Tiếp tục gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô, chậm nộp hơn 11 nghìn tỷ
Tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến phát sinh được gia hạn 4 kỳ (từ kỳ tính thuế tháng 6 đến kỳ tính thuế tháng 9) là khoảng 9.300-11.400 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Theo đó, Bộ này đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt từ tháng 6 và phải nộp về ngân sách chậm nhất là ngày 20/11/2022.
Theo dự thảo, Nghị định này quy định việc gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng đối với: doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; cơ quan thuế; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Về thời gian gia hạn, theo quy định của Điều 44 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP thì cơ sở kinh doanh thực hiện khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo tháng và thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo.
Để việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2022 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước và phù hợp với thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự kiến: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2022 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, cụ thể như sau: Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6/2022, tháng 7/2022, tháng 8/2022, tháng 9/2022 chậm nhất là ngày 20/11/2022.
Đánh giá tác động tới thu ngân sách nhà nước, theo Bộ Tài chính, căn cứ quy định tại Điều 8 Luật số 03/2022/QH15 về việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt về các mức 3%, 2%, 2%, 1% đối với xe ô tô điện sản xuất, lắp ráp trong nước từ 9 chỗ trở xuống, từ 10 đến dưới 16 chỗ, loại thiết kế vừa chở người vừa chở hàng, từ 16 chỗ đến dưới 25 chỗ và dự kiến sản lượng xe điện tiêu thụ sẽ tăng, thay thế cho sản lượng xe chạy xăng tương ứng.
Căn cứ tình hình sản xuất kinh doanh và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cả năm của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước các năm gần đây như sau: Năm 2019 là 29.358 tỷ đồng (bình quân 2.450 tỷ đồng/tháng); năm 2020 là 31.765 tỷ đồng (bình quân 2.650 tỷ đồng/tháng) và năm 2021 là 33.900 tỷ đồng (bình quân 2.800 tỷ đồng/tháng). Như vậy, bình quân số thuế nộp ngân sách dao động trong khoảng từ 2.450-2.800 tỷ đồng/tháng.
Với giả định thực hiện Luật số 03/2022/QH15, do thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện chạy pin có thuế suất thấp, đủ để cầu tiêu dùng đối với xe điện tăng lên, theo đó một lượng nhu cầu xe chạy xăng được thay thế bởi xe điện, dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng khoảng 170-250 tỷ đồng.
Lương Bằng