Tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính
10 trong số 12 thủ tục hành chính ghi nhận giảm thời gian khi qua cơ chế một cửa quốc gia, chi phí thực hiện mỗi thủ tục cũng giảm đáng kể.
Ngày 3/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội nghị công bố kết quả “Khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành năm 2021”.
Cuộc khảo sát được thực hiện với 2 phần nội dung chính, đối với nội dung khảo sát việc thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin MCQG, tính đến tháng 04/2022, có 12 thủ tục hành chính của 5 Bộ, ngành đang được thực hiện; Việc thực hiện thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành được khảo sát chung với các thủ tục của 10 Bộ quản lý chuyên ngành.
Giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí
Đại diện nhóm nghiên cứu công bố báo cáo, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết kết quả khảo sát cho biết có 10/12 thủ tục khi thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia giúp giảm thời gian thực hiện từ 26 - 54% so với thực hiện thủ tục theo phương thức truyền thống - đến nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại cơ quan nhà nước.
Trong khi thời gian thực hiện hai nhóm thủ tục hành chính về nhập khẩu trang thiết bị y tế, sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu có thời gian thực hiện thủ tục tăng từ 15 - 17% so với quy trình làm thủ tục truyền thống.
Cụ thể, thủ tục cấp xuất xứ C/O giảm thời gian thực hiện 10 giờ, chi phí giảm 666.000 đồng; thủ tục nhập khẩu tiền chất công nghiệp giảm thời gian thực hiện 22 giờ, chi phí giảm 735.000 đồng; thủ tục nhập khẩu xe cơ giới giảm thời gian thực hiện 17 giờ, chi phí giảm 706.000 đồng.
Tương tự, thời gian kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu giảm 11 giờ, chi phí giảm 533.000 đồng; thời gian thực hiện thủ tục tàu biển xuất cảnh giảm 5 giờ, chi phí giảm 3.845.000 đồng…
Có 10/12 thủ tục hành chính ghi nhận giảm chi phí khi làm thủ tục qua cơ chế một cửa quốc gia, chi phí thực hiện thủ tục giảm từ 148.000 đồng/thủ tục đến 3.845.000 đồng/thủ tục. Trong đó, thủ tục tàu biển Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh rời cảng biển quốc tế giảm nhiều chi phí nhất.
Còn nhiều dư địa để cải cách
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng Cơ chế một cửa Quốc gia của Việt Nam thành lập với mục đích cho phép doanh nghiệp cung cấp thông tin cho nhiều cơ quan Nhà nước, trên một nền tảng duy nhất, qua đó tăng sự minh bạch, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan tại cửa khẩu và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với mức độ hài lòng của doanh nghiệp chưa cao, vẫn còn nhiều dư địa để cải cách.
Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực về những thay đổi, giữa thực hiện thủ tục qua Cơ chế một cửa Quốc gia và phương thức truyền thống cũng giảm so với năm 2019. Cụ thể, đánh giá về sự minh bạch trong theo dõi tiến độ giải quyết, giảm nhiều nhất từ 82% năm 2019 xuống còn 68% năm 2022 (14%). Tiếp đến là đánh giá về biểu mẫu tờ khai rõ ràng, giảm 12%, giảm lượng giấy tờ phải nộp, giảm 8% và giải đáp thắc mắc giảm 8%.
Theo đại diện VCCI, kết quả khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp tiếp tục mong muốn các bộ, ngành có thêm nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả của NSW và đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.
Có 58,92% doanh nghiệp cho hay họ gặp phải ít nhất một loại khó khăn nào đó trong quá trình tuân thủ thủ tục. Nội dung kiểm tra chồng chéo trùng lặp là khó khăn thường gặp nhất, với 39% lượt doanh nghiệp lựa chọn. Thái độ không đúng mực của công chức là lý do gây trở ngại cho 12% doanh nghiệp khi tuân thủ.
Ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan hy vọng rằng qua báo cáo đo mức độ hài lòng này các bộ, ngành và các bên liên quan có được một cái nhìn khách quan về thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc triển khai thủ tục hành chính của cơ quan mình
Tú Anh