơ thấy Đô Thành Hoàng đang đuổi theo ta và thầy giáo ta, hơn nữa còn trách mắng ta rất nghiêm khắc. Sau đó Ngài lại gọi Thần tra cứu quan tước bổng lộc của hai người chúng ta. Dưới tên của ta đã ghi danh trạng nguyên năm Giáp Tuất, còn dưới tên của thầy ta thì trống không, không có công danh gì cả. Đô Thành Hoàng nói sẽ lập tức bẩm báo lên Ngọc Đế, rằng hai thầy trò ta sinh tâm bất chính, không biết nghĩ tới bổn phận, mà còn làm chuyện ngoài phận sự, vậy nên lập tức cắt bỏ lộc vị và công danh trạng nguyên của ta. Dưới tên của thầy ta vốn không có gì, nay lại bị tuyệt dương thọ để trừng phạt thầy giáo mà vô đức, dẫn dắt học trò đi lầm đường lạc lối, để làm gương cho sự linh nghiệm trong nhân quả báo ứng.”

Nói dứt lời, Lục Trọng Tích khóc lóc không thôi.


Chẳng bao lâu sau, một thư đồng vội vàng chạy tới báo rằng: “Vừa nhận được tin thầy Khâu chết vì dịch tả cấp tính”. Sau này Lục Trọng Tích quả nhiên cũng ứng nghiệm với dự ngôn trong giấc mộng, nhiều lần thi không đỗ, nghèo khó, bất đắc chí đến cuối đời.

Cổ ngữ có câu rằng: Tà dâm là thứ đứng đầu trong vạn điều ác. Tội tà dâm huỷ con người nhanh nhất, đáng sợ nhất. Tào Nãi cự tuyệt nữ sắc, được Thiên Thượng ban phúc, cuối cùng bảng vàng vinh danh, trở thành “Tể tướng Trạng nguyên” của Triều Minh. Còn Lục Trọng Tích gia thế hơn người, tuổi nhỏ tài hoa, trong mệnh vốn sẽ đỗ bảng vàng, nhưng công danh cả đời lại bị cắt bỏ chỉ vì động tà niệm. Người thầy giáo cũng vì không kịp thời uốn nắn, sửa chữa tư tưởng bất chính của học trò, ngược lại còn phóng túng tà niệm, kết quả cũng phải chết trong đau đớn.

Một người là tiểu quan không có tiền đồ rõ ràng, một người là tài tử tài hoa từ nhỏ, vậy mà vận mệnh cuối cùng lại trái ngược như thế, kẻ trên trời, người dưới vực, cũng chỉ là vì nữ sắc mà thôi.


Vào thời cổ, khi con người còn kính Trời kính Thần, thì sự việc hiển linh như vậy được chép lại trong sách cổ rất nhiều. Người xưa có câu: “Thế gian thi thố là văn chương, nhưng Thần minh cho đỗ đạt lại vì đạo đức” . Ngày nay, khi con người không tin có Thần linh, thì những việc như thế cũng không còn xuất hiện nữa.


Kỳ thực người thời nay dù “thấy mới tin” nhưng khi nghe kể việc huyền hoặc thì cũng hay nói câu: “Không tin thì cũng làm gì có đâu” . Nhưng chẳng phải “không tin thì không thấy có” cũng hàm chứa ý rằng “tin thì mới thấy” hay sao?

Nếu ai đó thật sự tĩnh tâm nhìn vào những trường hợp quả báo nhãn tiền, hoặc con cháu lụn bại vì chuyện tà dâm này, thì sẽ hiểu đó vẫn là một lời cảnh tỉnh con người của trời đất.


Thiên Cầm

“Nam nữ thụ thụ bất thân”: Lễ nghi uốn nắn quan hệ nam nữ xưa


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook