Tiếp sức cho di sản: Hiểu và ứng xử một cách nâng niu
Khi hiểu được di sản và ứng xử với nó một cách nâng niu trân trọng thì chính nó sẽ trở thành mạch nguồn cho ra đời những sáng tạo mới.
Năm 2020, ca sĩ trẻ Hà Myo ra mắt MV Xẩm Hà Nội . Lần đầu tiên, một tác phẩm âm nhạc có sự kết hợp giữa xẩm truyền thống với Rap và EDM hiện đại. Ca khúc đến nay đã thu hút được hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội. Đây được đánh giá là một sự sáng tạo táo bạo, một bước đi nhỏ bé nhưng góp phần xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Không chỉ ở các sản phẩm âm nhạc hiện đại, xẩm cũng đang được trở về với không giác các chợ quê tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ở đó, nghệ nhân hát xẩm Lê Hữu Vượng đã truyền lại niềm đam mê loại hình nghệ thuật này cho nhiều người.
Sự hồi sinh của xẩm ở chợ quê khiến công chúng có thể mơ ước về một ngày được xem chèo, tuồng ở sân đình, hay xem cải lương, ca trù ở đầu làng thay vì đến nhà hát. Có thể, ước mơ đó còn xa nhưng có cơ sở để thành hiện thực, khi những người yêu di sản không chỉ là các cụ ông, cụ bà mà còn nhiều bạn trẻ ở thế hệ 8X, 9X. 5 năm trở lại đây, các bạn trẻ hay thậm chí doanh nghiệp lớn có thể kiếm tiền từ những nguồn lực di sản mà trước đây vốn không ai nghĩ tới. Từ những cửa hàng nhỏ đến show diễn lớn, di sản đang từng bước chính thức khoác lên mình hình hài của công nghiệp văn hóa. Những sản phẩm văn hóa như MV Gieo quẻ của Hoàng Thùy Linh, Nam quốc sơn hà của Erik – Phương Mỹ Chi, Ỷ vân hiên… phát triển mạnh mẽ khi khai thác được sức sống của truyền thống trong đời sống đương đại.
"Khi hiểu được di sản và ứng xử với nó một cách nâng niu trân trọng thì chính nó sẽ trở thành mạch nguồn, động cơ giúp chúng ta tạo ra những sáng tạo rất mới và hiện. Việc các bạn nghệ sĩ trẻ sử dụng di sản như một nền tảng để tạo ra những giá trị sáng tạo mới của mình là điều tốt, nên làm. Điều đó giúp di sản có sức sống", đạo diễn Lê Quý Dương - Ủy viên BCH Hiệp hội Sân khấu thế giới.
Nguồn lực đầu tư cho di sản từ phía Nhà nước cũng đang có chuyển biến tích cực. Đầu tháng 12/2021, Chính phủ đã phê duyệt chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Chưa bao giờ công nghệ tràn vào bảo tàng, di tích sôi động như thời gian vừa qua. Công nghệ đang giúp đánh thức các di sản, giúp tạo ra sản phẩm du lịch mới, giàu tính trải nghiệm đến với du khách.
"Đất nước của chúng ta có văn hóa lâu đời, có trữ lượng văn hóa di sản nghệ thuật lớn. Đó là tiềm năng, cơ hội để xây dựng công nghiệp văn hóa. Mỗi vùng, địa phương hay tỉnh thành có sản phẩm văn hóa đặc thù của mình, xây dựng văn hóa đặc thù của riêng, từ đó chuyên môn hóa để thật chuyên nghiệp, làm cho nó trở thành đỉnh cao, không ở đâu có. Nhiều nơi như vậy sẽ tạo ra một nền văn hóa đa dạng, chất lượng. Từ đó, công nghiệp văn hóa cũng hình thành…", đạo diễn Lê Quý Dương nói tiếp.
Ở Việt Nam, các ngành văn hóa hiện đang đóng góp 2,68% GDP, ở mức trung bình so với thế giới. Trong khi chúng ta luôn tự hào là có một kho tàng văn hóa giàu có. Điều đó cho thấy cần có sự đầu tư lớn hơn, thực chất và hiệu quả hơn từ Nhà nước.
Theo GS.TS Từ Thị Loan, thể chế và cơ chế là những nút thắt quan trọng nhất cần được giải quyết để phát triển công nghiệp văn hóa.